Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10- 4-2019

Pháp : Tập đoàn Airbus thay lãnh đạo trong giai đoạn đầy thách thức

Guillaume Faury airbus

 



Ông Guillaume Faury, tân lãnh đạo Airbus.
AFP Photos/Eric Piermont

 

Châu Âu và Pháp là hai chủ đề chính nổi bật trên trang nhất các tờ báo lớn ra tại Pháp hôm nay 10/04/2019.

Lý thú nhất có lẽ là bài trên nhật báo kinh tế Les Echos về sự kiện tập đoàn chế tạo phi cơ châu Âu Airbus thay đổi lãnh đạo vào một thời điểm đầy thách thức.
Le Figaro cũng chạy tít lớn về châu Âu, nhưng chú ý đến Brexit.

Về thời sự Pháp, Le Monde chú ý đến đích nhắm 2022 của tổng thống Macron, Libération nhấn mạnh đến một sáng kiến dân chủ nổi lên sau cuộc Đại Thảo Luận, còn La Croix vui mừng trước sự kiện chế độ thu thuế tận gốc đã được áp dụng một cách suôn sẻ.

« Chuyển giao lịch sử » tại Airbus

Hàng tựa lớn nhất ngay trang đầu của Les Echos ghi nhận : « Chuyển giao quyền điều hành lịch sử tại Airbus ».
Đối với Les Echos, đây là một sự kiện lịch sử vì lãnh đạo người Đức của Airbus Thomas Enders, 61 tuổi, tại chức từ 14 năm qua, rốt cuộc đã trao lại quyền hành cho Guillaume Faury, 51 tuổi, một người Pháp, hiện là phụ trách mảng hàng không của tập đoàn hàng không không gian châu Âu.

Chân dung của lãnh đạo mới của Airbus rất ấn tượng.
 Là một người thông thạo tiếng Đức, tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa lừng lẫy của Pháp là Polytechnique, ông từng làm việc ở Tổng Cục Quân Giới Pháp, trước khi qua phụ trách hai bộ phận quan trọng của Airbus là sản xuất trực thăng và phi cơ.

Với một lý lịch như vậy, cũng dễ hiểu là ông Faury đã được Hội Đồng Quản Trị Airbus gần như là nhất trí chọn làm tân lãnh đạo tập đoàn vào tháng 12 năm 2018. Một lãnh đạo như thế rất cần cho Airbus vào thời điểm tập đoàn châu Âu phải đối phó với vô số thách thức.

Theo Les Echos, ông chủ mới của Airbus trước tiên sẽ phải đối mặt với những bất ổn về địa chính trị, được minh họa bằng xáo trộn do vấn đề Brexit và nhất là sự hồi sinh của cuộc chiến tranh thương mại giữa Châu Âu và Hoa Kỳ, với Airbus là đối tượng bị Washington nhắm tới.

    Đọc thêm : Tài trợ cho Airbus : Mỹ chuẩn bị trừng phạt châu Âu

Guillaume Faury cũng sẽ phải chống lại cuộc phản công sắp tới của Boeing, nổi tiếng là rất đáng sợ mỗi khi bị khủng hoảng.
Ông cũng sẽ phải bảo vệ tên lửa Ariane và ngành công nghiệp không gian vũ trụ châu Âu trước sự tấn công của các tác nhân mới, trong đó có hai tập đoàn tư nhân Mỹ Space X và Blue Origin.

Trong lãnh vực hàng không quân sự, thách thức quan trọng nhất đối với tân lãnh đạo Airbus là làm sao biến thảm họa tài chính của máy bay vận tải quân sự A400M thành một sản phẩm xuất khẩu, kéo dài tuổi thọ cho loại chiến đấu cơ Eurofighter, đồng thời đặt nền móng cho hệ thống không chiến châu Âu trong tương lai, trong khuôn khổ hợp tác với hãng Dassault, chuyên chế tạo loại chiến đấu cơ Rafale.

Brexit: Theresa May muốn kéo dài thời hạn để làm gì ?

Về hồ sơ Brexit, các báo đều chú ý đến cuộc họp thượng đỉnh bất thường của lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu mở ra tối nay để xem xét đề nghị của thủ tướng Anh Theresa May, muốn dời ngày chia tay với châu Âu đến cuối tháng 6.

Ngay trang nhất của mình, Le Figaro đặt câu hỏi « Brexit : Dời ngày ra đi thêm một lần nữa để làm gì ? ».
Đối với tờ báo cánh hữu, khả năng Liên Hiệp Châu Âu đồng ý gần như là tất yếu, vì không nước nào trong khối muốn gánh vác trách nhiệm về một Brexit-No deal, tức là không thỏa thuận.

Theo ghi nhận của Le Figaro, lập trường của lãnh đạo hai nước đầu tầu châu Âu là Pháp và Đức đã cho thấy rõ khả năng này.

Ngay từ đầu, thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho rằng việc hoãn « vài tháng » là một điều chấp nhận được, có thể là cho đến đầu năm 2020.
Nước Pháp, dù có thái độ cứng rắn trong một thời gian dài, cũng đã tuyên bố không phản đối dời ngày ly hôn, nhưng đặt ra một số điều kiện và cho rằng thời hạn một năm sẽ là « quá dài ».

Đối với Le Figaro, trong bối cảnh Luân Đôn chắc chắn sẽ được Bruxelles cho hoãn ngày Brexit, hy vọng đang đặt vào các cuộc đàm phán giữa phe Bảo Thủ Anh đang cầm quyền, với Công Đảng trong phe đối lập, để tìm ra đồng thuận về thỏa thuận Brexit.

Có điều, theo nhà bình luận Arnaud de la Grange của tờ Le Figaro, « Không có gì chắc chắn rằng các cuộc thảo luận giữa Theresa May và Công Đảng Anh sẽ có kết quả.
Chuông báo động đã rít lên trong giới kinh doanh tại Vương Quốc Anh. Giới chính khách thì cận kề bờ vực của sự điên loạn, khiến cho một trong những lãnh đạo cảnh sát hàng đầu của nước Anh đã phải kêu gọi giới lãnh đạo chính trị là phải biết tự kềm chế… »

May đến Bruxelles trong thế yếu

Cũng như đồng nghiệp Le Figaro, nhật báo thiên tả Libération cho rằng bộ phim Brexit sẽ còn kéo dài.

Theo tờ báo, tại Bruxelles hôm nay, thủ tướng Anh rõ ràng là ở trong thế yếu, và tương tự như lần xin dời ngày Brexit vào tháng 3 vừa qua, lần này, yêu cầu của bà May có khả năng chỉ được thỏa mãn một phần, nhất là khi bà chưa hề thực hiện các điều kiện mà Liên Hiệp Châu Âu đặt ra trong lần đầu tiên.

Libération giải thích thêm : Thỏa thuận Brexit đạt được với các nhà đàm phán châu Âu vào tháng 11 năm ngoái vẫn chưa được các nghị sĩ Anh thông qua, trong lúc thủ tướng May lại không thực sự có một phương án thay thế.
Bà kêu gọi hoãn Brexit cho đến ngày 30 tháng 6, với hy vọng là thỏa thuận tháng 11/2018 sẽ được thông qua.

Đây là hy vọng hay ảo vọng ?
Dẫu sao thì Libération nhắc lại rằng thỏa thuận đó đã bị Hạ Viện dứt khoát bác bỏ ba lần rồi.

Đà tan băng tăng tốc : Núi Alpes có thể không còn băng

Một vấn đề môi trường đã thu hút sự chú ý của hầu như tất cả các báo: Tình trạng băng sơn tăng tốc độ tan chảy.

Không hẹn mà gặp, Le Monde và Le Figaro đều dành vị trí trang trọng nhất ở trang đầu cho một bức ảnh chụp băng sơn, kèm theo một bài viết giải thích rõ bên trang trong.
Dưới tựa đề « Môi trường : Đà tan băng tăng tốc », Le Monde đăng ảnh khu núi băng Tracy Arm ở vùng Alaska, Hoa Kỳ, vào tháng 8 năm 2018.

Thế nhưng băng không thấy đâu, mà chỉ thấy đá trơ trụi. Tờ báo cho biết : « Một công trình nghiên cứu đã tính toán được một mức độ tan chảy khủng khiếp trong vòng 50 năm và hiện tượng này chỉ ngày càng dữ dội hơn mà thôi ».

Le Figaro thì cụ thể hơn, xoáy vào tình trạng ở Pháp, ghi nhận qua hàng tựa : « Băng vùng núi Alpes có thể biến mất từ nay đến cuối thế kỷ ».
 Bên dưới một tấm ảnh chụp Biển Băng ở phía trên thị trấn nghỉ đông Chamonix vùng núi Alpes bên Pháp, tờ báo ghi nhận :
 « Giống như biển băng trên Chamonix, đã mất 2,5 km kể từ thế kỷ 19, hàng chục ngàn dải băng hà trên hành tinh đang tan chảy trông thấy. Hiện tượng đó ngày càng góp phần vào việc làm mực nước biển dâng cao. »

Dựa vào đâu mà hai nhật báo Pháp lại lên tiếng báo động như vậy ?

 

 Le Monde cho biết là chính tạp chí khoa học nổi tiếng Nature của Anh đã cảnh báo như trên trong công trình nghiên cứu công bố hôm 08/04, theo đó thì từ vùng Alaska cực bắc nước Mỹ, cho đến vùng Patagonia ở mũi cực nam châu Mỹ, hay trên dãy núi Alpes ở châu Âu, tức là ở khắp mọi nơi trên thế giới, đà tan chảy của băng hà đang gia tăng.
Những người « lính canh » của khí hậu này, đã mất đi hơn 9.000 tỷ tấn băng kể từ năm 1961, góp phần làm mực nước biển dâng cao.

Nhật báo Pháp nhắc lại rằng vào năm 2013, Ủy Ban Liên Chính Phủ về Biến Đổi Khí Hậu IPCC (hay GIEC theo từ tắt tiếng Pháp) đã gợi lên khả năng mực nước biển dâng cao từ 26 cm đến 98 cm từ giờ đến cuối thế kỷ, bắt nguồn từ mọi nguyên nhân gộp lại, theo các kịch bản khí hậu bị hâm nóng.
Dự báo đáng ngại này càng lúc càng có khả năng trở thành sự thật...

Mới tại chức 2 năm, Macron đã nghĩ đến 2022

Về thời sự Pháp, Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : « Đảng của Emmanuel Macron chuẩn bị chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2022 như thế nào ».

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ngân quỹ.
The tờ báo Pháp, đảng Cộng Hòa Tiến Bước đã dự trù dành 15 triệu euro trong quỹ vận hành của mình cho việc đó, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, với một điểm mới là đa dạng hóa nguồn đóng góp, thay vì chủ yếu dựa vào các nhà đại hảo tâm như trong cuộc vận động năm 2017.

Một trong những người thân cận với tổng thống Macron khẳng định với Le Monde :
« Tổng thống sẽ không bao giờ nói công khai trước công chúng, nhưng thật ra ông chỉ nghĩ đến năm 2022. Đó là động lực thôi thúc ông ».

Một sáng kiến lạ để phát huy dân chủ ở Pháp

Cũng về thời sự Pháp, Libération đã giành trang nhất cho một ý tưởng đã được nêu lên nhân cuộc Đại Thảo Luận vừa kết thúc mà phần tổng kết đang được chính phủ Macron công bố.

Dưới tựa đề : « Hãy cho việc bốc thăm có cơ hội », nhật báo cánh tả Pháp cho rằng đề xuất theo đó người ta có thể chỉ định một cách ngẫu nhiên một số công dân để cho họ tham gia vào việc đề ra một số quyết định chung của đất nước có thể là một giải pháp tốt, bổ sung cho các cuộc bầu cử đại biểu dân cử truyền thống.
Libération nhắc lại rằng đây là một phương án từng được gợi lên nhân cuộc Đại Thảo Luận vừa qua, và từng được hành pháp nghiên cứu.

Việc bốc thăm chọn người tham gia một cơ chế nào đó không phải là một sáng kiến mới lạ.
Theo Libération, đây là điều mà người ta vẫn làm khi chọn các thành viên cho bồi thẩm đoàn trong các phiên tòa.

 Ưu điểm của phương án này là cho phép đáp ứng đòi hỏi của đa số người dân, đang có cảm giác là các đại biểu dân cử truyền thống đã xa rời quần chúng, không còn quan tâm đến nguyên vọng chính đáng của người dân.

Thu thuế tận gốc : một cải cách suôn sẻ bất ngờ

Cũng về thời sự Pháp, nhật báo Công Giáo La Croix đã nêu bật một tin vui ngay trong tựa chính trang nhất :
« Thu thuế tận gốc, tình trạng hỗn loạn được loan báo đã không xẩy ra ».

Theo ghi nhận của La Croix, bốn tháng sau khi được áp dụng, kế hoạch cải cách phương thức thu thuế thu nhập đã không tạo ra vấn đề gì lớn, trái hẳn với những dự báo bi quan của rất nhiều « chuyên gia », đã cho rằng một dự án cải cách được nghiên cứu đi, nghiên cứu lại từ bốn thập kỷ nay, nhưng không ai dám thực hiện, không thể nào thành công.

Thế nhưng, thực tế hoàn toàn khác : Không có lỗi tin học, không có tình trạng lộn xộn, không có hoảng loạn.
Việc áp dụng chế độ thu thuế tận gốc, tức là khấu trừ ngay vào lương, tiến hành từ tháng Giêng, đã không gây nên bất kỳ xáo trộn nào trong các cơ quan, cũng như trong các hộ gia đình.

Thay đổi căn bản về cách đánh thuế thu nhập cũng không gây hỗn loạn ở bộ Kinh Tế Tài Chánh Pháp, không gây nên không khí điên cuồng tại các doanh nghiệp, cũng không làm cho các hộ gia đình bàng hoàng, vì thấy thu nhập hàng tháng bị sút giảm hẳn.

Tuy nhiên, ban đầu, rất ít người đặt cược vào thành công của cải cách này.
Ngay tại Bộ Kinh Tế Pháp, các quan chức cấp cao cũng không hào hứng thực hiện bước đột phá lớn này.

 

Switch mode views: