Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-09-2018

Hồ sơ Triều Tiên: Bắc Kinh tìm cách lấy lại vai trò trung tâm

Kim Xi

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Ảnh minh họa do THX công bố ngày 08/05/2018
REUTERS

Thượng đỉnhMoon-Kim lần thứ ba nhằm tìm ra một lối thoát về phi hạt nhân hóa là đề tài được nhiều báo Pháp quan tâm.

Đáng chú ý là bài viết trên trang Quốc tế của báo Le Figaro : « Bắc Kinh tìm cách trở lại vị trí trung tâm trên bàn cờ bán đảo Triều Tiên ».

Báo Le Figaro giới thiệu nhiều bài về chủ đề Triều Tiên: « Hai nước Triều Tiên trên con đường hòa giải », « Tại Bình Nhưỡng, hai nước Triều Tiên muốn thoát khỏi ngõ cụt », « Trump và Kim đoàn kết để giữ thể diện » và « Một đường biên giới kinh tế mới ».

Trong khi đó, báo công giáo La Croix nhận định :
 « Kim và Moon muốn hòa bình trước khi phi hạt nhân hóa » và « Để thuyết phục miền Bắc, Seoul làm Bình Nhưỡng lóa mắt vì các dự án đầu tư ».

Còn báo Libération nói về « Vai trò hòa bình của Kim và Moon tại thượng đỉnh hai nước Triều Tiên ».
Đáng chú ý là bài viết trên trang Quốc Tế của báo Le Figaro : « Bắc Kinh tìm cách trở lại vị trí trung tâm trên bàn cờ bán đảo Triều Tiên ».

Vào cuối buổi diễu binh mới đây ở Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chế độ Bắc Triều Tiên, đứng trên trên khán đài, lãnh đạo Kim Jong Un nắm tay chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc Lưu Vân Sơn.
Sự hiện diện của nhân vật quan trọng thứ ba trong chế độ Cộng Sản Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không lơ là trong mối quan hệ với Bắc Triều Tiên.

Nhưng việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đích thân sang Bình Nhưỡng như trước đó người ta vẫn đồn đoán, mà cử một quan chức cấp cao đi thay cho thấy Bắc Kinh muốn cân bằng trong quan hệ với Washington và Bình Nhưỡng trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Tuy lo ngại về khả năng nước láng giềng Bắc Triều Tiên ngả sang quỹ đạo của Mỹ, nhưng Bắc Kinh cũng không muốn liều lĩnh chấp nhận rủi ro khi xích lại quá gần với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc không được lợi gì khi làm hỏng quan hệ với Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không ngừng gia tăng.

Theo báo chí Mỹ, tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng tăng thuế suất lên thêm 200 tỉ đô la hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Chủ nhân Nhà Trắng cũng quy trách nhiệm cho Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh đã khiến các bên không tìm được lối thoát cho hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Donald Trump cũng chỉ đích danh Trung Quốc đã cung cấp cho chế độ Kim Jong Un « tiền, nhiên liệu, phân bón và nhiều mặt hàng khác ».
Đáp lại, Trung Quốc gọi đó là « một cáo buộc vô trách nhiệm và phi lý » của Washington.

 Còn theo một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên đã chống đỡ được các lệnh trừng phạt quốc tế nhờ hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc.
Thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng 06/2018 khiến Bắc Kinh lo ngại bị gạt ra ngoài lề.

Nhưng Tập Cận Bình, vốn luôn bảo vệ các lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong khu vực, đã làm mọi việc để điều đó không xảy ra.
 Trước và sau khi diễn ra thượng đỉnh Trump-Kim, ông Tập đã ba lần tiếp đón Kim Jong Un.
Quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng đã nồng ấm trở lại sau một thời gian nguội lạnh.

Một bằng chứng cho thấy là tiếng nói của Trung Quốc vẫn có trọng lượng trong hồ sơ Bắc Triều Tiên: hồi tháng Sáu, Washington đã thông báo hủy các cuộc tập trận chung với Seoul.
Đây chính là giải pháp mà Bắc Kinh đã đề xuất trước đó : Mỹ - Hàn ngưng tập trận chung.
Đổi lại, Bắc Triều Tiên ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Thực ra, Bắc Kinh sẽ được hưởng lợi từ việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, vì điều này sẽ kéo theo việc Mỹ sẽ giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn tránh nguy cơ như hồi năm ngoái, Mỹ dọa tấn công Bắc Triều Tiên để đáp trả thái độ khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ làm dấy lên làn sóng di cư sang Trung Quốc.

Cũng chính vì những lý do đó, Bắc Kinh ủng hộ kế hoạch ký hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt chiến Liên Triều cho dù Washington vẫn phản đối.
Từng tham gia chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc muốn là một trong những nước ký hiệp ước này.

Hiện Bình Nhưỡng và Washington đang bế tắc trong đàm phán.
Đây là thời điểm để tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thể hiện vai trò hòa giải.

Theo nhiều nhà quan sát, dường như Trung Quốc đang lui lại phía sau để hai miền Nam - Bắc Triều Tiên tự tìm kiếm giải pháp.
Là đồng minh ngoại giao và thương mại chính của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh luôn kêu gọi quốc tế giảm nhẹ trừng phạt Bắc Triều Tiên.

 Ủng hộ Bình Nhưỡng, Bắc Kinh cho rằng Bắc Triều Tiên phải có tiến triển trong giải trừ hạt nhân, nhưng phía Mỹ cũng phải nhượng bộ.
Trung Quốc, nhất là vùng biên giới với Bắc Triều Tiên, cũng được hưởng lợi nếu kinh tế Bắc Triều Tiên phát triển.

Nhưng chừng nào mà các lệnh trừng phạt của quốc tế không được nới lỏng hay bãi bỏ, Trung Quốc không thể hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên trên quy mô lớn.
Bài báo kết luận « Trung Quốc có lẽ sẽ còn phải chờ lâu » …

Nam Mỹ rung chuyển vì khủng hoảng

Trên trang Kinh Tế, báo Le Figaro có bài viết « Nam Mỹ rung chuyển vì khủng hoảng ».
Các nền kinh tế lớn của châu Mỹ La Tinh đều lâm vào khó khăn.
Achentina phải thực hiện kế hoạch « thắt lưng, buộc bụng » và lệ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Brazil đang đứng trước một cuộc bầu cử tổng thống phức tạp và sau giai đoạn suy thoái lịch sử, hiện vẫn chưa thể vực dậy nền kinh tế vốn chiếm tới 50% GDP của châu Mỹ La Linh.
Trong khi đó, Venezuela đang bị nghèo đói nhấn chìm.

Báo kinh tế Les echos cũng chú ý đến tình trạng lạm phát ở Achentina.
 Lạm phát đang khiến đồng peso mất giá, đời sống sinh hoạt hàng ngày ngày càng đắt đỏ.
Giá điện nước, ga đều tăng vọt, trong khi lương thì không tăng kịp. Achentina đang rơi vào « vòng xoáy lạm phát không thể kiểm soát được ».

Dầu lửa và than đá: Hoạt động khai thác sẽ còn kéo dài

Vẫn trong lĩnh vực kinh tế, báo La Croix dự báo « Dầu lửa và than đá : Hoạt động khai thác sẽ còn kéo dài ».
Bấp chấp những lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu, bất chấp mục tiêu giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, quá trình chuyển đổi năng lượng trên thế giới sẽ phải mất rất nhiều thời gian.

Khai thác dầu lửa trên thế giới đã đạt kỷ lục mới hồi tháng 08/2018.
Chưa bao giờ thế giới lại khai thác dầu lửa nhiều đến vậy : 100 triệu thùng/ngày.

 Và nhu cầu dầu lửa trên thế giới vẫn không ngừng tăng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân tăng trưởng kinh tế thế giới, nhất là tại các nước có nền kinh tế mới nổi, sự thiếu hụt các loại nhiên liệu thay thế dầu lửa trong nhiều lĩnh vực như giao thông, công nghiệp hóa học.

Còn về than đá, chẳng hạn tại Đức, kế hoạch ngưng vĩnh viễn hoạt động khai thác than có thể sẽ phải hoãn lại.
 Đức hiện phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện: 40% tổng sản lượng điện trong cả nước được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện.

Biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi bản đồ lương thực thế giới

« Biến đổi khí hậu sẽ vẽ lại bản đồ lương thực thế giới » là nhận định trên trang Tài chính - Thị trường của báo kinh tế Les Echos.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ bị đe dọa tại nhiều vùng trên hành tinh.
Thiệt hại do biến đổi khí hậu mà các khu vực trên thế giới phải gánh chịu sẽ không đồng đều.

Theo báo cáo Tổ Chức Lương Nông Thế Giới (FAO) công bố hôm qua, sản xuất lương thực, chăn nuôi ở châu Phi, Đông Nam Á và một phần châu Mỹ La Tinh sẽ bị tàn phá nặng nề nhất, chủ yếu do nhiệt độ tăng, mực nước biển cũng dâng cao, nhiều dịch bệnh phát sinh …
Ngược lại, tại một số nơi, nhất là những vùng có khí hậu ôn đới, điều kiện tự nhiên sẽ được cải thiện. FAO kết luận : « Kẻ được, người mất » !

Và rất có thể, một bản đồ lương thực mới sẽ dần dần hình thành.
Khoảng cách về an ninh lương thực - thực phẩm giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển ngày càng gia tăng.

Tổ Chức FAO nhận định: Trong bối cảnh đó, thương mại quốc tế sẽ giữ vai trò chủ chốt để ổn định thị trường lương thực, phân phối thực phẩm từ các nơi dồi dào sang các vùng thiếu hụt lương thực, đảm bảo nuôi sống cả hành tinh.

Châu Âu bị ô nhiễm bởi 43 triệu xe hơi diesel

Trong lĩnh vực môi trường, báo Le Monde cho biết « Châu Âu đang bị ô nhiễm bởi 43 triệu xe hơi chạy bằng dầu diesel ».
3 năm sau khi vụ tai tiếng « Dieselgate » được phát giác, một báo cáo cho thấy khoảng cách chênh lệch giữa định mức xả thải trên lý thuyết và lượng khí thải xả ra trên thực tế ngày càng tăng.

Với 8.741.000 xe, Pháp là nước có nhiều xe hơi diesel gây ô nhiễm không khí nhất châu Âu, nhiều hơn Đức, Anh và Ý.
Khí độc hại do xe hơi động cơ diesel xả thải là thủ phạm khiến 400.000 người chết sớm mỗi năm tại Liên Hiệp Châu Âu.

 Điều đáng nói là con số trên mới chỉ liên quan tới những chiếc xe hơi đời mới được lưu hành từ năm 2009 trở lại đây.
 Nếu tính cả những chiếc xe diesel đời cũ hơn thì tổn thất còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Điều đáng nói khác là số « xe hơi diesel bẩn » đã tăng 14 triệu trong 3 năm qua, và ngay cả đối với những chiếc xe diesel đời mới nhất theo chuẩn Euro 6, lượng khí độc xả ra trên thực tế cũng cao hơn gấp nhiều lần so với quy định.
Có những loại xe còn xả thải khí gây ô nhiễm nhiều gấp 18 lần so với quy định.

Một thực tế đáng buồn được tổ chức phi chính phủ Transport & Environment ghi nhận là các quy định về lượng khí ga xe hơi thải ra càng được siết chặt thì lượng khí phát thải độc hại ra môi trường trên thực tế lại càng cao.

Chẳng hạn, trong khi xe hơi theo chuẩn Euro 3 (lưu thông từ năm 2000) chỉ phát nhiều khí thải độc hại gấp 2 lần quy định thì xe hơi theo chuẩn Euro 6 (lưu thông từ năm 2014) lại vượt ngưỡng phát thải 5-6 lần.

Một dân biểu châu Âu than phiền :
 « Châu Âu khước từ rút bài học kinh nghiệm từ vụ tai tiếng Dieselgate.
Các hãng xe hơi vẫn tiếp tục vận động hành lang mạnh mẽ ở Ủy Ban Châu Âu, để giảm nhẹ tiêu chuẩn phát thải khí độc hại, nhằm bán hết số xe còn tồn đọng ở châu Âu và làm hỏng lá phổi của chúng ta ».

Trang nhất các báo Pháp

Thời sự trong nước hôm nay được nhiều báo Pháp quan tâm, đặc biệt là về chính sách cải cách của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Liên quan tới dự án cải cách y tế, báo Libération chơi chữ qua hàng tựa :
« Phác đồ điều trị của bác sĩ Macron ».

Báo kinh tế Les Echos quan tâm tới cải cách thuế của vị tổng thống trẻ tuổi : « Thuế : Macron vạch lằn ranh đỏ ».
Còn báo La Croix đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi :
 « Tại sao kinh tế dậm chân tại chỗ ? »

Trong khi đó, báo Le Monde chạy tựa trang nhất : « Chính quyền Paris : Thị trưởng Anne Hidalgo trong cơn bão táp ».
Ông Bruno Julliard, trợ lý thứ nhất của thị trưởng Hidalgo, đồng thời là người được bà Hidalgo rất mực tin tưởng, đã từ chức vào ngày hôm qua 17/09/2018, vì những « bất đồng gay gắt » với thị trưởng Paris, cả về phương pháp làm việc và sự thiếu nhất quán của bà Hidalgo.

Le Monde nhận định việc ra đi của ông Bruno Julliard là một cú đánh mạnh vào thị trưởng Paris, người đang bị chỉ trích nặng nề sau những thất bại liên quan đến việc đổi mới Vélib’- hệ thống xe đạp cho thuê tự động, vụ phá sản của chương trình ô tô điện cho thuê tự động Autolib’, những tranh cãi quanh việc quy hoạch đường dành cho người đi bộ dọc bờ sông Seine.

Switch mode views: