Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

RIMPAC 2018: Trung Quốc nổi bật thành đối tượng cần triệt hạ

rimpac 2018

RIMPAC 2018, các tàu Châu Á: Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines...trên đường đến Hawaii.
@ Singapore Ministry of Defence.

Ngày 31/08/2018 vừa qua, trên Biển Đông, khu trục hạm chở trực thăng Kaga, chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản, đã tiến hành một cuộc tập trận chung với tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan.

Khi loan tin về sự kiện này, tờ báo Nhật Bản Japan Times ngày 01/09 cho rằng đây là dấu hiệu mới nhất về hoạt động ngày càng gia tăng của Hải Quân Nhật tại vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây dựng một loạt tiền đồn, gọi là để phòng thủ, nhưng đã bị cả Tokyo lẫn Washington chỉ trích, xem đấy là cơ sở để Trung Quốc hạn chế quyền tự do đi lại trong một vùng biển quốc tế.

Dù thông báo của Hải Quân Mỹ-Nhật về cuộc tập trận không hề nhắc đến mục tiêu đề phòng Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã tỏ thái độ bực tức.

Tờ Japan Times đã trích dẫn một tuyên bố của phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc, tố cáo Mỹ “cường điệu” vấn đề Biển Đông, trong lúc hãng tin Mỹ AP cũng đề cập đến sự kiện Bắc Kinh thường xuyên lên án các hoạt động của Quân Đội Nhật Bản, nhất là các cuộc tập trận chung với Mỹ, trên các vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ, trong đó có Biển Đông.

Trong một bài phân tích công bố trong số tháng 9, 2018, nguyệt san Nhật The Diplomat, đã nêu bật yếu tố có thể nói là “chống” Trung Quốc trong các cuôc tập trận Mỹ-Nhật, vừa được biểu thị một cách rất cụ thể trong cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC do Mỹ chủ trương.

Được tổ chức 2 năm một lần, đợt tập trận RIMPAC 2018 vừa diễn ra ngoài khơi Hawaii và California vào mùa hè này, với sự kiện được bàn tán rộng rãi là Trung Quốc lần này không được mời tham gia.

Thế nhưng trong bài phân tích dài mang tựa đề “Bóng dáng Trung Quốc tại RIMPAC - The Specter of China at RIMPAC”, nhà nghiên cứu Mỹ Steven Stashwick đã ghi nhận sự kiện khá mâu thuẫn:
 “Dù vắng mặt, nhưng bóng dáng Trung Quốc lại được thấy trong rất nhiều nội dung của cuộc thao diễn”.

RIMPAC 2018 và cuộc đua tranh Mỹ-Trung ở vùng Ấn Độ Thái Bình Dương

Bài phân tích trước hết nêu bật lý do sâu xa của việc Trung Quốc bị Mỹ gạt ra khỏi cuộc tập trận RIMPAC 2018.
Sau khi tham gia cuộc tập trận đa phương rông lớn này vào những năm 2014 và 2016, thì năm nay 2018; Trung Quốc đã không được Mỹ mời tham gia.
Lý do chính thức đưa ra là hành vi của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Vào tháng 5/2018, sau khi có tin về việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Lầu Năm Góc đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC.
Một phát ngôn viên giải thích là hành động của Trung Quốc không phù hợp với mục tiêu của cuộc thao diễn và Bắc Kinh đã gây ra căng thẳng…

Việc xây dụng và triển khai (lực lượng) ở Trường Sa đã vi phạm cam kết của ông Tập Cận Bình năm 2015 tại cuộc gặp thượng đỉnh Nhà Trắng là không quân sự hóa các đảo.
Tuy nhiên, theo tác giả bài phân tích trên tờ The Diplomat, những lần Trung Quốc hiện diện trước đây đều luôn luôn gây nên tình trạng căng thẳng xuất phát từ cảm nhận theo đó Trung Quốc là mối đe dọa, và đa số các phương tiện tiên tiến được phô bày ra nhân các cuộc tập trận RIMPAC đều nhắm mục tiêu khống chế mối đe dọa đó.

Cuộc tập trận RIMPAC năm nay cũng vậy, cho dù Trung Quốc không hiện diện chính thức, mà chỉ cho một chiếc tàu do thám áp sát vùng thao diễn để thu thập thông tin.
Đối với The Diplomat, kết quả là Bắc Kinh ít ra là đã nhận được một thông điệp không nhầm lẫn.
 Mỹ cùng với các đối tác đối tác và đồng minh tiếp tục cải tiến khả năng làm tiêu hao lực lượng Trung Quốc nếu xẩy ra một cuộc tranh chấp ở Tây Thái Bình Dương.

RIMPAC được cho là cuộc tập trận quốc tế lớn nhất thế giới, theo quân đội Mỹ thì năm nay, bắt đầu từ cuối tháng Sáu đến đầu tháng 8, với sự tham gia của 25 quốc gia, 46 tàu mặt nước, 5 tàu ngầm, 17 đơn vị trên bộ, hơn 200 máy bay, 25.000 người.

Israel, Sri Lanka và Việt Nam là những nước lần đầu tiên tham gia.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Steven Stashwick, sự vắng mặt của Trung Quốc, lại càng nêu bật ý nghĩa của sự hiện diện của Sri Lanka và Việt Nam như những nước mới tham gia, và cuộc tranh đua với Mỹ nhằm tìm thêm đối tác và ảnh hưởng ở vùng Ấn Độ Thái Bình Dương.

Sri Lanka chỉ có 25 lính thủy quân lục chiến tham gia cuộc tập trận, một con số quả là khiêm tốn, nhưng ý nghĩa ngoại giao lại khác:

Vào khoảng cuối năm ngoái 2017, Sri Lanka bị buộc phải nhượng cảng Hambantota cho Trung Quốc trong thời hạn 99 năm để đền bù cho các chủ nơ Trung Quốc, đã bỏ vốn cải thiện hạ tầng cơ sở của cảng nước sâu này.
Tuy Hambantota không được đặc biệt thiết kê như là một cảng quân sự, nhưng mối quan ngại là Hải Quân Trung Quốc có một cơ sở ngay trung tâm vùng Ấn Độ Dương.

Việt Nam thì đã nỗ lực cân bằng sự lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế, và đang cố hạn chế những sức ép kinh tế, quân sự của người láng giềng to lớn.
Trung Quốc ngày càng hung hăng trước đà hợp tác ngày mở rông của Hà Nội về phía Mỹ.

Việt Nam tham gia RIMPAC chỉ với 8 sĩ quan, một số lượng thật ít ỏi, nhưng tác giả bài viết nhận thấy điều đó tuy thế vẫn rất có ý nghĩa, cho thấy là Việt Nam đang thắt chặt quan hệ với Mỹ cho dù vẫn là một quốc gia vốn giữ quan điểm không liên kết và tránh bị vướng mắc trong những hiệp định chính thức.

Nội dung diễn tập nổi bật: Đánh chìm tàu địch (tức là Trung Quốc)

Theo chuyên gia Stashwick, có lẽ sự kiện mang ý nghĩa chiến lược cao nhất trong cuộc tập trận RIMPAC vừa qua là bài tập theo đó lần đầu tiên các đơn vị của Lục Quân Mỹ và Nhật Bản phối hợp với nhau để đánh chìm một con tàu đang ở ngoài khơi, sử dụng tên lửa chống hạm, và các dàn pháo di động bắn đi từ đất liền.

Khả năng mở rộng chu vi vùng biển được bảo vệ dọc theo bờ biển rất thích hợp với tình hình Biển Đông và vùng Tây Thái Bình Dương, nơi mà những đơn vị trên đất liền, được trang bị bằng hệ thống chống hạm di động, có thể trên mặt lý thuyết biến các quần đảo thành những bức tường lửa chống tàu chiến đối phương qua lại.
Khi đô đốc Harry Harris, cựu tư lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương của Mỹ thông báo bài tập trong phát biểu vào năm ngoái, ông nói là nội dung này được thiết kế theo “kịch bản bảo vệ quần đảo” mà Mỹ và Nhật Bản phải đối phó ở Tây Thái Bình Dương.

Dù không bị nêu đích danh là đối tượng, nhưng chỉ có Trung Quốc mới có thể khiến Mỹ và Nhật cùng hợp lực hành động, nhằm ngăn chặn tàu chiến và chiến đấu cơ Trung Quốc ở vùng phía sau chuỗi đảo Ryukyu trải dài từ đảo chính của Nhật đến Đài Loan.
Cộng với hỏa lực trên bờ, chiếc tàu còn bị tấn công bằng tên lửa hành trình chống hạm Harpoon, bắn đi từ tàu ngầm.

Đây cũng là vụ bắn đầu tiên từ 20 năm nay, cho thấy là Hải Quân Mỹ cũng đang tìm cách nâng cao khả năng diệt hạm, trang bị thêm cho tàu ngầm của mình hệ thống chống hạm tầm xa bên cạnh những ngư lôi hiện có.

RIMPAC: Trung Quốc là đối tượng chứ không phải là đối tác

Ngoài ra, cuộc tập trận RIMPAC còn có một số nội dung khác không ngoạn mục lắm, nhưng có giá trị then chốt trong việc hỗ trợ các chiến dịch trong các kịch bản tranh chấp lớn ở Thái Bình Dương.

Một ví dụ là việc Lục Quân và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ thử nghiệm việc chuyển hóa ngay ở chiến trường các loại xăng thương mại bình thường thành loại xăng cao cấp sử dụng cho máy bay.
Hai binh chủng này đã tiến hành việc thử nghiệm trên tinh thần là làm sao thực hiện được việc này tại các địa bàn xa xôi hẻo lánh như các đảo ở Biển Đông và vùng Tây Thái Bình Dương.

Khả năng chuyển hóa xăng như nói trên cho phép phi cơ của Lục Quân hay Thủy Quân Lục Chiến Mỹ sử dụng những nguồn nhiên liệu thay thế, không bị lệ thuộc vào hậu cần của quân đội Mỹ và hệ thống tiếp liệu có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào trong một cuộc tranh chấp.
Nhiều nội dung khác, phối hợp lực lượng của nhiều nước khác nhau cũng được tiến hành, trong đó có việc hợp đồng tác chiến giữa tàu ngầm phối hợp với các lực lượng biệt kích, tích hợp các chiến dịch tuần tra và giám sát không phận, đổ bộ lực lượng thủy quân lục chiến, và gỡ mìn.

Tác giả bài phân tích trên tờ The Diplomat đi đến kết luận : Trong môi trường địa chính trị hiện nay, với các tài liệu chiến lược cấp cao của Hoa Kỳ xem Trung Quốc và Nga là các đối thủ cạnh tranh chủ chốt, hầu hết các bài tập và phương tiện sử dung tại RIMPAC đều nhằm hỗ trợ các kịch bản theo đó Trung Quốc là đối tượng chứ không phải là đối tác.

Switch mode views: