Mỹ ép châu Âu tự lo quốc phòng nhưng không muốn bị cạnh tranh về vũ khí
- Thứ Sáu, 16 tháng Hai năm 2018 17:40
- Tác Giả: Thu Hằng
Quốc kỳ của 27 nước thành viên NATO.
REUTERS/Mandel Ngan
Khoảng 20 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ châu Âu cùng tham gia Hội nghị an ninh hàng năm Munich, Đức, vào cuối tuần này, 17-19/02/2018, trong bối cảnh nước Mỹ của Donald Trump chủ trương « co cụm », giảm bớt gánh vác về an ninh và kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng cường khả năng « tự lo » về quốc phòng.
Đây cũng là một trong những nội dung chính trong cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong hai ngày 14 và15/02, tại Bruxelles.
Từ lâu, Washington luôn yêu cầu các nước đồng minh châu Âu phải tăng ngân sách để cùng « chia sẻ gánh nặng » quốc phòng với Mỹ.
Sau khi tăng thêm 40% ngân sách cho việc triển khai quân nhân Mỹ tại châu Âu (European Deterrence Initiative) năm 2018, Hoa Kỳ mới thông báo tăng thêm 35% (khoảng 6,5 tỉ đô la) cho quốc phòng năm 2019.
Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, quyết định của Mỹ nhằm « thúc đẩy các đồng minh châu Âu nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an ninh cho chính họ ».
Năm 2014, NATO đã quyết định, trong vòng 10 năm, mỗi nước thành viên phải đạt được mức tối thiểu cho chi phí quân sự là 2% GDP và hơn một nửa số nước thành viên phải đạt được mức này vào năm 2024.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Jens Stoltenberg, « đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm ».
Trên thực tế, mới chỉ có 8 trên tổng số 29 nước thành viên NATO có thể đảm bảo được mức chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2018 và có thể đạt đến chỉ tiêu 15 nước cho đến năm 2024.
Trước sức ép của Hoa Kỳ, các nước châu Âu đã có phản ứng.
Tuy nhiên, cách thức tăng cường khả năng « tự lo » về quốc phòng của các đồng minh châu Âu lại làm Mỹ lo ngại : Liên Hiệp Châu Âu muốn phối hợp phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benaze cho biết thêm thông tin :
« Trong chuyên cơ đưa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến Bruxelles, ông James Mattis cho biết sẽ nhấn mạnh đến việc tăng ngân sách quốc phòng.
Ngoài ra, một trong các trợ lý của ông nói thêm là các dự án về mặt quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu cũng không nên gây hại cho NATO.
Những lời cảnh báo này trực tiếp nhắm đến thượng đỉnh « Quốc phòng châu Âu » gần đây nhất diễn ra vào tháng 12/2017, khi châu Âu nêu lên một số dự án và khả năng cùng tài trợ nếu được, đặc biệt cho ngành công nghiệp vũ khí của lục địa này.
Các nước đồng minh châu Âu cố trấn an và khẳng định không có bất kỳ rủi ro nào về trùng lặp vô ích hoặc khả năng cạnh tranh.
Nhưng theo đại sứ Mỹ tại NATO, thực ra Washington lo ngại về hình thức bảo hộ châu Âu. Và có thể đây là điểm yếu gây khó chịu vì ngoài mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng, còn có mục tiêu 1/5 tổng chi phí được giành cho đầu tư trang thiết bị.
Cho đến nay, các thành viên châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ.
Hoạt động bán vũ khí của Mỹ cho các lực lượng quân sự châu Âu có thể sẽ giảm đi nếu Liên Hiệp Châu Âu đạt được mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng ».
Theo AFP, mối lo ngại chính của Mỹ là châu Âu chuyển qua mua vũ khí khí tài của châu Âu.
Một nhà ngoại giao châu Âu đáp lại : « Phải có một quan hệ cân bằng, vì các nước châu Âu không thể cung cấp trang thiết bị quốc phòng trên lãnh thổ Mỹ ».
Dù còn phải giải quyết nhiều bất đồng, nhưng theo một nhà ngoại giao châu Âu, « cần phải duy trì sự thống nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, vì một số nước khác muốn can thiệp » dù không chỉ đích danh nước Nga.
Báo cáo thường niên về tương quan quân sự trên thế giới - The Military Balance 2018, của Viện Nghiên Cứu Chiến Luợc Quốc Tế - IISS, công bố ngày 14/02 vừa qua, nhận định rằng Nga tiếp tục sử dụng vũ lực đối với các nước láng giềng và ở nước ngoài và các nỗ lực vươn lên về quân sự của Nga, cũng như Trung Quốc, làm thay đổi thế cân bằng quân sự hiện hữu.
Tin mới
- Chùa Đại Chiêu, biểu tượng Phật giáo Tây Tạng bị hỏa hoạn - 19/02/2018 01:01
- Vatican bổ nhiệm lại Ủy ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên - 19/02/2018 00:34
- Palestine - Israel : Căng thẳng lại bùng lên trên dải Gaza - 19/02/2018 00:26
- Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc - 19/02/2018 00:00
- Vụ nổ súng trường học ở Florida, giám đốc FBI bị áp lực từ chức - 18/02/2018 01:59
- Có một Phạm Duy của xuân ca - 17/02/2018 17:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-02-2018 - 17/02/2018 17:40
- Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson đến Biển Đông ghé cảng Philippines - 17/02/2018 16:40
- Chút tâm tình đầu xuân trên đất nước chưa bình yên - 17/02/2018 00:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-02-2018 - 16/02/2018 18:54
Các tin khác
- Mỹ sẽ không đánh « hộc máu mũi » Bắc Triều Tiên - 16/02/2018 17:12
- Việt Nam đón giao thừa Mậu Tuất, hàng trăm ngàn người đổ ra đường - 15/02/2018 23:47
- Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cảnh báo về sức mạnh quân sự Trung Quốc - 15/02/2018 23:22
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-02-2018 - 15/02/2018 23:15
- Thế Vận Hội không là đũa thần đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên - 15/02/2018 22:03
- Trung Quốc vung tiền thâu tóm đất canh tác Pháp - 15/02/2018 16:05
- 47 người Việt ở Nhật bị cưỡng chế về nước bằng máy bay thuê riêng 26 triệu yên gây bức xúc - 15/02/2018 15:35
- Nổ súng trong trường trung học ở Florida: 17 chết, 14 bị thương - 15/02/2018 03:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-02-2018 - 15/02/2018 02:50
- Manila phản đối Bắc Kinh đặt tên cho thực thể ngầm ở vùng biển Benham Rise - 14/02/2018 17:35