Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hà Nội: Hàng chục người tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung 1979

vietnam-china


Người dân tham gia tưởng niệm 38 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung tại Hà Nội, ngày 17/02/2017.
REUTERS/Kham

Vào hôm nay, 17/02/2017, hàng chục người đã tập hợp trước tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm thủ đô Hà Nội để kỷ niệm 38 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu của Việt Nam chống lại Trung Quốc xâm lược.

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, những người tham gia đã đến đặt hoa và thắp nhang trước tượng vua Lý Thái Tổ, dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của lực lượng cảnh sát, đã dùng loa phóng thanh kêu gọi đám đông giải tán.

AP đã trích lời một người tham gia đến dự lễ tưởng niệm bày tỏ nỗi « xúc động » trước việc còn có người nhớ đến những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc vào năm 1979, những cũng bất bình trước việc chính quyền cố gắng hạn chế những cuộc tưởng niệm công cộng.

Theo hãng AP, chính phủ Việt Nam không có hoạt động chính thức nào đánh dấu sự kiện này, và cố gắng giới hạn các cuộc biểu tình phi chính thức.
 Thế nhưng các phương tiện truyền thông báo chí như đã được phép đề cập đến sự kiện này một cách rộng rãi.

Nhân dịp này, AP nêu bật : báo điện tử Vnexpress hôm nay đã nêu lên một thực tế là cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu và hủy diệt do Trung Quốc khởi động đánh vào Việt Nam, lại hiếm khi được đề cập trong một thời gian dài trước đây, và chỉ chiếm vỏn vẹn 11 dòng trong một quyển sách giáo khoa trung học.

Ngược dòng lịch sử thì ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ tung hàng trăm nghìn quân tràn qua biên giới phía Bắc, đánh vào 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, gọi là để « dậy cho Việt Nam một bài học ».

Theo một số nguồn tin, lực lượng Trung Quốc đánh vào Việt Nam lên đến 600.000 người, một con số còn cao hơn cả lực lượng Mỹ huy động vào cuộc chiến tranh Việt Nam trước đó, chỉ khoảng 550.000 người.

Còn lực lượng phòng thủ của Việt Nam lúc nổ ra chiến tranh chỉ khoảng 50.000 quân, chủ yếu là lính địa phương, công an võ trang và dân quân.

Gặp sức kháng cự dữ dội của Việt Nam, 30 ngày sau, Trung Quốc đã phải rút quân, để lại một khu vực biên giới phía bắc Việt Nam bị tàn phá nặng nề.

Quan hệ hai nước sau đó rơi vào tình trạng căng thẳng trong một chục năm, với những vụ đụng độ nhỏ dọc theo vùng biên giới, cho đến tận năm 1991 khi hai bên quyết định bình thường hóa quan hệ.

Bắc Kinh đòi Hà Nội xin lỗi về vụ đánh du khách Trung Quốc

Cũng về quan hệ Việt-Trung, Bắc Kinh vào hôm qua, 16/02/2017 đã yêu cầu phía Việt Nam xin lỗi một công dân Trung Quốc mà Bắc Kinh cho là đã bị công an cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh, miền bắc Việt Nam) đánh đập ngày 07/02 vì không chịu đưa tiền hối lộ.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết là lãnh đạo vụ Lãnh Sự thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đặc biệt có cuộc tiếp xúc với đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh để « một lần nữa bày tỏ quan điểm cứng rắn » của Trung Quốc.

Phát ngôn viên này còn nói thêm : « Trung Quốc yêu cầu Việt Nam xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân, xử lý nghiêm khắc những người có liên can và có những biện pháp hữu hiệu để bảo đảm sao cho việc này không tái diễn ».
Theo phía Bắc Kinh, vụ việc đã làm dấy lên « công phẫn nơi các cư dân mạng » Trung Quốc.

Theo Reuters, ngày 15/02 vừa qua, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã cho biết qua thư điện tử là chính quyền Hà Nội đang làm sáng tỏ vụ việc và sẽ giải quyết vấn đề tùy theo bản chất vụ việc.

Switch mode views: