Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Úc và Indonesia muốn phối hợp tuần tra tại Biển Đông

ndonesia-australia


Tổng thống Indonesia Joko Widodo (T) đón tiếp ngoại trưởng Úc Julie Bishop (G) và ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, tại dinh tổng thống, Jakarrta, ngày 26/10/2016.
Reuters

Theo báo Úc hôm nay, 31/10/2016, Canberra và Jakarta đang xem xét khả năng phối hợp tuần tra để bảo đảm an ninh và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông.

Báo The Sydney Morning Herald dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết trong cuộc họp với đồng nhiệm Úc tại Bali hồi tuần trước, Indonesia bày tỏ hy vọng là « hoạt động tuần tra chung » với Úc tại Biển Đông sẽ « mang lại hòa bình » và đẩy lùi các hoạt động đánh bắt cá lậu.

Trả lời kênh truyền thông Fairfax Medio, bộ trưởng Quốc Phòng Úc tuyên bố hai bên nhất trí xem xét các khả năng tăng cường hợp tác trên hai vùng « Biển Đông và biển Sulu », mục tiêu của Úc là « thực thi quyền tự do hàng hải thể theo luật pháp quốc tế và góp phần bảo vệ an ninh khu vực ».

Ngoài vấn đề tự do hàng hải, một lo ngại lớn của Jakarta là việc Bắc Kinh hậu thuẫn cho tàu cá hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
 Trong mùa hè vừa qua, Indonesia đã phải dùng Hải Quân để khống chế tàu cá Trung Quốc.

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết bác bỏ phần lớn các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, trong vụ kiện Manila kiện Bắc Kinh.
Sau phán quyết, Úc tuyên bố sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, trong lúc Bắc Kinh cực lực phản đối quyết định của Tòa Trọng Tài Thường Trực.

Theo một số chuyên gia về quan hệ quốc tế, các cuộc tuần tra phối hợp giữa Úc và Indonesia tại Biển Đông cản trở tham vọng của Trung Quốc.
Bắc Kinh đang phát triển các cơ sở quân sự trên nhiều đảo, đá ở Biển Đông nhằm kiểm soát tuyến đường hàng hải huyết mạch này.

Theo chuyên gia về quốc phòng Connie Rahakundini Bakrie, thuộc Đại học University of Indonesia, việc tuần tra chung có thể là một hành động khiêu khích đối với Trung Quốc, bởi điều đó có nghĩa là Jakarta đã đứng về một bên trong cuộc tranh chấp tại khu vực này.

Tuy nhiên, theo chuyên gia luật quốc tế Melda Kamil Ariadno, cũng thuộc Đại học University of Indonesia, Biển Đông là « tuyến đường hàng hải quốc tế », không quốc gia nào có thể đơn phương đòi hỏi chủ quyền và điều mà « Trung Quốc nên làm ngay lập tức là thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử (ở Biển Đông) COC, càng sớm càng tốt ».

Trong chuyến công du Indonesia cuối tuần trước, ngoại trưởng Úc thông báo « sẽ vận động tất cả các nước trong vùng ủng hộ và tăng cường trật tự trên cơ sở tôn trọng luật pháp, đã được Hoa Kỳ hậu thuẫn từ 70 năm nay » và hối thúc khối ASEAN cùng Trung Quốc nhanh chóng hoàn tất Bộ quy tắc COC.

Switch mode views: