Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thế Vận Hội Rio bế mạc, Mỹ đứng đầu với 121 huy chương

The-Van-Hoi-1

Một vũ công tại lễ bế mạc Thế Vận Hội Rio tổ chức ở vận động trường Maracana. (Hình: Ezra Shaw/Getty Images)

RIO DE JANEIRO, Brazil (NV) – Thế Vận Hội Rio tại Brazil vừa bế mạc hôm Chủ Nhật, 21 Tháng Tám, trong đó đứng đầu là Hoa Kỳ với 121 huy chương (46 vàng, 37 bạc, 38 đồng), về nhì là Anh với 67 huy chương (27 vàng, 23 bạc, 17 đồng), hạng ba là Trung Quốc với 70 huy chương (26 vàng, 18 vàng, 26 đồng), hạng tư là Nga với 56 huy chương (19 vàng, 18 bạc, 19 đồng), và hạng năm là Đức với 42 huy chương (17 vàng, 10 bạc, 15 đồng).

Việt Nam đứng hạng thứ 48 với hai huy chương (1 vàng, 1 bạc), đều trong môn bắn súng, và chỉ do một vận động viên đoạt được, đó là Hoàng Xuân Vinh.

Thế Vận Hội Rio bắt đầu từ ngày 5 Tháng Tám, với 11,544 lực sĩ của 207 quốc gia tham dự trong 306 cuộc thi tài của 28 bộ môn, trong tất cả 16 ngày, với nhiều thành tích ngoạn mục, đầy kịch tính, và có một số sự kiện bị mang tiếng, đôi khi lấn án cả các cuộc thi tài vì tạo sự chú ý của truyền thông thế giới.

Tại lễ bế mạc, theo hãng thông tấn AP, hàng ngàn cổ động viên can đảm tham dự dưới thời tiết gió mạnh và mưa nhẹ tại vận động trường khổng lồ Maracana, đồng thời đánh dấu một sự chuyển giao quyền tổ chức cho thành phố Tokyo của Nhật vào năm 2020.

Bà Yuriko Koike, thị trưởng Tokyo, nhận lá cờ Thế Vận Hội từ tay ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế (IOC), và ông Eduardo Paes, thị trưởng Rio de Janeiro, đánh dấu sự chấm dứt của Thế Vận Hội lần đầu tiên được tổ chức ở Nam Mỹ.

Yuriko Koike


Bà Yuriko Koike, thị trưởng Tokyo, Nhật, nơi sẽ đăng cai Thế Vận Hội 2020 vẫy lá cờ Thế Vận Hội tại lễ bế mạc. (Hình: Cameron Spencer/Getty Images)

Có nhiều dự đoán là Thế Vận Hội lần tới sẽ thành công hơn vì được tổ chức tại một thành phố từng tổ chức sự kiện này năm 1964, lại là đô thị lớn của thế giới, trong một quốc gia giàu có, công nghiệp hóa, và người dân nổi tiếng là kỷ luật.
Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại là Thế Vận Hội Tokyo có thể làm nền kinh tế Nhật chựng lại, vì quốc gia này cũng gặp khó khăn kinh tế trong một thập niên qua.

Dù sao đi nữa, lễ bế mạc hôm Chủ Nhật có ý nghĩa rất lớn đối với Brazil, cho dù không lớn bằng lễ khai mạc, và chủ yếu nói về thành phố lớn nhất quốc gia Nam Mỹ này.

Lễ bế mạc được khởi đầu với đoạn phim nói về ông Alberto Santos Dumont, một người mà dân Brazil in thừa nhận đã sáng chế ra máy bay.
Người Brazil cũng tin rằng ông là người đầu tiên đeo đồng hồ trên tay, một sáng chế của một người bạn của ông để ông có thể coi giờ khi đang bay.

Thông điệp của chương trình bế mạc là “Người Brazil có thể làm tất cả với tay không,” một sự thừa nhận đối với một nền kinh tế năng động, trong một quốc gia có số dân đông hàng thứ năm trên thế giới.

Hàng chục vũ công mặc trang phục có những cọng lông đủ màu, đứng hình vòng cung Lapa, một địa điểm nổi tiếng của Rio giống như đền cổ La Mã, rồi sau đó đứng thành hình ảnh của Sugarloaf, trước khi nhanh chóng thay đổi trở lại, với hình biểu tượng chính thức của Thế Vận Hội Rio 2016.
Martino de Vila, vũ công Samba đầy truyền thuyết của Brazil, hát bài “Carinhoso” (Affectionate).

Sau đó, các phái đoàn lực sĩ của từng quốc gia bước ra, dưới những giọt mưa nhẹ, vẫy cờ quốc gia, trong khi một số khác uốn éo thân hình theo điệu Samba truyền thống của quốc gia chủ nhà, làm tất cả những người ở vận động trường có cảm giác đang tham dự một ngày hội Samba.

Các lực sĩ Anh mang giày có giây cột ba màu đỏ, trắng, xanh, lóng lánh, trong khi lực sĩ taekwondo Pita Taufatofua của Tongo mặc một cái váy làm bằng cỏ khô nhảy trên cỏ, trong tiếng nhạc của các DJ, lập lại giây phút đặc biệt làm cả thế giới chú ý khi anh mang lá cờ quốc gia tại lễ khai mạc.

Thế Vận Hội Rio có những sự kiện khó quên, cho cả các lực sĩ quốc gia chủ nhà và lực sĩ khắp thế giới.

Đội tuyển bóng đá Brazil đoạt huy chương vàng bằng loạt đá phạt đền với các cầu thủ Đức, sau khi hai đội huề 1-1, phần nào trả được món nợ bị thua Đức 7-1 cũng tại Brazil, trong giải World Cup hồi năm 2014.

Trong số các lực sĩ Hoa Kỳ, “kình ngư” Michael Phelps đoạt được 5 huy chương vàng, nâng tổng số huy chương của anh lên tới 23.
Kế đến là tay bơi nữ Katie Ledecky và nữ lực sĩ thể dục dụng cụ Simone Biles mỗi người được 4 huy chương vàng.
Tay bơi nam Ryan Murphy được 3 huy chương vàng.

Ngoài ra, còn có sáu lực sĩ khác của Mỹ mỗi người được 2 huy chương vàng. Đó là tay bơi nữ Simon Manuel, tay bơi nữ Madeline Dirado, nữ lực sĩ điền kinh Allyson Felix, tay bơi Nathan Adrian, tay bơi nữ Lilly King, và tay bơi Caeleb Dressel.

Vận động viên điền kinh Usain Bolt của Jamaica đoạt ba huy chương vàng và lập thành tích “triple-triple,” tức là có ba huy chương vàng tại ba Thế Vận Hội liên tục.

Đội tuyển bóng rổ nữ Hoa Kỳ đoạt huy chương vàng lần thứ sáu liên tiếp, trong khi đội tuyển bóng đá nữ Đức lần đầu tiên đoạt huy chương vàng.

Ngoài những sự kiện trên, có hai sự kiện không vui tại Thế Vận Hội Rio. Thứ nhất, căn bệnh do vi khuẩn Zika gây ra làm nhiều người lo ngại, giảm số du khách đến Brazil, cũng như một số lực sĩ từ chối đến thi đấu.

Thứ nhì, lực sĩ bơi lội của Mỹ, Ryan Lochte, bị cảnh sát Brazil tố cáo ngụy tạo câu chuyện bị cướp làm dư luận chú ý, và làm hai tay bơi của Mỹ bị lôi ra khỏi máy bay ở phi trường Rio.
Ryan Lochte sau đó có xin lỗi và Ủy Ban Thế Vận Hoa Kỳ cũng đưa ra lời xin lỗi người dân Brazil.

Nhiều người, từ chính phủ Brazil cho tới IOC sẽ dành thời gian để phân tích tất cả những gì xảy ra tại Rio, nhưng nói chung, Thế Vận Hội lần này là thành công. (Đ.D.)

Switch mode views: