Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-07-2016

Trung Quốc kịch liệt phản đối lá chắn chống tên lửa Mỹ-Hàn

thaad 01

Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Yoo Jeh Seung (P) và tướng Thomas Vandal, tư lệnh lục quân Mỹ tại Hàn Quốc trong buổi họp báo về triển khai THAAD ngày 08/07/2016.
You Seung-kwan/News1 via REUTERS

Nhật báo Le Monde có bài phân tích phản ứng của chính quyền Trung Quốc sau khi Mỹ và Hàn quốc tuyên bố triển khai lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc vào ngày 08/07/16.

Vị trí triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tại Hàn Quốc chưa được xác định cụ thể. Theo Seoul, chi phí lắp đặt có thể lên tới 2,6 tỉ đô la Mỹ.

 Theo thứ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Yoo Jeh-seung, muộn nhất là đến cuối năm 2017 hệ thống này sẽ được đưa vào sử dụng.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao Mỹ xác định rõ là hệ thống lá chắn tên lửa chỉ nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên.
Nhưng khẳng định này không thuyết phục được chính quyền Trung Quốc.
 Ngày 08/07/16, Bắc Kinh đã tuyên bố là « rất không hài lòng » và « kịch liệt phản đối » hệ thống này.

Bắc Kinh lo ngại rằng trong trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, với các radar có khả năng rà quét ở tầm xa đến 2.000 km, lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ sẽ có thể phát hiện tên lửa của Trung Quốc và truyền tín hiệu tới hệ thống các máy bay đánh chặn của Mỹ, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở khắp nơi trên thế giới.
Điều này sẽ làm suy yếu khả năng của tên lửa hạt nhân Trung Quốc.

Matxcơva cũng bày tỏ « quan ngại sâu sắc» trước việc Mỹ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tại Hàn Quốc.

 Cuối tháng 06/2016, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định lá chắn chống tên lửa THAAD đe dọa « ổn định, an ninh và cân bằng chiến lược trong khu vực và trên thế giới ».

Hàn Quốc đã cố gắng hoàn thiện hệ thống đánh chặn tên lửa KAMD của riêng nước này nhưng việc Hàn Quốc lựa chọn triển khai lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ đã thể hiện sự thất vọng của nước này đối với Trung Quốc.

Trên thực tế, từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, cùng thời điểm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã nhiều lần gặp gỡ ông Tập Cận Bình để củng cố hợp tác kinh tế giữa hai nước đồng thời vẫn duy trì cân bằng trong liên minh quân sự với Mỹ.

Seoul đánh giá là Trung Quốc đã không gây đủ sức ép với Bình Nhưỡng và buộc phải tiến hành một bước ngoặt quan trọng vì an toàn của đất nước là trên hết.

Sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân vào tháng 01/2016, bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã liên lạc với người đồng nhiệm Trung Quốc nhưng không nhận được bất cứ câu trả lời nào.

Và tổng thống Hàn Quốc đã phản ứng là « những đối tác tốt nhất là những người cầm tay chúng ta trong những thời điểm khó khăn ».

Báo chí Hàn Quốc thì gọi đó là « sự tan vỡ » trong mối quan hệ với Bắc Kinh, thậm chí là « một cánh cửa đóng sập lại » trước mặt bà Park. Việc Hàn Quốc chấp nhận triển khai lá chắn chống tên lửa THAAD là sự thất bại của chính sách ngoại giao kinh tế của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Lập luận về an ninh đã đẩy Seoul về phía Mỹ, nước duy nhất có thể bảo đảm sự an ninh cho Hàn Quốc.
Để đáp trả, Trung Quốc có thể sẽ lắp đặt tên lửa hành trình Kalibr của Nga trên các tàu ngầm của nước này.

Mối đe dọa từ lá chắn chống tên lửa THAAD sẽ là lý do để Trung Quốc có thể kiềm chế Bắc Triều Tiên.
Một chuyên gia về chính sách ngoại giao của Trung Quốc tại Viện Stimson, Washington nhận định Trung Quốc sẽ phải có một quyết định khó khăn giữa mong muốn giữ Bắc Triều Tiên làm đòn bẩy và vùng đệm với mong muốn Hàn Quốc đứng trung lập, thậm chí là ủng hộ Trung Quốc trong các quan hệ ở khu vực Đông Bắc Á.

Ngoài nỗi lo thực sự của Hàn Quốc về an ninh trước các đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên, việc triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD cũng là cách để Mỹ trừng phạt Trung Quốc, đồng minh lâu đời của Bắc Triều Tiên, vì đã không đạt được kết quả trong đối thoại với Bình Nhưỡng.

 Và Washington cũng lo lắng khi chứng kiến từ 3 năm nay, dưới thời Tập Cận Bình, đối thủ chiến lược Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng.

Tuy nhiên, các nhà quan sát Trung Quốc thì lại muốn tách rời các vấn đề này và thường xuyên nhắc rằng nếu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tìm đủ mọi cách để phát triển vũ khí hạt nhân thì đó là để đáp trả lại các sức ép từ Mỹ và Hàn Quốc, một trò chơi mà Trung Quốc không hề đóng vai trò là người khởi xướng.

Chôn sâu chất thải phóng xạ: Giải pháp gây tranh cãi

Liên quan tới nước Pháp, nhật báo Les Echos có bài viết về giải pháp xử lý chất thải phóng xạ bằng cách chôn sâu dưới lòng đất.

Tại Pháp, nhiều chất thải phóng xạ được tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân.
Nhưng nhiều người không nghĩ đến hay không hề biết rằng các hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày như bật công tắc điện, sạc pin điện thoại di động hay đi kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm y tế đều góp phần tạo ra chất thải phóng xạ.

Chất thải phóng xạ rất nguy hiểm và thời gian tồn tại có thể lên tới hàng trăm ngàn năm.

Nhằm bảo vệ con người và môi trường lâu dài, từ 25 năm nay, nước Pháp đã nghiên cứu dự án « Cigéo » liên quan đến việc chôn chất thải phóng xạ rất sâu dưới lòng đất.
Lớp đất sét dự tính được chọn để chôn rác thải phóng xạ nằm sâu 500m dưới lòng đất và được hình thành từ 160 triệu năm trước. Lớp đất sét này rất ổn định, không thấm nước và có khả năng tiếp xúc với chất phóng xạ mà không bị ảnh hưởng.

Cách đây 10 năm, Quốc hội Pháp đã coi đây là giải pháp an toàn nhất để lưu trữ rác thải phóng xạ.
Nước Pháp không phải nước duy nhất ở châu Âu hay trên thế giới lựa chọn giải pháp này. Một dự án tầm quốc gia vừa được chính phủ Thụy Điển thông qua còn Phần Lan đã sẵn sàng để chôn kiện chất thải phóng xạ đầu tiên vào năm 2020.

Nước Đức, quốc gia đi tiên phong trong việc ngừng sản xuất điện hạt nhân cũng hướng đến giải pháp chôn chất thải phóng xạ dưới lòng đất dù chưa tiến xa được như các nước lân cận.

Nhiều nhà hoạt động, vốn phản đối hạt nhân, tìm đủ mọi cách để dự án này không được đưa vào thực hiện vì hy vọng các nhà khoa học tương lai có thể sẽ tìm ra một giải pháp khác thuyết phục hơn.

Nhưng Les Echos cho rằng không thể cứ chờ đợi, và đặt câu hỏi nếu các nhà khoa học tương lai không tìm ra giải pháp nào khác thì sao.
Không làm gì, điều đó có nghĩa là đẩy trách nhiệm cho thế hệ tương lai phải xử lý lượng chất thải mà thế hệ ông cha chúng ta và chính chúng ta đã góp phần tạo ra.
Thế hệ nào tạo ra chất thải phóng xạ thì chính thế hệ đó phải có trách nhiệm giải quyết và đưa ra quyết định.

Sau hai luật năm 1991 và 2006, dự án Cigéo lại được trình lên Quốc hội vào ngày hôm nay 11/07 để Quốc hội thảo luận các khả năng cho phép các thế hệ tương lai được quyền quyết định điều chỉnh dự án cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

Quốc Hội Pháp có thể chứng tỏ họ có khả năng đưa ra các quyết định dài hạn, các quyết định rất khó khăn để cho các thế hệ tương lai thấy rằng thế hệ hôm nay đã biết kịp thời chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm.

Cuba : Một thế hệ khởi nghiệp sau khi Mỹ bỏ cấm vận

Chuyển sang châu Mỹ, nhật báo Le Monde cho biết sau khi Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba, những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang đứng trước nhiều cơ hội mới.

Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế, chưa đến 5% số hộ gia đình ở Cuba kết nối mạng Internet và chỉ khoảng 25% dân số Cuba thường xuyên truy cập Internet và phần lớn là từ nơi làm việc.

Ở một đất nước mà tỉ lệ kết nối mạng của các hộ gia đình thuộc loại thấp nhất thế giới như Cuba thì sở hữu một doanh nghiệp về công nghệ thông tin sẽ được coi như một người hùng.
Việc kinh doanh các thiết bị công nghệ mới, máy tính và điện thoại di động chỉ được phép từ năm 2008.

Các quán cà phê internet chỉ mới xuất hiện từ năm 2013. Từ tháng 6/2015, công ty nhà nước độc quyền về viễn thông đã lắp đặt 50 trạm tiếp phát wifi chủ yếu là trong các công viên ở La Havana.
Tuy nhiên, tốc độ đường truyền thì thấp mà phí kết nối lại rất cao, khoảng 2 đô la Mỹ/giờ trong khi thu nhập bình quân của người dân là 20 đô la/ tháng. 80%

Người dân Cuba phải « mua lậu » các bộ phim hoặc tạp chí tải xuống từ Internet với giá 1-2 đô la theo kiểu một người có đường truyền Internet tốc độ cao tải các bộ phim hoặc tạp chí xuống, lưu vào đĩa CD hoặc ổ USB rồi mang đến cài vào máy tính của các hộ gia đình có nhu cầu mua.

Nền kinh tế Cuba sẽ không thể phát triển nếu thiếu internet. Sớm hay muộn thì Cuba cũng sẽ phải phát triển cơ sở hạ tầng và Chính phủ cũng đã hứa đến năm 2020, 50% số hộ gia đình sẽ được kết nối Internet.

 Đã đến lúc đầu tư vào các dự án mới. Giờ là thời điểm của các công ty khởi nghiệp.
Các nhà phát triển phần mềm Cuba rất giỏi : trên thực tế, do khả năng kết nối mạng hạn chế nên họ buộc phải tự xoay xở để giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Nước Mỹ rất quan tâm tới những người làm công nghệ thông tin ở Cuba. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang mời gọi các công ty khởi nghiệp Cuba.
Nhiều người đã được mời sang Mỹ thực tập hoặc thăm Thung lũng Silicon để gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng.

Chính phủ của tổng thống Obama cũng không che giấu là internet là mối ưu tiên trong chính sách mới của Mỹ với Cuba.

Trong chuyến thăm Cuba tháng 03/2016, tổng thống Obama đã thông báo sẽ mời một số giám đốc các công ty khởi nghiệp tham gia một dự án của Bộ ngoại giao Mỹ với mục tiêu khích lệ các nhà lãnh đạo trẻ ở châu Mỹ.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Do in sớm hoặc ra từ chiều từ Bẩy, nhiều nhật báo Pháp ngày hôm nay như Le Monde, Les Echos, La Croix không kịp đưa tin về Euro 2016.

Còn tờ Le Figaro chạy trên trang nhất tựa « Giấc mơ đã tan vỡ » nói về thất bại của đôi tuyển Pháp trước đội tuyển Bồ Đào Nha kèm theo ảnh của cầu thủ Griezmann với ánh mắt buồn bã, đầy thất vọng.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhận định dẫu sao giải Euro 2016 cũng là một thành công của nước Pháp.

Người Pháp nên lau nước mắt vì họ có nhiều lý do để tự hào, chẳng hạn như nụ cười và các bàn thắng của Griezmann, sự lịch lãm và tinh thần thoải mái của Lloris, tài năng của Sissoko cũng như tinh thần tập thể và tranh đấu của toàn đội.

Không thể không nhắc tới huấn luyện viên Didier Deschamps, người đã biết cách khai thác sức mạnh đội tuyển Pháp, kiến trúc sư cho bản hùng ca của đội áo lam.
Ông đã vẽ nên một chương mới đầy hy vọng cho bóng đá Pháp trong tương lai. Và khủng bố, điều khiến nhiều người lo sợ trước khi giải đấu bắt đầu đã không xảy ra.

 Đó là thành công lớn của cả nước Pháp. Ngày hội bóng đá đã kết thúc, cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Le Figaro nhận xét nếu nước Pháp có được tinh thần cuồng nhiệt, ngay cả khi thất bại, như đội tuyển bóng đá của họ, nước Pháp có thể sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất «Cuộc thảm sát các cảnh sát ở Dallas lại khơi dậy vấn đề chủng tộc ở Mỹ ».
Trong khi đó nhật báo tôn giáo La Croix vẫn quan tâm tới Brexit và đưa lên trang nhất tựa « Brexit : phải tiến hành nhanh nhất trong khả năng có thể được ».

 Còn trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa « Sự lạc quan có cơ sở của những gã khổng lồ trong ngành hàng không».

Switch mode views: