Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Úc-Việt Nam phản đối việc đơn phương thay đổi nguyên trạng Biển Đông

hughes-reef

Công trình bồi đắp bãi ngầm Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) của Trung Quốc đang hoàn thiện. Nguồn : China Topix

Đúng như dự kiến, hồ sơ Biển Đông đã được hai lãnh đạo Úc và Việt Nam thảo luận nhân chuyến công du nước Úc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, kết thúc vào hôm nay, 18/03/2015.

Phát biểu sau cuộc họp thượng đỉnh tại Canberra, Thủ tướng Úc Tony Abbott và đồng nhiệm Việt Nam đã công khai kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông tự kiềm chế, đồng thời tránh những hành vi làm thay đổi nguyên trạng, gây bất ổn định trong vùng.

Theo nguồn tin từ Thông tấn xã Việt Nam, nhân cuộc hội đàm tại thủ đô Úc, Thủ tướng Việt Nam và đồng nhiệm Úc đều đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhu cầu bảo đảm « hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế ».

Hai nước cũng kêu gọi tất cả các bên tự kiềm chế để không làm cho tình hình khu vực căng thẳng thêm lên, nhất là tránh « việc cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng ».

Hãng tin Mỹ AP đã trích tuyên bố của Thủ tướng Úc theo đó ông Abbott xác nhận rằng ông và đồng nhiệm Việt Nam « đều ủng hộ quyền tự do lưu thông trên không và trên biển ở vùng Biển Đông… đều rất lấy làm tiếc về mọi hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng… đều cho rằng tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình, trong tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế ».

Dù Trung Quốc không bị nêu đích danh, nhưng vấn đề « thay đổi nguyên trạng » được hai Thủ tướng Úc và Việt Nam nêu bật, rõ ràng nhắm vào các hành động cải tạo, bồi đắp và xây dựng mà Bắc Kinh đang cấp tốc tiến hành trên bảy bãi ngầm hay rạn san hô mà Trung Quốc chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa.

Dù không bị vạch mặt chỉ tên, nhưng Bắc Kinh đã lập tức bác bỏ tuyên bố của Úc. Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tuyên bố : « Chúng tôi hy vọng rằng các nước bên ngoài khu vực duy trì quan điểm trung lập, đặc biệt là trên vấn đề chủ quyền. »

Trở lại với quan hệ song phương Việt-Úc, nhân chuyến công du của Thủ tướng Việt Nam, hai bên đã ký kết Tuyên bố về việc Tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện Úc-Việt Nam, một văn kiện được cho là tạo nền tảng tiến tới việc thiết lập quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Bên cạnh đó, có 4 văn kiện hợp tác cũng được ký kết : Thỏa thuận về Chương trình Lao động Kỳ nghỉ ; Thỏa thuận về phòng chống nạn buôn người ; Bản Ghi nhớ về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ; và Bản Ghi nhớ về hợp tác giúp đỡ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Sau chuyến công du nước Úc, Thủ tướng Việt Nam lên đường thăm New Zealand trong hai ngày.


Switch mode views: