Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm báo Pháp Quốc Ngày 11-03-2015

Bắc Kinh không muốn bỏ rơi Bình Nhưỡng

KOREA-N- china


Kim Jong Un trong một cuộc họp mở rộng Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA phân phối ngày 18/02/2015.Reuters/路透社

Le Figaro có bài viết đáng chú ý mang tiêu đề: “ Bắc Kinh xích gần Kim Jong Un”.

Tại sao lại xích gần khi mà ai cũng biết từ lâu nay Bắc Triều Tiên vẫn là đồng minh được được Trung Quốc bao che, nâng đỡ ?

Le Figaro ghi nhận, lãnh tụ Bắc Triều Tiên hiện nay - Kim Jong Un, không những sao chép từng chi tiết nhỏ trong di sản của người ông nội Kim Nhật Thành để lại, từ kiểu tóc, gọng kính hay bộ trang phục, mà cái bóng của người ông nội này còn phủ lên cả cách hành động của người cháu trong lĩnh vực ngoại giao.

Giờ đây nhà độc tài trẻ tuổi họ Kim này cũng biết chơi trò lựa chọn giữa hai người anh Trung Quốc và Nga , giống như Kim Nhật Thành đã từng làm với Mao và Stalin trong cuộc chiến tranh Triều Tiên trước kia.

Tác động của trò chơi ngoại giao này đã có hiệu ứng. Hôm Chủ nhật vừa qua ( 8/3), Trung Quốc đã chính thức lên tiếng mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh tụ trẻ Kim Jong Un trong tương lai vào “một thời điểm thích hợp”.

Le Figaro nhận thấy : “Đây là dấu hiệu đầu tiên hâm nóng quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống vốn đã bị lạnh nhạt kể từ sau vụ chế độ Bắc Triều Tiên hành quyết nhân vật Jang Song Thaek, chú dượng của Kim Jong Un và cũng là người thân tín của Bắc Kinh tại Bình Nhưỡng”.

“Quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc dựa trên nền tảng sâu sắc không thể bị tổn hại vì những việc vụn vặt đột xuất”, tuyên bố trên của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật vừa qua đã xóa đi đồn đoán về việc Bắc Kinh đang muốn bỏ rơi Bình Nhưỡng.

Le Figaro phân tích: sự chuyển hướng dè dặt này có thể là kết quả của chiến lược thoát Trung của Kim để đi tìm người bảo hộ mới là Vladimir Putin.

Tờ báo nhắc lại từ cuối năm ngoái, các động thái ve vãn Nga của Bắc Triều Tiên ngày một rõ nét, nhất là từ khi có thông báo lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ có chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Matxcơva, dự kỷ niệm 70 năm kết thúc Đại chiến Thế giới thứ hai.

Hướng sang Nga rõ ràng Bình Nhưỡng muốn thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế ngày càng lớn vào Bắc Kinh. Tuy nhiên, Le Figaro dẫn lời chuyên gia Andrei Lankov, Giáo sư Đại học Kookmin nhận định: “ Hướng Nga là một ảo vọng, vì Matxcơva không có ý định đầu tư vào Bắc Triều Tiên vì họ còn đang còn không ít vấn đề phải xử lý ở trong nhà”.

Nhất là những động thái gần đây từ Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng dứt bỏ ngay tình anh em “cộng sản” đã được tôi luyện từ thời chiến tranh Triều Tiên.

Một lý do khác giải thích cho thái độ hờ hững với chế độ Kim Jong Un của chính quyền Tập Cận Bình, theo phân tích của giáo sư Lee Chung Ming, thuộc đại học Yonsei Hàn Quốc thì “Mối liên minh đó là lãnh địa riêng của Giải phóng quân nhân dân.

Ông Tập Cận Bình sẽ không đụng vào chừng nào chưa có toàn bộ quyền lực trong quân đội”. Cuộc chiến ngầm trong lãnh địa này vẫn đang diễn ra và có nhiều dấu hiệu Tập Cận Bình đang thắng thế.

Ấn Độ phá vòng cương tỏa của Trung Quốc

Vẫn liên quan đến Trung Quốc nhưng trong mối quan hệ của Ấn Độ với các đồng minh nhỏ bé trong Ấn Độ Dương.

Nhân chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới ba quốc đảo trong Ấn Độ Dương Seychelles, Maurice và Srilanka, báo les Echos có bài nhận định : “Modi muốn chặn ảnh hưởng Trung Quốc trong Ấn Độ Dương”.

Tựa bài viết đã nói rõ mục đích của chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ. Theo phân tích của Les Echos thì lý do là bởi trong vòng 10 năm trở lại đấy, Bắc Kinh đã vươn lên trở thành đối tác kinh tế lớn thứ hai, sau Ấn Độ ở trong vùng.

Không phải ngẫu nhiên mà chuyến đi của Thủ tướng Ấn diễn ra chỉ vài tháng sau vòng công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới các quốc gia trong Ấn Độ Dương để quảng bá cho phát kiến về một “con đường tơ lụa trên biển”. Cả hai ông đều muốn đánh dấu “lãnh thổ ảnh hưởng” của mình.

Tờ báo nhắc lại hai người khổng lồ châu Á này trong suốt năm chục năm qua vẫn có những tranh chấp lãnh thổ mà vẫn không thể giải quyết được dứt điểm. Giờ đây Ấn Độ và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh nhiều hơn là kẻ thù.

Cả hai đều dè chừng theo dõi lẫn nhau và cả hai đều cùng lao vào một logic là hiện đại hóa quân đội.
Theo les Echos, Ấn Độ đã bất ngờ khi biết năm ngoái tàu ngầm Trung Quốc được vào neo đậu trong cảng Colombo, hải cảng của Srilanka do Trung Quốc cấp tiền nâng cấp mở rộng.

Cần phải biết Srilanka là đối tác truyền thống, có nhiều tương đồng về lịch sử văn hóa và cả chính trị với Ấn Độ.

Trong khi mà Bắc Kinh cam kết biến Colombo thành một bàn đạp hàng hải quan trọng cho con đường hướng tới phương Tây và châu Phi, thì New Delhi tìm cách sốc lại những mối quan hệ đã bị chùng xuống trong hơn thập niên qua.

Tác giả bài viết nhận định, để làm được điều đó : Ông Nerendra Modi hy vọng dựa vào Tổng thống Maithripala Sirisena mới nhậm chức được 2 tháng thay thế vị tổng thống cũ được cho là có xu hướng quá thân Trung Quốc.

Tai nạn hạt nhân Fukushima, 4 năm sau

Một sự kiện khác liên quan đến châu Á mà các báo không thể bỏ qua. Đó là hôm nay ngày 11/3, đánh dấu 4 năm ngày xảy ra vụ sóng thần khủng khiếp dẫn đến tai nạn hạt nhân Fukushima.

Nhiều tờ báo đã trở lại với vùng Fukushima để tìm hiểu xem 4 năm sau, hậu quả của vụ tai nạn hạt nhân kinh hoàng này đã được khắc phục tới đâu.

Nhật báo Le Monde ghi nhận : “Tại Fukushima việc tẩy độc kéo dài bất tận”. Theo Le Monde thì bốn năm sau tai họa hạt nhân này, Tepco, công ty quản lý và khai thác các lò phản ứng hạt nhân của Fukushima vẫn loay hoay vất vả trong việc ngăn chặn không để nước nhiễm phóng xạ thoát ra Thái Bình Dương.

Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc ế ( AIEA) hồi giữa tháng Hai vừa qua thì “Nhật Bản đã có tiến bộ đáng kể. Tình hình tại chỗ đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất phức tạp” và AIEA đánh giá trong lâu dài vẫn còn những thách thức lớn trong vấn đề tẩy nhiễm cũng như chống rò rỉ phóng xạ tại Fukushima.

Fukushima: Người dân vật lộn để khôi phục cuộc sống mới

Vẫn trên Le Monde, tờ báo có bài phóng sự dài về những người nông dân trong vùng Fukushima mang tựa đề “ Những người bị đày ải vì đất đai”.

Bài phóng sự dài cho thấy, bốn năm sau tai nạn hạt nhân Fukushima, việc tẩy nhiễm vẫn diễn ra rất chậm chạp. Tác giả đã trở lại thành phố Iitate, vẫn giống như một thành phố ma.

Người dân của thành phố này đang dần trở lại nơi ở cũ nhưng họ đang phải vật lộn với cuộc sống mới với những thách thức đất đai bị nhiễm xạ. Tại đây chỉ còn 18% đất đai canh tác không bị nhiễm xạ. Bị bỏ hoang các khu dân cư giờ là lãnh địa của chuột, rắn và lợn rừng.

Trong khi đó, Les Echos ghi nhận 4 năm sau, các sản phẩm của Fukushima vẫn bị khách hàng quay lưng lại. Cho dù các nghiên cứu bảo đảm độ an toàn thực phẩm của các sản phẩm có nguồn gốc từ Fukushima, nhưng nhìn chung người tiêu dùng Nhật vẫn cảnh giác dè chừng với nông sản của vùng đất nông nghiệp rộng lớn này. Hiện tượng tẩy chay thầm lặng này đã càng gây khó khăn thêm cho việc phục hồi kinh tế của vùng Fukushima.

Tràn ngập xúc động về tai nạn trực thăng tại Achentina

Hầu hết tất cả các báo Pháp ra sáng nay đều trở lại với vụ tai nạn máy bay trực thăng thảm khốc xảy ra tại phía bắc Achentina đêm hôm thứ Hai vừa qua.

Vụ tai nạn đã bất ngờ cướp đi sinh mạng của 10 con người đang tham gia một chương trình truyền hình thực tế của đài TF1 có tên gọi Dropped.

Mười cái tên xuất hiện trên các báo Pháp trong đó có ba gương mặt được dành sự xúc động đặc biệt đó là ba nhà vô địch nổi tiếng nhất trong làng thể thao Pháp đó là Florence Arthaud, nữ vô địch đầu tiên cuộc đua thuyền buồm vượt biển la Route du Rhum năm 1990; Camille Muffat nữ vận động viên bơi lội huy chương vàng, bạc, đồng tại Thế vận hội Olympic mùa hè Luân Đôn 2012 và Alexis Vastine, võ sĩ hạng trung bình, nhà vô địch gần như tuyệt đối của quyền Anh Pháp và huy chương đồng Olympic Bắc Kinh 2008.

Các báo dành nhiều trang bài để ca ngợi thành tích, sự nghiệp và tính cách của ba vận động viên đỉnh cao đã ghi dấu ấn trong làng thể thao Pháp.

Nhật báo Le Monde chạy tựa lớn trang nhất “Vụ tai nạn chết người tại Achentina, giới thể thao trong tang thương” .

Báo Libération dành cả trang nhất đăng chân dung ba nhà vô địch và dưới ba cái tên tờ báo viết: “Ba nhân vật mỗi người theo cách riêng của mình đã viết lên trang sử cho môn thể thao của họ cho đến tận khi xảy ra vụ tai nạn trực thăng làm 10 người chết”.

Tờ báo cũng dành những bình luận xúc động: “ Nếu cái chết của Florence Arthaud, cũng như của Camille Muffat và Alexis Vastine gây xúc động mạnh với chúng ta đến như vậy đó là không chỉ bởi họ là những nhà thể thao hoàn hảo đã làm rung động mọi người mà đó còn là bởi họ đã sống một cuộc đời như mọi người đều muốn”.

Bên cạnh những bài viết về chân dung con người và sự nghiệp thể thao sáng chói của ba nhà vô địch các báo còn dành để nói về hệ quả của vụ tai nạn đối với nhà sản xuất các chương trình truyền hình thực tế hàng đầu của Pháp, công ty ALP. Le Figaro ghi nhận vụ tai nạn lần này buộc người ta phải xem lại các chương trình truyền hình thực tế phiêu lưu.

Tai nạn tại Achentina không phải là vụ đầu tiên đối với nhà sản xuất chương trình truyền hình của TF1. Năm 2013, kênh truyền hình Pháp này đã phải tạm ngừng chương trình truyền hình thực tế cũng về thử thách khả năng sinh tồn của con người mang tên Koh-Lanta sau khi một người chơi bị đột tử và sau đó là bác sĩ của đoàn tự tử.

Tai nạn thương tâm lần này là một tổn thất lớn cho nhà sản xuất ALP và đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà quản lý truyền hình về vấn đề bảo đảm an toàn cho các chương trình trò chơi phưu lưu thực tế trên truyền hình.

Nhật báo Libération thì đi thẳng vào những thiệt hại cụ thể sau vụ tai nạn này. Trước tiên là về mặt tài chính. Trên thị trường chứng khoán Paris hết phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu của TF1 đã bị mất ngay 1,55%.

Bản thân nhà sản xuất chương trình sẽ còn phải tính toán thêm rất nhiều thiệt hại kinh tế xung quanh vụ tai nạn này. Một hệ lụy nữa là hình ảnh của đài. Với TF1, thiệt hại này không thể đo được bằng con số.


Switch mode views: