Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-05-2014
- Thứ Sáu, 16 tháng Năm năm 2014 04:08
- Tác Giả: Thanh Hà
Bạo động chống Trung Quốc khuấy động Việt Nam
Kiều dân Trung Quốc chờ máy bay hồi hương tại phi trường Tân Sơn Nhất - REUTERS /Stringer
Hai bài báo trên tờ Les Echos hướng về những điểm nóng tại Việt Nam : nơi khoảng 10 nhà cơ sở sản xuất của người Hoa bị đập phá.
Nhưng thái độ bài Trung Quốc đó ở Việt Nam phản ánh lo ngại không chỉ riêng gì của quốc gia Đông Nam Á này trước một nước láng giềng to lớn. Đó cũng là tâm trạng của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Trong bài viết mang tựa đề « Bạo động bài Trung Quốc khuấy động Việt Nam », nhật báo kinh tế Les Echos nhận định « Từ hàng chục năm qua, Việt Nam chưa phải đương đầu với một làn sóng bài Trung Quốc lớn như vậy.
Người biểu tình đã đốt phá hơn một chục nhà máy, không phân biệt đó là vốn đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc. Bắc Kinh đã lập tức phản đối những hành vi bạo động của người biểu tình nhắm vào những quyền lợi của Trung Quốc. Đồng thời tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh cho các kiều dân Trung Quốc.
Les Echos không vòng vo : Làn sóng bạo động đó là phản ứng của người dân Việt Nam sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đáng chú ý hơn cả là nhận xét : « Tại một quốc gia như Việt Nam, nơi không một phương tiện truyền thông nào được độc lập và tất cả các cuộc biểu tình đều bị kiểm soát chặt chẽ, việc các làn sóng bài Trung Quốc vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền là một điều hy hữu (…).
Ngay từ chiều hôm qua chính quyền Việt Nam đã kêu gọi làm dịu căng thẳng, cố gắng làm chủ lại tình hình. Nhưng cốt lõi vấn đề nằm ở nơi khác ».
Theo lời một chuyên gia được Les Echos trích dẫn, ngoài tính chất thuần túy dân tộc chủ nghĩa, « Người dân Việt Nam ngày nay không còn muốn trông thấy vốn đầu tư của các tập đoàn Trung Quốc đổ quá nhiều vào Việt Nam.
Trong khi đó vấn đề không hề đặt ra với đầu tư của Đài Loan, Singapore hay những hợp đồng làm ăn chung Trung -Việt ». Nhiều tập đoàn xây dựng Trung Quốc tại Việt Nam không tìm được các đối tác và phải đưa nhân viên từ Trung Quốc sang. Điều này trở thành một vấn đề đối với thị trường lao động của Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là liệu tình hình sẽ chuyển biến như thế nào. Les Echos trích lời ông Jean Pierre Cabestan, giảng dạy tại đại học Hồng Kông : « Phía Trung Quốc cho biết muốn giải quyết vấn đề bằng con đường đối thoại, nhưng đối thoại đó được đặt trên cơ sở nào ?
Liệu rằng đôi bên sẽ có cùng khai thác dầu khí ở vùng biển có tranh chấp chủ quyền hày không ? Đó là một khả năng ».
Một giải pháp khác là sử dụng cơ chế đối thoại đã được đề ra từ năm 2011. Thế nhưng kênh đối thoại đó « không thể có hiệu quả trước những chuyện đã rồi ».
Không chỉ có Việt Nam bài Trung Quốc
Thế nhưng phẫn nộ của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc hiện nay phản ánh làn sóng bài Trung Quốc được cảm nhận thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là nội dung một bài viết thứ nhì của Les Echos.
Thành công kinh tế vượt bực, rồi một chính sách ngoại giao hung hăng và thái độ không khoan nhượng của giới lãnh đạo Bắc Kinh khiến nhiều nơi, chứ không chỉ riêng Việt Nam ghét Trung Quốc.
Nhà báo Michel de Gandi của Les Echos cho rằng do quản lý kinh tế tốt, GDP của quốc gia này đã tăng lên gần gấp đôi trong thời gian từ 2009 đến 2013. Trung Quốc ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như làm mưa làm gió trên thị trường đất hiếm và áp đặt luật chơi của mình đối với hầu hết các thị trường nguyên, nhiên liệu, chỉ trừ có đối với thị trường khí đốt mà thôi.
Vẫn theo nhà báo Michel de Gandi, Trung Quốc đang từ là « cơ xưởng của thế giới » đã trở thành một nhà đầu tư « hạng nặng », lần lượt mua vào những công ty tên tuổi như IBM của Mỹ vào năm 2005.
Từ đó tới nay các tập đoàn Trung Quốc không ngừng tung vốn ra bên ngoài, đầu tư ở khắp năm châu. Ngành công nghiệp của Trung Quốc bắt đầu di dời cơ sở sản xuất sang các quốc gia có nhân công rẻ mạt, như Cam Bốt, Bangladesh, Lào … Những quốc gia đó gần như trở thành những tỉnh thành thuộc về Trung Quốc.
Tại châu Phi, ngày càng có nhiều các tập đoàn Trung Quốc với những lớp công nhân đến định cư tại châu lục này. Sự chung sống đó liên tục tạo nên một sự hiềm khích giữa người dân địa phương với con cháu của Mao Trạch Đông.
Về phương diện ngoại giao quân sự, Bắc Kinh cũng đã chọn thời điểm này để lấn lượt. Rõ rệt nhất là thái độ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tác giả bài báo kết luận : lý do chính khiến nhiều nước ghét Trung Quốc là thái độ ngạo mạn trong tất cả các lĩnh vực và không khoan nhượng của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh.
« Samsung thế hệ 3 »
Vẫn liên quan đến khu vực châu Á, phần trang kinh tế của Libération chú ý tới một giai đoạn then chốt trong lịch sử của tập đoàn Samsung : chủ nhân tập đoàn Lee Kun Hee, người giàu nhất Hàn Quốc, 72 tuổi, vừa phải trải qua một cơn đau tim và phải giải phẫu cấp cứu. Nhưng điều đó không làm cổ đông của Samsung nao núng. Bởi vì tất cả chờ đợi Samsung được chuyển giao cho một thế hệ lãnh đạo mới, thuộc về đời thứ ba.
Lee Jae Yong, 46 tuổi hiện nay đang là phó chủ tịch của chi nhánh Samsung Electronics.
Từ nhiều năm qua cho dù chiến lược của tập đoàn vẫn do « vua cha » định đoạt thế nhưng « hoàng thái tử » Lee Jae Yong lại là « đại diện quốc tế » của Samsung. Chính ông hoàng thái từ này thay mặt gia đình, tiếp lãnh đạo số 1 của tập đoàn Mỹ Google ở Seoul.
Tờ báo nhắc lại khi Lee Jae Yong được chỉ định vào chức vụ phó chủ tịch Samsung Electronics, nhiều người đã nghi ngờ tài lãnh đạo của « cậu ấm » này thế nhưng với năm tháng, người con trai duy nhất trong gia đình họ Lee đã chứng tỏ bản lĩnh.
Dù vậy theo phân tích của Libération, thách thức lớn nhất đặt ra đối với Samsung là liệu thế hệ ba có vượt lên trên được hay không những tranh chấp giữa Lee Jae Yong với người chị đang kiểm soát toàn bộ hệ thống khách sạn của tập đoàn Samsung.
Cả hai cùng muốn thay cha độc quyền ngự trị trên vương quốc Samsung. Trong chiến dịch chinh phục quyền lực đó thì anh chị em gia đình họ Lee luôn dùng những đòn chí tử để hạ nhau. Người dân Hàn Quốc vừa thán phục, vừa ngao ngán khi nhìn vào gia đình họ Lee.
Ukraina : Chia rẽ trong hàng ngũ các nhóm vũ trang Donbass
Trở lại với Ukraina, hồ sơ không còn chiếm trang nhất các tờ báo Pháp trong ngày, Le Figaro nói tới sự chia rẽ trong hàng ngũ các nhóm vũ trang tại vùng Donbass, miền Đông Ukraina.
Theo thông tín viên của tờ báo, sự hiện diện của các nhóm vũ trang trên đường phố Donetsk, Kramatorsk hay Slaviansk ngày càng rõ rệt nhưng không ai biết họ là ai, và toan tính những gì. Chỉ biết rằng những thành phần nay được trang bị súng ống dầy đủ..
Báo chí tại chỗ loan tin nhiều nhà tù ở miền Đông Ukraina đã bị tấn công, phe nổi dậy thân Nga ráo riết tìm vũ khí, súng và đạn dược.
Một số tù nhân nhập cuộc bên cạnh phe đòi ly khai. Vấn đề đặt ra là những phe nhóm thân Nga hành động với những mục đích rất khác nhau.
Một số chuyên gia cho rằng các nhóm vũ trang ở Donbass đang bị chia rẽ không phải vì những lý tưởng mà là vì những quyền lợi rất thiết thực. Thoạt đầu thì phe trung thành với cựu tổng thống Ianoukovitch cầu cứu Nga và đã được Matxcơva hỗ trợ tài chính.
Mục tiêu điện Kremly hướng tới là khuấy động vùng Donbass để có cớ can thiệp vào Ukraina. Nhưng giờ đây ông Ianoukovitch không còn được dân chúng ủng hộ.
Liên bang Nga khi thấy là con bài Ianoukovitch trở nên vô dụng thì đã quay sang ủng hộ các nhóm dân quân. Hàng ngàn người đã được Nga cấp vũ khí. Nga muốn nhân vật Oleg Tsarev lên cầm đầu phe nổi dậy để lo về mảng chính trị.
Vế quân sự sẽ được trao về tay tướng Igor Strelkov, một nhân vật bị nghi từng là nhân viên tình báo của Nga.
Thế nhưng tính toán đó của Matxcơva đã gặp trở ngại khi ông trùm của ngành công nghiệp ở vùng Donbass là Rinat Akhmetov, nhân vật giàu nhất Ukraina, tuyên bố đã thành lập một nhóm dân quân riêng để cùng chia sẻ trách nhiệm về an ninh với lực lượng cảnh sát.
Nhóm vũ trang dưới sự điều khiển của nhà tài phiệt Ukraina chắc hẳn sẽ không có quan hệ tốt đẹp với các nhóm ly khai được Nga trang bị vũ khí.
Hy sinh tính mạng vì thông tin
Các tờ báo Paris trong ngày đều đã trở lại với sự kiện một nữ phóng viên ảnh của Pháp bị sát hại tại Trung Phi. Le Monde xoáy vào những « mờ ám » chung quanh cái chết của Camille Lepage, 26 tuổi.
Le Figaro không phác họa lại chân dung hay vai trò của một nhà báo trẻ và xông xáo mà chủ yếu tập trung nói về tình hình rối ren của Trung Phi.
Libération trình bày về « Trung Phi, một quốc gia như rắn không đầu » nhưng đồng thời đã có những lời lẽ tố đẹp dành cho một đồng nghiệp trẻ vừa gục ngã vì quyền tự do thông tin : Camille Lepage, một nhà báo can đảm nhưng thận trọng, cô đi đến những vùng hiểm trở mà không ai tìm đến để đưa tìn về những gì đang diễn ra ở Trung Phi và cô nhà báo trẻ này đã phải trá giá bằng chính sinh mạng.
Liên hoan phim quốc tế Cannes : chiến tranh không xa
Trong lĩnh vực văn hóa, sự kiện được tất cả các báo chú ý trong ngày là liên hoan điện ảnh Cannes.
Libération dành nhiều trang cho festival Cannes 2014 qua một bài phỏng vấn dài với chủ tịch ban giám khảo liên hoan năm nay Jane Campion. Một trang để nhận xét về bộ phim được chiếu trong buổi lễ khai mạc đêm hôm qua : « Grace de Monaco » của đạo diễn Olivier Dahan do ngôi sao màn bạc người Úc, Nicole Kidman thủ vai chính.
Libération chê nhiều hơn khen bộ phim nói về cuộc đời của công nương xứ Monaco và tiếc là tác giả của « La Môme » đã bỏ quên góc nhìn nghệ thuật của ông ở một nơi nào đó. « Grace de Monaco » chỉ đơn gian là một bộ phim quảng cáo cho một thiên đường thuế khóa là xứ Monaco !
Phụ trang đặc biệt của Le Monde dành cho liên hoan Cannes, không nói về thảm đó hào nhoáng hay sự hiện diện của những vì sao lung linh trên bầu trời nghệ thuật thứ bảy. Tờ báo nói tới « sự đổ bộ của các bộ phim nói về chiến tranh » : « Cannes, chiến tranh không xa ».
Ukraina, Mali hay Tchetchenia, những điểm nóng của thế giới đều hiện diện trong chương trình liên hoan Cannes năm nay qua những tác phẩm như là « Timbuktu », của đạo diễn gốc Mauritanie Abderrahmane Sissako nói về xung đột Mali, « The Search » của người Michel Hazanavicius đưa khán giả với vùng đất Tchetchenia. Cả hai cùng tranh Cành Cọ Vàng.
Ở hạng mục Nhãn quan độc đáo, Un Certain Regard, « Run » đưa người xem đến với Trong khi Bờ Biển Ngà chìm trong khói lửa. Thế rồi ở những hạng mục khác thời sự Ukraina, Syria hay chiến tranh Irak, Bosnia trong quá khứ đều có chỗ đứng trong mùa festival năm nay.
Tin mới
- Gián điệp mạng: Mỹ khởi tố nhiều quân nhân Trung Quốc - 19/05/2014 20:29
- Trung Quốc sơ tán thêm 4.000 người, gia tăng sức ép lên Việt Nam - 19/05/2014 18:57
- Việt Nam : Chính quyền cấm biểu tình phản đối Trung Quốc - 18/05/2014 22:22
- Giàn khoan HD-981 : Mỹ có thể giúp đỡ Việt Nam như thế nào ? - 17/05/2014 22:43
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-05-2014 - 17/05/2014 22:17
- Biểu tình đòi sửa đổi Hiến pháp - 17/05/2014 21:50
- Giàn khoan HD 981 : Trung Quốc cử gần 130 tàu đến bảo vệ - 17/05/2014 20:58
- Hoa Kỳ đe dọa làm ‘kiệt quệ’ kinh tế Nga - 17/05/2014 02:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-05-2014 - 16/05/2014 22:54
- Đưa giàn khoan xuống Hoàng Sa, Trung Quốc tìm cách điểm vào yếu huyệt của Việt Nam - 16/05/2014 22:44
Các tin khác
- Tổng thống Obama đề cử tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - 15/05/2014 23:54
- Sức mạnh Cầu Nguyện cuả cuộc biểu dương Công Giáo tại Harvard trước sự kiện Lễ Đen - 15/05/2014 04:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-05-2014 - 14/05/2014 22:53
- Biểu tình chống Trung Quốc : Phong trào lan rộng - 14/05/2014 22:42
- Bắc Kinh, Đài Bắc phản đối vụ công nhân Bình Dương biểu tình bạo động - 14/05/2014 22:36
- Bạo loạn từ Bình Dương lan tràn khắp nơi - 14/05/2014 09:54
- Hàng vạn công nhân Bình Dương đình công, xuống đường chống Trung Quốc - 13/05/2014 21:03
- Manila truy tố ngư dân TQ ‘đánh bắt trộm’ - 13/05/2014 11:44
- Ông Kerry: TQ đặt giàn khoan ở Biển Đông là hành động 'gây hấn' - 13/05/2014 11:38
- Asean ‘không phê phán Trung Quốc’ - 12/05/2014 11:56