Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Xây dựng mái nhà chung với Tây Âu, giấc mộng không thành của Nga

Mikhail Gorbachev

Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev người đầu tiên tha thiết đến gần với Tây Âu.
Vasily MAXIMOV / AFP

Tại Vladivostok, Vladimir Putin tiếp đón trọng thể Tập Cận Bình trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế.
 Cách đó không xa chiến dịch thao diễn quân sự quy mô nhất từ khi Liên Xô sụp đổ, Vostok 2018. Những động thái này cho thấy Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

RFI Việt ngữ xin giới thiệu bài viết của Hélène Richard đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 09/2018 mang tựa đề "Khi nước Nga mơ về châu Âu".
2014 việc Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina là một cột mốc quan trọng trong căng thẳng giữa Matxcơva với phương Tây, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng.

Hiềm khích bắt nguồn từ cuối thập niên 1990. Thái độ vồn vã của tổng thống Putin với thượng khách Tập Cận Bình nẩy sinh từ giấc mộng không thành để Nga tham gia vào "mái nhà chung châu Âu".
Tháng 6/2018 khi vừa nhậm chức tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ tư, tổng thống Vladimir Putin đánh giá về Trung Quốc như sau :
"Tập Cận Bình là một người bạn tốt và đáng tin cậy".

Hơn bốn năm trước đó, cuối tháng 3/2014, cũng ông Putin không khoan nhượng khi nói về đối tác phương Tây :
 "Họ đã nhiều lần lừa dối chúng ta, đâm sau lưng chúng ta và đặt chúng ta trước những chuyện đã rồi. Cứ nhìn vào việc NATO mở rộng biên giới sang phía đông, triển khai trang thiết bị quân sự sát biên giới Nga thì rõ".

1985, Gorbatchev mơ về một "mái nhà chung"

Hélène Richard trở lại với thời điểm 1985, trong chuyến công du đầu tiên ra ngoài khối các nước cộng sản, với tư cách tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô, Mikhail Gorbatchev tại Paris đã kêu gọi các lãnh đạo Tây Âu cùng "xây dựng một mái nhà chung châu Âu".

Nguyên thủ Liên Xô lập lại một ý tưởng của tướng Charles de Gaulle, thành lập một khối châu Âu từ "bờ Đại Tây Dương đến rặng núi Oural".
Tây Âu và Mỹ đánh giá tích cực sáng kiến của ông Gorbatchev.

Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Genève, tháng 11/1985 tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và lãnh tụ Liên Xô đồng ý về một điểm : chiến tranh nguyên tử không có lợi cho bất cứ phe nào và thế giới cần tránh để xảy ra kịch bản tai hại đó.

"Tháng 10/1986 tại Reykjavik (thủ đô Iceland) Gorbatchev đưa ra một đề nghị táo bạo : hủy 50 % đầu đạn hạt nhân trong thời hạn 5 năm và giải trừ hẳn số lượng này trong 5 năm kế tiếp.
Ronald Reagan đồng ý nhưng vẫn cương quyết tiếp tục theo đuổi chương trình mang tên Sáng Kiến Phòng Thủ Chiến Lược.
 Đây là một lá chắn trong lĩnh vực không gian mà Liên Xô coi là một lá bài để Mỹ giữ thế thượng phong về mặt quân sự, để rồi về lâu về dài Hoa Kỳ lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang (...).

Để giải tỏa mối nghi ngờ của Reagan, ông Gorbatchev đơn phương đưa ra thêm những bước nhượng bộ khác. (...)
Trong thỏa thuận ký kết ngày 08/12/1987 phía Liên Xô hủy 1.846 tên lửa, số này cao gấp đôi so với phía Hoa Kỳ".

Nguyện vọng hướng về phương Tây của các nước Đông Âu

1988 cỗ xe kinh tế của Liên Xô bị đe dọa sụp đổ, ông Gorbatchev tiến hành cải tổ.
Tại các nước trong khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nguyện vọng dân chủ ngày càng lớn.

Theo lời nhà ngoại giao thời ấy, Vladimir Loukhin, Matxcơva ý thức được rằng đã đến lúc hai khối Đông-Tây không còn có thể tiếp tục đối đầu với nhau, mà phải cùng nhau xây dựng một tương lai chung, dựa trên một số giá trị nền tảng chung. Đó là tự do, nhân quyền, dân chủ và chủ quyền quốc gia.
Liên Xô nhượng bộ. Còn phương Tây thì đưa ra nhiều hứa hẹn. Bài toán thêm nan giải cho cả đôi bên khi bức tường Berlin sụp đổ.

Ở Matxcơva, Michail Gorbatchev "chủ trương một nước Đức trung lập ( hoặc tham gia cả hai liên minh quân sự - Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và khối Vacxava), nằm trong cơ cấu an ninh liên châu Âu trên cơ sở Hội Nghị An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (CSCE), được thành lập năm 1975, trong hiệp định Helsinki".

Tác giả bài viết trên tờ Le Monde Diplomatique, Helène Richard nhắc lại :
"Hội Nghị An Ninh và Hợp Tác Châu Âu là kết quả hai khối Đông -Tây đạt được tại Helsinki năm 1975 theo đó, phương Tây đồng ý về tính bất di bất dịch của các đường biên giới, công nhận sự chia cắt nước Đức và những quyền lợi của Liên Xô ở Trung và Đông Âu.

 Đổi lại Matxcơva và các nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa cam kết tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, kể cả tự do tư tưởng, tôn giáo.
Ở vào đầu thập niên 1990, CSCE là định chế duy nhất mà cả Mỹ, Canada, tất cả các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu và Liên Xô là các thành viên thường trực.
Trong mắt Matxcơva tổ chức này là viên gạch đầu tiên cho phép hai khối Đông và Tây Âu xích lại gần nhau".

Một khối châu Âu "trung lập và phi quân sự hóa"

1990, tham vọng xây dựng một mái nhà chung châu Âu của Michail Gorbatchev đã được Đông và Tây Âu ủng hộ.
Tuy nhiên ngay cả các nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa trước đây cũng đòi rằng đó phải là "một ngôi nhà hòa bình".

Hélène Richard viết : "Các nhà lãnh đạo mới ở các nước Đông Âu - số này thường là những nhà ly khai trước thời bức tường Berlin sụp đổ, đều có nguyện vọng "hòa hợp" nhưng không có nghĩa là rơi vào vòng kềm tỏa của phương Tây.

 Tại Tiệp Khắc, tân tổng thống Vaclav Havel đã khiến Washington choáng váng khi kêu gọi hai tổ chức quân sự là NATO và khối Vacxava cùng giải thể và đề xuất rút các lực lượng ngoại quốc khỏi khu vực Trung Âu (...).
Tại Bonn, thủ tướng Helmut Kolh bực mình vì đồng nhiệm Đông Đức, Lothar de Maizière mong muốn một nước Đức "trung lập". (....)

Phải đợi đến tháng 2/1991 Hungary, Ba Lan, và Tiệp Khắc mới từ bỏ ý định củng cố an ninh ở phía sườn Tây thành lập nhóm VISEGRAD, chấp nhận đứng dưới chiếc ô phòng thủ của Hoa Kỳ".

Về phía Tây Âu, tổng thống Pháp, François Mitterrand chủ trương duy trì NATO đồng thời xây dựng một khối châu Âu hùng mạnh và độc lập với Mỹ.
Paris khi đó quan niệm, thống nhất nước Đức, nhưng nước Đức thống nhất ấy phải được đặt trong một "hệ thống an ninh mở rộng, và dành một chỗ đứng cho nước Nga".
Tránh cô lập Nga, Mitterrand vẽ lại bản đồ châu Âu mà ở đó "12 thành viên Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu là trung tâm".
Nữ thủ tướng Anh, Margaret Thatcher cũng đồng lòng. Luân Đôn khởi động cuộc đàm phán để tiến tới một "Hiệp hội châu Âu mở rộng (...) đón nhận các nước Đông Âu và trong tương lai, kể cả Liên Xô".

Hy vọng chóng tiêu tan

Mikhail Gorbatchev tưởng chừng giấc mơ hội nhập Liên Xô với Tây Âu trong tầm tay.

Vào lúc áp lực kinh tế trong nước ngày càng gia tăng, tại Bonn, thủ tướng Helmut Kohl tái đắc cử, khởi động tiến trình thống nhất Đông và Tây Đức.
"Biết Liên Xô cần tiền, ở Hoa Kỳ, tổng thống Bush đề nghị Bonn nên "hào phóng" với Matxcơva.

Tây Đức trích 13,5 tỷ DM trong chiến dịch hồi hương quân Liên Xô. Mọi đối thoại với điện Kremlin dễ dàng hơn".
Trong thỏa thuận giải trừ hạt nhân START năm 1991 Liên Xô dễ dàng chấp thuận "mạnh tay" hủy các đầu đạn nguyên tử theo yêu cầu của phương Tây.

"Có điều, vài ngày sau khi khối Vacxava bị khai tử, tháng 7/1991 tại thượng đỉnh G7 Luân Đôn, Gorbatchev đã ra về tay không, khi ngỏ lời cầu viện 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới giúp đỡ".
Năm tháng sau đó, đến lượt Liên Xô sụp đổ và cùng với sự kiện lịch sử đó, giấc mơ xây dựng một ngôi nhà chung châu Âu từ bờ Đại Tây Dương đến dẫy núi Oural vĩnh viễn bị chôn vùi.

NATO và Liên Hiệp Châu Âu lần lượt kết nạp các thành viên cũ của khối Xã Hội Chủ Nghĩa.

1993 tổng thống Pháp, François Mitterrand phẫn nộ trước quyết định của NATO kết nạp thêm các thành viên mới ở sườn đông.
Tại Washington một số tiếng nói coi đây là một sai lầm. Ngay cả George Kennan, người mà ngay từ năm 1946 đã chủ trương kềm tỏa đà ảnh hưởng của Liên Xô.

Năm 1997 chính Kennan đã phải thốt lên rằng việc kết nạp đó là "sai lầm chính trị lớn nhất của Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai (...)
Quyết định đó làm phương hại đến sự phát triển của nền dân chủ Nga, và làm sống lại thời kỳ chiến tranh lạnh ...
Nga bắt buộc xem đấy là một hành vi quân sự và sẽ đi tìm những điểm tựa khác để bảo đảm an ninh và tương lai cho nước Nga".

Nga bị phương Tây phản bội

Ở vào thập niên 1990, nước Nga đang khổ tâm về tình trạng kinh tế, không thể bảo vệ những quyền lợi của mình trên mặt địa chính trị.

Dù vậy phương Tây đã để ngỏ một số cánh cửa. Matxcơva đã thu hồi được các trang thiết bị nguyên tử tại các nước Cộng Hòa Liên Xô cũ, duy trì được chiếc ghế thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An và được mời tham gia câu lạc bộ các nền kinh tế công nghiệp phát triển G7 ...

Anatoli Adamichine, ngoại trưởng Liên Xô trong thời kỳ 1986-1990 ghi nhận : "Chúng tôi tưởng chừng đã cùng hội cùng thuyền với phương Tây".
Ban đầu Matxcơva không xem việc NATO mở rộng sang sườn đông như một mối đe dọa mà chỉ lo nước Nga bị cô lập.

 Mãi đến năm 1999 khi NATO can thiệp vào Nam Tư không có sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc mới làm nước Nga thức tỉnh.
Dù vậy Nga vẫn tiếp tục ấp ủ giấc mơ tiến đến gần hơn với châu Âu và phương Tây.

Tác giả bài viết trên tờ Le Monde Diplomatique nhắc lại rằng, năm 2000 khi được chỉ định thay thế Boris Eltsin, Vladimir Putin trong nhiệm kỳ đầu đã tiếp tục con đường "Tây tiến".
Phát biểu trước Quốc Hội Đức năm 2001, nguyên thủ Nga kêu gọi châu Âu cùng chung sức với nước Nga trên tất cả mọi các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa và quân sự.

Sau loạt khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001, Nga mạnh mẽ đề nghị thành lập một "liên minh chống khủng bố".
Cuối năm 2001, nước Mỹ của tổng thống George W. Bush bất ngờ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận chống tên lửa đạn đạo ABM từng được Brejnev và Nixon đặt bút ký năm 1972.

Gruzia 2008 là một rạn nứt mới trong quan hệ giữa Nga với phương Tây nhưng Matxcơva vẫn chưa đóng cửa đối thoại khi đề nghị một thỏa thuận an ninh với châu Âu. Bruxelles làm ngơ.
"Bị châu Âu hất hủi, Nga chuyển hướng với dự án hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm các nước Cộng Hòa Liên Xô cũ nhưng vẫn không quay lưng lại với Tây Âu ....)".Điểm không thể đảo ngược trong quan hệ giữa Matxcơva với Bruxelles là năm 2013 khi Liên Âu lôi kéo Ukraina vào vùng ảnh hưởng của mình.
Ngoại trưởng Serguei Lavrov trong một phát biểu gần đây cho rằng "không còn có thể nhìn quan hệ giữa Nga với Liên Hiệp Châu Âu bằng lăng kính của thời kỳ chiến tranh lạnh".

Hélène Richard, tác giả bài viết "Khi nước Nga mơ về châu Âu" kết luận :
bên cạnh tất cả những yếu tố khiến Nga xa rời Liên Hiệp Châu Âu, thì cũng phải nhìn nhận rằng khủng hoảng trong khu vực đồng euro rồi Brexit, đã khiến Liên Âu trở nên kém hấp dẫn trong mắt Matxcơva.
"Crimée là hồi kết của hành trình tiến gần đến với Đông Âu. Nước Nga giờ đây chấp nhận vị thế đơn độc về mặt địa chính trị".

Switch mode views: