Mỹ - Trung : Cuộc đọ sức thương mại vẫn trường kỳ
- Thứ Ba, 22 tháng Năm năm 2018 22:46
- Tác Giả: Anh Vũ
Cố vấn kinh tế Larry Kudlow của tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn tại Nhà Trắng, 06/04/2018.
REUTERS/Kevin Lamarque/File Photo
Cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Washington kéo dài nhiều tháng qua về thương mại cuối cùng đã có được kết quả.
Cuối tuần qua hai bên đã thông báo về những nguyên tắc thỏa hiệp để tránh cho một cuộc chiến thương mại có thể nổ ra mà trong đó chắc chắn không có bên nào thắng.
Trung Quốc đã có nhượng bộ mà chính quyền Trump chấp nhận được, nhưng theo các chuyên gia, cuộc đọ sức thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn chưa dứt vì những vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết.
Ám ảnh với con số nước Mỹ bị thâm hụt quá lớn trong làm ăn với Trung Quốc (375 tỉ đô la trong năm 2017), Donald Trump đã quyết định áp thuế 25% vào thép và 10% vào nhôm nhập từ Trung Quốc và đe dọa đánh thuế bổ sung lên tới 150 tỉ đô la vào hàng hóa Trung Quốc.
Giờ đây, tổng thống Mỹ dường như đã thỏa mãn với một thỏa hiệp đơn giản là Bắc Kinh chấp nhận sẽ nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng nông phẩm.
Chính quyền Mỹ đã đánh giá tích cực thỏa hiệp đạt được.
Hôm qua ( 21/05), Larry Kudlow, cố vấn chính về kinh tế của Nhà Trắng, trên kênh truyền hình Mỹ CNBC đã đánh giá thỏa hiệp với Bắc Kinh « là bước tiến lớn » và ông ví von như là « một kiểu hiệp ước hòa bình ».
Quả thực, đó là một dấu hiệu hòa hoãn tích cực khi mà chỉ vài tuần trước đó, cả thế giới nói về một viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mà ai cũng hiểu những hệ lụy của nó sẽ không chỉ nằm trong biên giới của Mỹ hay Trung Quốc mà còn là tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cho dù một loạt các cuộc thương lượng cấp tập trong một thời gian ngắn đã dẫn đến cuộc đọ sức giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới tạm hòa hoãn, giới quan sát vẫn tỏ ra dè dặt.
Ông Eswar Prasad, chuyên gia về Trung Quốc, giáo sư chính sách thương mại thuộc Đại học Cornell (Hoa Kỳ), nhận thấy « những bất đồng căn bản về thương mại và những vấn đề kinh tế khác vẫn còn chưa được giải quyết »khiến cho các xung khắc triền miên trong làm ăn giữa hai nước có thể dấy lên căng thẳng bất kỳ lúc nào.
Hai bên mới chỉ đi đến những thỏa hiệp về nguyên tắc, chưa có một thỏa thuận chi tiết hay những con số cụ thể về trao đổi hàng hóa.
Các cam kết của Trung Quốc sẽ mua nhiều hàng Mỹ hơn vẫn còn rất mơ hồ. Bắc Kinh vẫn cố cưỡng lại đòi hỏi của Washington muốn giảm 200 tỉ đô la thâm hụt buôn bán.
Tổng thống Trump từ khi lên nắm quyền đã không ngớt lời kêu ca quan hệ thương mại mất cân đối với Bắc Kinh là mối đe dọa với các doanh nghiệp và người lao động Mỹ.
Ông hối thúc Bắc Kinh chấm dứt cách làm ăn không trung thực như cố ép chuyển giao hoặc thậm chính đánh cắp công nghệ, sở hữu trí tuệ của Mỹ…
Vậy mà chỉ một cam kết còn chưa cụ thể về việc sẽ nhập nhiều hơn nữa hàng nông sản Mỹ, ông Trump đã hài lòng.
Trên Twitter tổng thống Mỹ phấn chấn bình luận : « Trung Quốc đã chấp nhận mua THÊM lượng lớn nông sản, đó là một trong những điều tốt nhất có thể đến với các nhà nông của chúng ta từ nhiều năm nay ».
Đổi lại, theo nhật báo tài chính Wall Street Journal, Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các công ty Mỹ bán các kinh kiện và phần mềm cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc ZTE.
Nếu sự việc được khẳng định thì chính Mỹ đã phải nhượng bộ Trung Quốc trong màn đọ sức thương mại vừa rồi.
Theo chuyên gia thương mại quốc tế Edward Alden thuộc Council for Foreign Relation, trong quan hệ làm ăn với Trung Quốc « nhà nông của Mỹ không bao giờ là vấn đề. Vấn đề là công nghệ và công nghiệp trong tương lai ».
Có thể ông Trump đã nhận thấy nếu trừng phạt Trung Quốc, Mỹ phải nhận đòn trả đũa và nông dân Mỹ sẽ là những người đầu tiên phải trả giá.
Đó là chưa kể đến việc Bắc Kinh sẽ phải tìm cách kết nối với các nước đang bị chính sách bảo hộ của Mỹ chèn ép.
Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ( WTO) năm 2011, Bắc Kinh và Washington đã có hàng chục lần kiện nhau trước định chế trọng tài kinh tế quốc tế này mà không lần nào đi được đến đâu.
Là một tỉ phú, nổi tiếng là nhà thương lượng làm ăn có tài, ông Trump chắc chắn hiểu rằng đối đầu thương mại Mỹ -Trung là cuộc đọ sức trường kỳ của hai hệ thống, mô hình kinh tế khác biệt nhau rất xa.
Phải chăng với một nước Trung Quốc, đông dân, nhiều của, tiềm năng thị trường rộng lớn thì ông Donald Trump đành phải « mềm nắn, rắn buông », hay là một thỏa hiệp như thế với Bắc Kinh đủ để làm hài lòng cử tri, nhất là khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần ?
Tin mới
- Ý : Kế hoạch lập chính phủ dân túy bị cản trở - 23/05/2018 17:07
- Các nghị sĩ châu Âu thất vọng về cuộc điều trần của ông chủ Facebook - 23/05/2018 17:00
- Hạt nhân Iran : Ngoại trưởng Pháp cảnh báo nguy cơ chiến tranh - 23/05/2018 16:52
- Venezuela trục xuất hai đại diện cấp cao của Mỹ để trả đũa - 23/05/2018 16:43
- Chủ nghĩa toàn trị và phát xít trong một châu Âu hoang tàn (1918-1945) - 23/05/2018 16:24
- Báo nước Anh nói về “tính cách đói khát” của người Trung Quốc - 23/05/2018 03:29
- Vớt nhầm ‘bom Trung Quốc’ ở biển Hoàng Sa, 3 ngư dân Việt thiệt mạng - 23/05/2018 02:28
- Mỹ muốn trừng phạt Iran « mạnh nhất trong lịch sử » - 23/05/2018 02:04
- Tổng thống Iran phản ứng gay gắt trước đe dọa của ngoại trưởng Mỹ - 23/05/2018 01:57
- Việt Nam và Úc tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông - 23/05/2018 01:49
Các tin khác
- Thái Lan : Đối lập biểu tình đòi chính quyền quân sự tổ chức bầu cử - 22/05/2018 22:12
- Malaysia : Cựu thủ tướng Najib bị cơ quan chống tham nhũng thẩm vấn - 22/05/2018 21:59
- Công chức Pháp xuống đường phản đối chính phủ Macron - 22/05/2018 19:18
- Ông chủ Facebook ra điều trần trước Nghị Viện Châu Âu - 22/05/2018 19:09
- Tổng thống Maduro tái đắc cử, Mỹ gia tăng trừng phạt Venezuela - 22/05/2018 16:09
- Hội kiến Modi - Putin tại Nga có ý nghĩa gì với Ấn Độ ? - 22/05/2018 00:59
- Việt Nam muốn tăng cường lực lượng cảnh sát biển - 22/05/2018 00:35
- Oanh tạc cơ Trung Quốc đáp xuống Biển Đông, Manila phản ứng chừng mực - 22/05/2018 00:28
- TT Mỹ đòi điều tra vụ FBI “cài người” vào ê kíp tranh cử - 22/05/2018 00:19
- Venezuela : Maduro bám trụ sau 5 năm khủng hoảng - 22/05/2018 00:00