Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp-Úc cảnh báo nguy cơ Bắc Kinh thống trị Ấn Độ-Thái Bình Dương

Macron uc

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào các thành viên chính phủ Úc, sân bay Sydney, 01/05/2018
PETER PARKS / AFP

Không một quốc gia nào có quyền thống trị khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương : Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tuyên bố như trên vào hôm nay, 02/05/2018 trong buổi họp báo chung tại Sydney nhân chuyến công du nước Úc của tổng thống Pháp.

 Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng theo hãng tin Pháp AFP, lãnh đạo hai nước đã ám chỉ Bắc Kinh.

Theo AFP, tổng thống Macron đã cho rằng Pháp cũng như Úc, cùng với một quốc gia dân chủ khác trong vùng là Ấn Độ, có trách nhiệm bảo vệ khu vực này khỏi ách « bá quyền », một từ ngữ ám chỉ thế lực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong vùng.

Tổng thống Pháp tuyên bố :
« Điều quan trọng là phải bảo vệ sự phát triển dựa trên các quy tắc của luật pháp trong toàn vùng... và duy trì thế cân bằng cần thiết trong khu vực…
 Điều quan trọng với bối cảnh mới hiện nay là không nên có một thế lực bá quyền nào ».

Về phía Úc, thủ tướng Turnbull đã gọi Pháp là một « cường quốc Thái Bình Dương » và cho biết là ông hoan nghênh sự vươn lên về mặt kinh tế cũng như nguồn đầu tư của Trung Quốc, nhưng kêu gọi tất cả các bên cùng hợp tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Theo ông Turnbull, điểm thiết yếu là mọi bên phải tuân thủ « một nguyên tắc của luật pháp theo đó sức mạnh không phải là lẽ phải, cá lớn không thể nuốt cá bé, cá bé không thể nuốt tôm tép ».
Đối với thủ tướng Úc, chính nguyên tắc luật pháp đó là điều mà Canberra và Paris đang tìm cách duy trì trong toàn khu vực.

Theo AFP, tuyên bố của hai lãnh đạo Pháp Úc được đưa ra vào lúc các nước trong vùng ngày càng lo ngại về đà vươn lên của một nước Trung Quốc càng lúc càng quyết đoán.
Pháp có một số lãnh thổ là hải đảo ở Thái Bình Dương, còn Úc thì ngày càng cảnh giác trước việc Bắc Kinh vươn tầm ảnh hưởng xuống khu vực Nam Thái Bình Dương, điều có thể phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Láng giềng của Úc là New Zealand cũng đã bày tỏ nỗi « lo âu chiến lược », một thuật ngữ ngoại giao dùng để chỉ sự quan ngại trước ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại các đảo quốc trong khu vực.

Vào tháng trước, báo chí Úc đã loan tin về việc Trung Quốc muốn thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài tại Vanuatu, điều đã bị Bắc Kinh phủ nhận
Theo ước tính của viện nghiên cứu Úc Lowy, trong giai đoạn 2006-2016, Trung Quốc đã tài trợ 1,78 tỷ đô la, bao gồm các khoản vay ưu đãi, cho các quốc gia nhỏ ở vùng Thái Bình Dương.

Nhân chuyến công du của tổng thống Pháp, hai nước đã một loạt thỏa thuận trong các lãnh vực từ hợp tác công nghiệp quốc phòng, cho đến phát triển công nghệ để khai thác năng lượng mặt trời và bảo vệ các rạn san hô.

Tổng thống Pháp sẽ rời Úc vào ngày mai, 03/05 để qua Tân Đảo, Nouvelle Calédonie, một vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương.

Switch mode views: