Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc: Đảng Cộng Sản trên tuyến đầu chống phương Tây

 xi 01.jpg



Hiến Pháp Trung Quốc được sửa đổi để trao thêm cho Tập Cận Bình khả năng trị vì trọn đời kể từ năm 2018.
REUTERS/Jason Lee



Ngày 31/10/2019, Hội nghị Trung ương Đảng Trung Quốc kết thúc sau 4 ngày họp.


Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định dấn thân vào một cuộc đấu tranh tư tưởng để thay thế các giá trị dân chủ.

Le Figaro đề tựa nhận định « Đảng Cộng Sản của Tập Cận Bình dẫn đầu cuộc chiến chống phương Tây ».
Tư tưởng Tập Cận Bình, vốn đã được ghi vào trong Hiến Pháp, giờ là « sách gối đầu » không thể thiếu cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Sự đổi mới này còn được thể hiện ở việc cả hội nghị đều tỏ ra nhất trí với nhà lãnh đạo độc tài nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Ngay giữa lòng cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo đồng thanh kêu gọi « đoàn kết mạnh mẽ với đồng chí Tập Cận Bình đang nắm giữ vai trò trung tâm ».

Đây là phiên họp đầu tiên của 370 thành viên Ban Chấp hành Trung ương đảng từ 20 tháng qua và được Tân Hoa Xã mô tả là « lịch sử ».
Sự chậm trễ kéo dài này đã làm dấy lên nhiều lời đồn thổi cho rằng có những bất đồng trong nội bộ, vào lúc tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai trên thế giới giảm mạnh và quyền lực của Bắc Kinh đang bị người dân Hồng Kông thách thức.

Cỗ máy đồn thổi tại Bắc Kinh còn nhắc đến khả năng một lễ trao binh giáp cho một người kế nhiệm để trấn an những người ôn hòa, đang « nhăn nhó » vì việc sửa đổi Hiến Pháp, trao thêm cho Tập Cận Bình khả năng trị vì trọn đời kể từ năm 2018.

Thế nhưng, thông cáo sau cùng đã xóa tan mọi nghi vấn. Ông Chen Daoyin, một nhà phân tích độc lập khẳng định :
 « Không có đấu đá nội bộ. Cuộc họp còn củng cố hơn nữa quyền lực của Tập, vốn đang gắn kết đảng và nhà nước dưới tầm kiểm soát của ông, đi ngược với những cải cách của Đặng Tiểu Bình ».

Hai năm sau kỳ Hội nghị ban Chấp hành Trung ương đảng lần thứ 19 thắng lợi, « hoàng tử đỏ », người đón tiếp tổng thống Pháp vào thứ Hai 04/11 tại Thượng Hải, tiếp tục theo đuổi việc tái kiểm soát hệ tư tưởng, với một tham vọng xây dựng một pháo đài độc đoán, có khả năng thách thức phương Tây, xoay lưng lại với ba thập niên mở cửa rụt rè, dưới thời « tiểu nhà cầm lái ».

Thế nhưng, theo Le Figaro, đằng sau những lời lẽ khoa trương của một bản thông cáo rườm rà, Tập Cận Bình cho vận hành một cỗ máy chiến tranh tư tưởng chống phương Tây, ngay giữa lúc căng thẳng với Mỹ đang leo thang.

Lần đầu tiên, cuộc họp đề cập đến « những lợi thế của hệ thống điều hành chính phủ Trung Quốc » mà Tân Hoa Xã cho là có tính chiến đấu.
Con trai người bạn đồng hành của Mao có tham vọng để lại dấu ấn lịch sử bằng cách hoàn thành sứ mạng hồi sinh chủ nghĩa dân tộc đế chế Trung Hoa.

Khi tiến hành một cuộc chiến chống lại những giá trị của phương Tây, Tập Cận Bình muốn gióng hồi chuông báo tử một thế kỷ Trung Quốc bị các cường quốc xưa kia sỉ nhục.

Gia tăng kiểm duyệt

Nhà phân tích Chen giải mã tiếp :
« Từ sau hội nghị này, tất cả những gì mang hơi hướm phương Tây sẽ bị vứt bỏ.

Thông điệp chính đưa ra là Đảng lãnh đạo tất cả, từ xã hội, kinh tế cho đến cả văn hóa.
Mục tiêu là phải sản sinh ra một chế độ có khả năng cạnh tranh với hệ thống dân chủ phương Tây vào năm 2049 ».

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, vừa có lễ kỷ niệm hoành tráng 70 năm ngày lập quốc hôm 01/10/2019, trong dài hạn đề ra tham vọng đạt thắng lợi trên toàn cầu nhân dịp kỷ niệm 100 năm.

 Trong bầu không khí kiểm duyệt ngày càng gay gắt kể từ khi ông Tập lên cầm quyền năm 2013, một giáo sư đại học xin giấu tên lưu ý :
« Không còn sự phản đối công khai nữa, nhưng vẫn có những thái độ nghi ngại trước đường hướng ẩn chứa đầy sự mặc cảm của ông Tập ».

Hồng Kông được xem như là một phép thử hiển nhiên nhất cho chế độ, vốn vừa bắn đi nhiều tín hiệu đe dọa những người biểu tình.
Họ là những người từ năm tháng qua kiên quyết bảo vệ đến cùng quyền bán tự trị có từ thời thuộc địa Anh.

Bắc Kinh dự tính « cải thiện » phương thức bổ nhiệm lãnh đạo đặc khu hành chính, cũng như là hệ thống tư pháp, nhằm « bảo vệ an ninh quốc gia », như tuyên bố của ông Thẩm Xuân Diệu (Shen Chunyao), Giám đốc văn phòng liên lạc giữa Bắc Kinh với Hồng Kông và Ma Cao, hôm thứ Sáu 01/11.

Những phát biểu khó hiểu này tạo cảm giác chính quyền trung ương sẽ còn can dự trực tiếp hơn nữa vào công việc của hòn đảo, vào lúc có nhiều tin đồn về khả năng thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đang lan truyền từ một tuần nay.

Chế độ Trung Quốc còn thông báo nắm lại hệ thống giáo dục của đặc khu, nhằm giáo dục « một nhận thức quốc gia », đặc biệt là ở người « trưởng thành », những người đi đầu trong các đoàn người biểu tình.

Switch mode views: