Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Leonardo da Vinci : Thiên tài hòa giải Pháp-Ý

 

leonard de vinci 1.jpg

Chân dung Léonardo de Vinci do Lattanzio Querena (1768-1853) phác họa.Getty Images/DeAgostini



Với những kiệt tác La Joconde (1503-1506), Bữa ăn cuối cùng (1495-1498) hay Đức mẹ trong hang đá (1483-1486)… và đã tròn 500 năm ngày ông ra đi, nhưng Leonardo da Vinci vẫn không ngừng thu hút sự hiếu kỳ của cả thế giới.

 

Lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần cuối cùng, gần như toàn bộ tác phẩm của danh họa Ý được tập trung trưng bày tại bảo tàng Louvre (Paris) trong vòng 5 tháng (24/10/2019 đến 24/02/2020).

Bảo tàng Louvre là cơ quan duy nhất có thể tổ chức được một triển lãm quy mô lớn như vậy về danh họa Ý, qua đời ở Pháp (15/04/1452 - 02/05/1519) vì riêng Louvre đã có 5 bức tranh, chiếm khoảng 1/3 đến 1/4 kho tranh của Leonardo da Vinci, và 22 bản phác thảo.

Sau 10 năm chuẩn bị, khoảng 160 tác phẩm hội họa, điêu khắc, bản thảo, đồ vật nghệ thuật… đã được nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, kể cả Hoàng gia Anh, cho mượn để trưng bày nhân sự kiện lịch sử này.

Hội họa, kỹ thuật cao cấp của tất cả các ngành khoa học

Trong suốt sự nghiệp, danh họa Ý để lại từ 14-19 bức tranh, tất cả đều là những kiệt tác.
 Một số người cho rằng Leonardo da Vinci không thực sự quan tâm đến hội họa vì ông vẽ rất ít.

Nhưng ông Vincent Delieuvin, trưởng giám tuyển Di sản, bảo tàng Louvre, không đồng tình với ý kiến này khi trả lời nhà báo Lunsmann Carmen của RFI :“Leonardo da Vinci là người có nhiều yêu cầu cao. Ông vẽ ít nhưng hoàn hảo.

Leonardo da Vinci cần thời gian nghiên cứu khoa học, hoàn thiện kỹ thuật vẽ tranh trước khi cầm cọ vẽ.
Ông vẽ ít không đồng nghĩa với việc ông không quan tâm đến hội họa, mà đó là dấu hiệu cho thấy đòi hỏi cao của ông.
May mắn là Leonardo da Vinci vẽ ít, nhờ vậy, danh họa có những tác phẩm vô cùng tuyệt vời.

Khi nhìn những tác phẩm như La Joconde hay Sainte Anne, hiệu ứng chuyển tiếp khi tiếp xúc với ánh sáng tạo cảm giác viền của tác phẩm hơi rung rung.
Khi mà chưa có kỹ thuật nhiếp ảnh, video, thì với nhiều người, đây là điều kì diệu, thậm chí “khiếp sợ”.
Chính điều kì diệu của Leonardo da Vinci đã giúp tái hiện lại được sự chuyển động của cuộc sống trong tranh của ông”.
Leonardo da Vinci chưa bao giờ quan tâm đến việc trở thành họa sĩ thực thụ hoặc vẽ những bức tranh tường dài vài mét.

 

Nhưng đối với Leonardo da Vinci, hội họa là một ngành khoa học cao hơn tất cả những ngành khoa học khác, hội họa phải tái hiện được kiến thức về thế giới, sự thật về con người, cơ thể con người.
Chính vì thế, danh họa Ý nghiên cứu khoa học để đạt đến sự hoàn thiện về kỹ thuật vẽ, như giải thích của ông Vincent Delieuvin, bảo tàng Louvre :

“Leonardo da Vinci là người đa tài, ông vừa là họa sĩ, kiêm kiến trúc sư, nhà khoa học, nghiên cứu thực vật, nhà sáng chế máy móc…
Nhưng hội họa luôn là trọng tâm trong cuộc đời, trong các công trình nghiên cứu của ông.
Và triển lãm này nhằm mục đích chứng minh điều đó, chứng minh rằng Leonardo da Vinci chưa bao giờ quên hội họa.

Ngược lại, trong mọi chủ đề mà ông quan tâm suốt đời, chưa bao giờ danh họa bỏ sót hội họa. Ví dụ trong các công trình nghiên cứu khoa học của Leonardo da Vinci, có rất nhiều bức tranh đẹp về sự phát triển của cây cối.
Ông quan sát quy luật tự nhiên, sự tăng trưởng hàng năm của thực vật…”

Sinh ở Vinci, gần Florence, tên nguyên quán được đặt cho danh họa Ý vì Leonardo là “con rơi” của một chưởng khế quyền quý với một cô thôn nữ.
Cha mẹ lập gia đình riêng, Leonardo được ông nội mang về nuôi nấng.
Không được đào tạo chính quy, Leonardo mày mò tự học và muốn tìm hiểu tất cả, từ lịch sử hình thành Trái đất đến ánh xạ Mặt trời, từ sự chuyển động của nước đến quá trình tiến hóa của các loài động-thực vật và đặc biệt là cơ thể con người.

Chính những kiến thức khoa học, kết hợp với tự do trong cách vẽ, đã đưa Leonardo da Vinci đến độ chín muồi trong nửa sau thập niên 1490 với tác phẩm Bữa ăn tối cuối cùng (L’Ultima Cena/La Cène), được coi là sự hoàn thiện giữa nghiên cứu khoa học và nghệ thuật.
Ông Vincent Delieuvin cho biết :

“Leonardo da Vinci trở nên nổi tiếng, có thể nói là từ bức họa Đức Mẹ trong hang đá(Vergine della rocce/ La Vierge aux Rochers).
Đó là bức tranh đầu tiên được các xưởng sao chép lại. Nhưng tác phẩm thực sự biến Leonardo da Vinci thành người hoàn thiện quá trình nghiên cứu Phục hưng, đó là tác phẩm Bữa ăn cuối cùng vẽ trong nhà ăn tu viện Sainta Maria della Grazie ở Milano.

Với tác phẩm Bữa ăn cuối cùng, Leonardo da Vinci xuất hiện như bậc thầy hội họa thời Phục Hưng và là họa sĩ hoạt động chính ở Ý.
Sau đó, tất cả những tác phẩm khác khẳng định vị trí của danh họa, như bức La Joconde, Thánh Anna (Sant’Anna/Sainte Anne), Trận đánh Anghiari (Battaglia di Anghiari/ La Bataille d’Anghiari), Salvator Mundi… tất cả đều khiến người đương thời kinh ngạc và biến ông thành bậc thầy thời kỳ Phục Hưng”.

Đưa công nghệ để khám phá tác phẩm của Leonardo

Ngoài triển lãm theo cách truyền thống, bảo tàng Louvre còn đưa công nghệ vào triển lãm về Leonardo da Vinci.

Lần đầu tiên, khách tham quan có thể “Một mình ngắm La Joconde” (En tête-à-tête avec La Joconde) trong vòng 7 phút nhờ công nghệ thực tế ảo.
 Mọi bí mật về kỹ thuật sfumato được Leonardo sử dụng, đời tư của nàng Monna Lisa… được giải thích, trừ nụ cười bí hiểm của nàng.

Ngoài ra, kỹ thuật quang phổ hồng ngoại (infrared reflectography) còn giúp khách tham quan xem được những nét vẽ đầu tiên của Leonardo da Vinci, tiếp theo là những bước sửa đổi, cũng như kỹ thuật vẽ ngày càng điêu luyện của danh họa.

Ông Vincent Delieuvin nhận xét Leonardo da Vinci ngày càng sử dụng ít chất liệu, nhưng tinh tế hơn, và vận dụng điêu luyện kỹ thuật sfumato : nhờ một lớp dầu mỏng (glacis), ít sắc tố, tráng trên bề mặt tranh, hình nét trong tranh như hiện lên qua một lớp voan mỏng, khó nhận ra, và tạo rung động cho tác phẩm.

Khác với những triển lãm hoặc sách tiểu sử về Leonardo da Vinci thường được trình bày theo niên đại, bảo tàng Louvre lập một lộ trình tham quan theo bốn chủ đề chính tương ứng với bốn giai đoạn trong sự nghiệp của thiên tài người Ý. Ông Vincent Delieuvin giải thích :

“Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, Leonardo da Vinci quan tâm đến hình dạng, được gọi là “Sáng-Tối-Hình nổi”, một Leonardo da Vinci tìm cách vẽ những tác phẩm hoàn hảo.
 Sau đó, vào cuối năm 1470, họa sĩ nhận ra rằng hình dạng đã chết, phải tạo sự chuyển động cho những bức tranh và tác phẩm của mình.
Và ông bắt đầu vẽ theo cách hoàn toàn khác, với một năng lượng mới và cố tình không hoàn thiện tác phẩm.

Vào cuối năm 1480, ông tiếp tục chinh phục sự chuyển động, nhưng đồng thời muốn hiểu thêm về cách hoạt động của thế giới, bên trong mọi vật.
Hình dạng không còn giúp danh họa hiểu được lý do của chuyển động.

Và vì thế ông bắt tay chinh phục khoa học thế giới, chinh phục cái vô tận.
Danh họa quan tâm đến mọi hình thức thiên nhiên và gọi đó là khoa học của hội họa.

Hội họa được dựa trên khoa học. Ông bắt đầu phân tích cơ thể, nghiên cứu thực vật, đam mê hình học và toán học.
Không có gì thoát khỏi đam mê của ông về thế giới và thiên nhiên”.

Leonardo da Vinci : Hòa giải Pháp-Ý

Bức vẽ nổi tiếng Người Vitruvius (Uomo vitruvianon/Homme de Vitruve) nghiên cứu về tỷ lệ lý tưởng của cơ thể người được Leonardo da Vinci vẽ vào khoảng năm 1490, cuối cùng cũng được triển lãm tại Louvre, nhưng với thời hạn hai tháng và với điều kiện đèn chiếu không được quá 25 lux.

Để tác phẩm Người Vitruvius đến được bảo tàng Louvre là cả một quá trình và từng xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị nhỏ giữa Ý và Pháp.
Ngày 16/10/2019, Tòa án Hành chính Venice cuối cùng đã bác đơn của hội bảo vệ di sản Italia Nostra phản đối đưa tác phẩm ra nước ngoài vì theo Luật Tài sản Văn hóa của Ý, “mọi tài sản tạo thành fond chính và là bản sắc của một bảo tàng hoặc phòng trưng bày thì không được đưa ra khỏi Ý”.

Lý do, theo thông tín viên RFI Anne Le Nir tại Roma, “Người Vitruvius được một nhà sưu tầm Milano nhượng lại năm 1822.
Và vì chưa bao giờ được trưng bày liên tục, nên “bức vẽ không phải là một tác phẩm đại diện cho bản sắc của Venice”.

Các thẩm phán đã bác đơn kiện của hội Italia Nostra, với lý do “không đủ chứng cứ”.
Tòa cũng công nhận rằng lựa chọn của chính phủ Ý cho mượn các tác phẩm của Leonardo da Vinci liên quan trực tiếp đến “tầm quan trọng đặc biệt của cuộc triển lãm và mong muốn của Ý phát triển tiềm năng di sản quốc gia”.

Triển lãm Leonardo da Vinci cũng khép lại một vài căng thẳng ngoại giao giữa Ý và Pháp khi chính phủ cũ, gồm liên minh giữa đảng cực hữu Liên đoàn và Phong trào Năm sao, không hài lòng về việc cho bảo tàng Louvre mượn tác phẩm vì “Leonardo là người Ý, ông chỉ qua đời ở Pháp”, theo một phát biểu của thứ trưởng Văn Hóa Ý Lucia Borgonzoni với tờ Corriere della Sera ngày 18/11/2018.

Trước đó, theo một thỏa thuận ký năm 2017 với Ý (bộ trưởng Văn Hóa thời đó là Dario Franceschini), bảo tàng Louvre được mượn toàn bộ tác phẩm của Leonardo da Vinci thuộc sở hữu của Nhà nước Ý.
Đổi lại, Louvre cho mượn toàn bộ tác phẩm của Raphaël để chuẩn bị cho triển lãm về danh họa người Ý vào năm 2020 tại bảo tàng Scuderie del Quirinale ở Roma.

Trở lại làm bộ trưởng Văn Hóa Ý trong chính phủ Conte 2, ông Dario Franceschini đã ký với đồng nhiệm Pháp hôm 25/09/2019 một thỏa thuận mới, theo đó hai bên sẽ cho nhau mượn 7 tác phẩm, lần lượt của Leonardo da Vinci và Raphaël.

Dù đã qua đời 500 năm, Leonardo da Vinci vẫn giúp hai nước “thể hiện rõ tình hữu nghị vì sự hợp tác văn hóa”, theo phát biểu của bộ trưởng Văn Hóa Pháp.

Switch mode views: