Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nga sẽ triển khai tên lửa gấp 20 lần vận tốc âm thanh

russia-putin-nuclear

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Gerasimov, tại bộ Quốc Phòng ở Matxcơva, ngày 26/12/2018.
Sputnik/Mikhail Klimentyev/Kremlin

Hôm qua 26/12/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ triển khai từ năm tới loại tên lửa có tốc độ gấp 20 lần âm thanh.

Theo ông Putin, loại vũ khí mới này sẽ bảo đảm được an ninh cho Nga trong vòng nhiều thập niên tới.

AFP cho hay trong một cuộc họp chính phủ tại Matxcơva, sau buổi thử hỏa tiễn mới, tổng thống Nga khẳng định « nước Nga đã có một vũ khí chiến lược mới », và ca ngợi đây là một sự kiện « quan trọng » đối với quân đội Nga.

Cơ quan phát ngôn của điện Kremlin thông báo tổng thống Putin trước đó đã đích thân đến một trung tâm chỉ huy tại Matxcơva, để ra lệnh bắn thử hỏa tiễn siêu thanh « Avangard ».

Tên lửa Avangard có thể mang đầu đạn hạt nhân được bắn đi từ một căn cứ ở miền nam nước Nga, đã đánh trúng vào mục tiêu trên bán đảo Kamchatka, miền Viễn Đông của Nga, cách đó khoảng 6.000 km.

Kênh truyền thông Mỹ CNBC cho biết thêm về loại vũ khí « chiến lược » mới mà Nga vừa quảng bá.
Hỏa tiễn Avangard - được phát triển từ khoảng 30 năm nay, có tốc độ 2 km/giây – được ca ngợi là một vũ khí có thể xuyên qua bất cứ lá chắn tên lửa nào, cho dù hiện đại nhất.

Theo các nguồn tin tình báo mà CNBC có được từ tháng 5/2018, hỏa tiễn mới được Nga cho thử nghiệm ba lần trong hai năm 2016 – 2017, dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2020, có thể giúp cho hệ thống vũ khí hạt nhân răn đe của Nga vượt trội so với Mỹ.

Hãng thông tấn Nhà nước Nga TASS khẳng định Avangard sẽ được sản xuất hàng loạt ngay từ năm tới.
Vụ thử tên lửa chiến lược mới được Nga tiến hành trong bối cảnh Hiệp định Nga-Mỹ về tên lửa tầm trung có thể mang đầu đạn hạt nhân (INF) có nguy cơ tan vỡ.

Đầu tháng 12/2018, Washington hạn định cho Matxcơva 60 ngày để tuân thủ INF, nếu không Hoa Kỳ sẽ rút.
Về phần mình, Nga khẳng định sẵn sàng đàm phán lại Hiệp định INF, để mở rộng cho một số nước khác tham gia, trong đó có Trung Quốc, theo đề nghị của Mỹ.

Tuy nhiên, Matxcơva cũng sẵn sàng triển khai tên lửa tầm trung trên bộ tại châu Âu, nếu INF bị hủy bỏ.
Nga lên án Hoa Kỳ làm gia tăng nguy chiến tranh hạt nhân với đe dọa rút khỏi INF.

Đức phản đối tái vũ trang hạt nhân

Trả lời báo giới, ngoại trưởng Đức Heiko Maas, hôm nay, nhấn mạnh là Berlin kiên quyết phản đối việc bố trí các tên lửa tầm trung mới tại châu Âu, trong trường hợp Hiệp định INF không còn hiệu lực.

Theo ông Heiko Maas, « tái vũ trang hạt nhân chắc chắn là một giải pháp tồi ».

Lãnh đạo ngoại giao Đức một lần nữa khẳng định : Dự án bố trí tên lửa tầm trung mới tại châu Âu sẽ bị đại đa số người Đức phản đối mạnh mẽ và châu Âu bất luận thế nào cũng không thể trở thành đấu trường cho cuộc chạy đua vũ trang mới.

Switch mode views: