Nga – Ukraina : Khi đối thủ quân sự là đối tác kinh tế
- Thứ Bảy, 08 tháng Chín năm 2018 20:55
- Tác Giả: Minh Anh
Một trạm trung chuyển khí đốt từ Nga ở thị trấn Boyarka, Ukraina. Ảnh chụp ngày 22/04/2015.AFP PHOTO / GENYA SAVILOV
Bất chấp căng thẳng, Nga là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Ukraina ; Tại Thụy Điển, giải Nobel Văn học bị đe dọa cạnh tranh ; Tòa án Ấn Độ chính thức công nhận đồng tính và Tranh luận tại Hàn Quốc về việc miễn quân dịch cho các vận động viên đạt thành tích. Trên đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Từ năm 2014, Nga và Ukraina vẫn đối đầu nhau do xung đột tại Đông Ukraina và việc sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina vào Nga.
Thế nhưng, mới đây, cơ quan thống kê Ukraina công bố báo cáo mức đầu tư của nước ngoài trong sáu tháng đầu năm.
Thật bất ngờ: Nga đứng đầu bảng các nhà đầu tư nước ngoài ở Ukraina, bất chấp bầu không khí căng thẳng giữa hai nước.
Từ Kiev, thông tín viên Sebastien Gobert giải thích :
« Theo cơ quan thống kê quốc gia, đầu tư của Nga tại Ukraina là hơn 436 triệu đô la (trên tổng số 1,3 triệu đô la được đầu tư trong 6 tháng đầu năm), chiếm khoảng 34,6% tổng mức đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Để so sánh, đầu tư của Pháp vào Ukraina nằm trong khoảng 47 triệu đô la.
Đây quả thật là một mức đầu tư rất lớn. Hơn nữa, nước đứng hàng thứ hai lại là Chypre, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và được biết đến như là một thiên đường thuế, và là nơi có rất nhiều tài khoản ngân hàng của người nước ngoài (compte offshore).
Người ta thường cho rằng các tài phiệt Nga hay Ukraina hay có các tài khoản này. Do vậy, Nga dường như vừa quốc gia đầu tư chiếm vị trí hàng đầu vừa là nguồn đầu tư nước ngoài thứ hai, (thông qua Chypre).
Các công ty Nga đầu tư chủ yếu trong các lĩnh vực như ngân hàng và bảo hiểm, phân phối và bán lẻ, công nghiệp và công nghệ mới. Tóm lại là tất cả các ngành bất chấp lệnh trừng phạt. »
Dù vậy, Nga và Ukraina vẫn thường xuyên tố cáo lẫn nhau. Kiev đặc biệt lên án các hành động gây hấn của Matxcơva, và liên tục loan báo đoạn giao.
Tổng thống Ukraina mới đây còn thông báo xé bỏ Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, cắt tuyến đường sắt nối liền hai thủ đô.
Các cơ quan an ninh của Kiev còn « cấm cửa » nhiều chính khách, nhà báo, ca sĩ, nghệ sĩ Nga…đến Ukraina. Nhưng tiền đến từ Nga dưới dạng đầu tư có vẻ như không gây phiền hà gì.
Câu hỏi đặt ra : Liệu sự gần gũi về kinh tế và tài chính này có sẽ là cơ sở cho sự hòa giải đôi bên hay không ? Thông tín viên Sébastien Gobert nhận định tiếp :
« Thật khó nói. Dường như cả hai vấn đề này đang tiến triển song song, mà không gây tác động lẫn nhau. Xung đột địa chính trị khó có thể giải quyết ngay.
Nga không đưa ra một tín hiệu nào cho thấy sẽ trả lại bán đảo Crimée. Và tại vùng chiến sự đông Ukraina, căng thẳng đang gia tăng sau vụ ám sát bí ẩn lãnh đạo nước Cộng hòa ly khai tự phong Donetsk.
Nhân vật này đã bị hạ sát hôm thứ Sáu 31/08 trong một vụ nổ bom tại một quán cà phê. Matxcơva cáo buộc Kiev, Kiev đổ lỗi cho Matxcơva và trên mặt trận, các cuộc chạm súng vẫn tiếp tục ».
Thụy Điển : Nobel Văn học lâm nguy vì vụ Arnault
Từ vài tháng nay, vụ bê bối đã đẩy Viện Hàn Lâm Văn Học – định chế trao giải thưởng Nobel Văn Học – vào cơn bão táp.
Một người Pháp, ông Jean-Claude Arnault, chồng một nữ viện sĩ hàn lâm, đã bị cáo buộc phát tán tên những người sẽ được giải Nobel và cáo buộc tấn công tình dục ít nhất 18 phụ nữ.
Vụ xử được dự kiến vào ngày 18/09 tới đây.
Cho dù người ta có thể nghĩ rằng từ nay cho đến lúc tư pháp ra phán quyết, vụ việc có thể không còn gây ầm ĩ nữa, nhưng theo nhận định của thông tín viên Frédéric Faux tại Thụy Điển, tình hình còn lâu mới yên ắng:
« Vụ bê bối đã dẫn đến việc hàng loạt nhân vật trong Viện Hàn Lâm từ chức và Viện đã quyết định hoãn một năm việc công bố giải Nobel Văn Học.
Đây là lần đầu tiên xẩy ra sự cố này kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Thế nhưng, giờ đây người ta tự hỏi liệu việc chủ định đình hoãn này có sẽ kéo dài lâu hơn hay không, bởi vì Viện Hàn Lâm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Hiện tại, Viện chỉ còn 10 thành viên trong tổng số 18 và vẫn chưa thể chỉ định các thành viên mới, trong khi theo dự kiến, Viện bắt đầu nhóm họp xem xét vào ngày 06/09.
Tại Thụy Điển, nhiều người lo ngại là Ủy ban Nobel, cơ quan nắm hầu bao và tài trợ cho các giải Nobel khác nhau, sẽ mất kiên nhẫn. Bởi vì nếu như Viện Hàn Lâm Văn Học không đủ khả năng « dọn dẹp », tái lập trật tự kỷ cương trong nội bộ, thì vinh dự được chọn người trúng giải có thể sẽ được trao cho một định chế khác. Và đây sẽ là một thảm kịch quốc gia. »
Tại Thụy Điển, các giải Nobel là một phần trong sinh hoạt của đất nước này.
Lễ trao giải thưởng được truyền hình trực tiếp. Đó là một niềm tự hào lớn, bởi vì một nhóm ít ỏi người Thụy Điển, quốc gia « hẻo lánh » ở Bắc Âu – lại có thể trao giải Nobel – phần thưởng cao quý nhất, mang tính phổ quát nhất.
Giờ đây, vụ bê bối đang làm dấy lên nhiều câu hỏi : Tại sao Thụy Điển tiếp tục trao giải thưởng Nobel ?
Vậy phải chăng khả năng Thụy Điển tiếp tục có vinh dự trao giải Nobel đang bị đe dọa ?
Thông tín viên Frédéric Faux cho biết tiếp :
« Còn quá sớm để xác định xem liệu giải Nobel do Thụy Điển trao bị đe dọa hay không.
Nhưng do không có giải Nobel Văn Học 2018, các nhà trí thức Thụy Điển đã quyết định lập một giải riêng của họ.
Với tên gọi « Giải Văn Học Mới 2018 », giải này cũng có số tiền thưởng lên tới 100 ngàn euro và ban phụ trách vừa mới thông báo bốn ứng viên lọt vào « chung kết ».
Ví dụ trong số này, có nhà văn nữ Pháp Maryse Condé, người đã viết rất hay về vùng Caribê và châu Phi.
Lẽ ra, bà có thể được giải Nobel Văn Học 2018, nhưng vào ngày 12/10 tới, bà có thể được trao « Giải Văn Học Mới ».
Vì thế, Viện Hàn Lâm Văn Học Thụy Điển cần phải nhanh chóng được bình ổn vì cuộc cạnh tranh đã sẵn sàng khởi động. »
Ấn Độ công nhận đồng tính: Một cuộc cách mạng ?
Tại Ấn Độ, phải chăng một cuộc cách mạng xã hội đang diễn ra ?
Tòa án New Dehli ngày 06/09/2018 đã có một phán quyết lịch sử, không còn xem đồng tính là một tội danh.
Một sự kiện đã được cộng đồng những người đồng tính Ấn Độ chờ đợi từ nhiều năm qua.
Sáng thứ Năm, trước tòa án, giới đấu tranh và luật sư vận động cho người đồng tính đã không ngăn được xúc động.
Từ New Dehli, thông tín viên Sébastien Farcis tường thuật :
« Họ nhảy lên sung sướng, hò hét, ôm chầm lấy nhau, những người khác thì vui mừng rơi lệ.
Xong rồi, không còn lo sợ và bị trấn áp chỉ vì là người đồng tính.
Sáng nay, người ta có thể cảm nhận được bầu không khí cảm động trước trụ sở Tòa Án Tối Cao Ấn Độ.
Hàng chục người đồng tính và các nhà tranh đấu đã tập hợp để chứng kiến thời điểm lịch sử này.
Thật là khó tả với những suy nghĩ về những lúc họ bị cảnh sát sách nhiễu, những gì mà họ sẽ nói với gia đình mình, để giải thích rằng từ nay xã hội không coi họ là những kẻ tội phạm.
Năm thẩm phán của tòa đã có những phát biểu rõ ràng, mạnh mẽ : nhân danh toàn xã hội Ấn Độ, một thẩm phán đứng ra xin lỗi vì trong quá khứ đã quy kết tội những người đồng tính.
Một thẩm phán khác khẳng định rằng thiên hướng giới tính là điều tự nhiên và mọi phân biệt đối xử nhắm vào xu hướng giới tính là một sự vi phạm các quyền cơ bản của con người.
Ấy vậy mà trong suốt 157 năm, kể từ thời thuộc địa Anh quốc, đồng tính là một tội ác, có thể bị kết án tới 10 năm tù tại Ấn Độ.
Năm 2009, tòa phúc thẩm New Delhi đã ra lệnh đình chỉ áp dụng luật này trong vòng 4 năm, rồi sau đó, phán quyết lại bị hủy bỏ.
Giờ đây, Tòa Án Tối Cao Ấn Độ khẳng định : đồng tính là hoàn toàn hợp pháp tại Ấn Độ ».
Hàn Quốc tranh cãi về việc vận động viên được miễn quân dịch
Chính phủ Hàn Quốc mới đây ban hành quyết định miễn quân dịch cho những vận động viên thể thao nào thi đấu thành công ở Á Vận Hội 2018, kết thúc tại tại Indonesia ngày 02/09/2018.
Thế nhưng, quy định này đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt tại Hàn Quốc.
Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul cho biết hiện có nhiều lời kêu gọi cải cách hệ thống quân dịch:
« Cuối tuần trước (01-02/09/2018), tiền đạo Hàn Quốc, Son Heung-min, chơi cho câu lạc bộ Tootenham của Anh, cùng với đội tuyển Olympic đã đoạt huy chương vàng tại Á Vận Hội 2018 ở Indonesia.
Chiến thắng này cho phép anh thoát 21 tháng quân dịch bắt buộc và như vậy anh sẽ có thể tiếp tục sự nghiệp thi đấu quốc tế.
Trên báo chí Hàn Quốc và quốc tế, vấn đề này đã hoàn toàn làm mờ nhạt các cuộc thi đấu thể thao và rất nhiều tờ báo đã chỉ trích quy định miễn quân dịch này.
Theo luật Hàn Quốc, tất cả thanh niên trong độ tuổi 18-28 đều bị gọi đi quân dịch trong vòng 21 tháng – một nghĩa vụ bắt buộc do mối đe dọa từ nước láng giềng Bắc Triều Tiên.
Thế nhưng, các quy định miễn quân dịch được tổng thống Park Chung-Hee ban hành từ năm 1973 chỉ dành cho những công dân Hàn Quốc nào có những đóng góp nhằm cải thiện hình ảnh và uy tín của đất nước ra bên ngoài.
Một huy chương vàng hay bạc tại các Thế Vận Hội đủ để tránh quân đội. »
Tại Hàn Quốc ngày càng có nhiều lời kêu gọi bãi bỏ hệ thống này, bị cho là bất công đối với nhiều người tài giỏi khác, cũng làm rạng danh đất nước.
Tại sao chỉ có các vận động viên thể thao, mà không là các ca sĩ K-Pop ?
Chẳng hạn như ban nhạc BTS vừa được xếp đầu bảng Billboard của Mỹ.
Các fan hâm mộ đã mở chiến dịch ký kiến nghị sao cho các nam ca sĩ trẻ này cũng được miễn quân dịch.
Tuy nhiên, theo nhận định của thông tín viên Frédéric Ojardias, tranh cãi chỉ mới bắt đầu và đây sẽ là một bài toán khó cho chính phủ và quân đội:
« Một hồ sơ khá tế nhị đquân đội Hàn Quốc, hiện đang phải đối phó với tình trạng thiếu hụt người tòng quân do tỷ lệ sinh con đang trì trệ.
Thứ Hai, 03/09, một trong những đại diện của quân đội tuyên bố là đã đến lúc phải xem xét lại chế độ miễn quân dịch và đề ra những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn.
Hôm sau, 04/09, đến lượt thủ tướng Lee Nak-Yon tham gia vào cuộc tranh cãi, đề nghị chính phủ đưa ra các biện pháp để cải thiện chế độ quân dịch và giải quyết những bất cập bị chỉ trích gần đây.
Bên cạnh đó, còn có một cuộc tranh cãi, vốn đã có từ lâu, về những người không chấp nhận đi quân dịch vì quan niệm, niềm tin cá nhân : những người này không được công nhận tại Hàn Quốc.
Hồi tháng Sáu, Tòa Bảo Hiến đã đề nghị Nhà nước xem xét lại đạo luật và lập ra một loại nghĩa vụ công dân dành cho nhóm người này.
Thế nhưng, cho đến nay chính quyền Seoul chưa có quyết định gì. »
Related news items:
Tin mới
- Tổng Thống Donald Trump ca ngợi những người hy sinh trên chuyến bay 9/11 ở Pennsylvania - 11/09/2018 22:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-09-2018 - 11/09/2018 19:30
- Syria, Nga tiếp tục oanh kích Idleb, nguy cơ thảm họa nhân đạo cận kề. - 11/09/2018 16:17
- Kim Jong Un gửi thư đề nghị thượng đỉnh lần 2 với Donald Trump - 11/09/2018 14:15
- Mời láng giềng tập trận Vostok, Nga muốn khẳng định vị thế tại châu Á - 10/09/2018 17:02
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-09-2018 - 10/09/2018 16:18
- Mỹ : Cử tri Cộng Hoà động viên ủng hộ Trump - 09/09/2018 18:11
- Nhật Bản lần đầu tiên vô địch giải quần vợt Mỹ US Open - 09/09/2018 18:03
- Mừng 70 năm Quốc khánh: Bình Nhưỡng không phô trương hỏa tiễn liên lục địa - 09/09/2018 17:55
- Paris tố Matxcơva theo dõi một vệ tinh quân sự của Pháp - 08/09/2018 22:20
Các tin khác
- Trump dọa đánh thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc bán sang Mỹ - 08/09/2018 17:37
- Điểm tuần báo : Châu Âu và giấc mơ tự chủ - 08/09/2018 17:22
- Tiểu quốc Nauru ở Thái Bình Dương không khiếp nhược trước Trung Quốc - 07/09/2018 16:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-09-2018 - 07/09/2018 16:19
- Giáo phận Vinh (Việt Nam) lên tiếng bênh vực tù nhân lương tâm - 07/09/2018 04:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-09-2018 - 06/09/2018 22:39
- Bắc Kinh viết lại lịch sử để đánh bóng « Bác Tập kính yêu » - 06/09/2018 22:16
- Venezuela : Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng siêu lạm phát - 06/09/2018 15:54
- Những món quà của Trung Quốc: Phúc hay họa cho Cam Bốt ? - 06/09/2018 04:29
- Nhật Bản : Cơn bão Jebi tàn phá Osaka - 05/09/2018 23:20