Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đối Thoại Shangri La mở ra với Biển Đông nổi lên thành hồ sơ nóng.

BD asia-security


Đoàn Trung Quốc của Trung tướng Hà Lôi (He Lei) (G) đến Hội nghị an ninh 'Đối Thoại Shangri-la' tại Singapore , ngày 1/06/2018.
REUTERS/Edgar Su

Hôm nay, 01/06/2018, hội nghị thường niên về an ninh quan trọng bậc nhất tại châu Á mang tên Đối Thoại Shangri La khai mạc tại Singapore, tập hợp hầu hết quan chức quốc phòng cấp cao của các cường quốc thế giới cũng như các nước trong khu vực.

Theo giới phân tích, cuộc họp năm nay đặc biệt sôi nổi trên vấn đề giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên với thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un nhiều khả năng diễn ra, và ngay tại Singapore.

Tuy nhiên trong những ngày qua, điều đáng chú ý hơn cả là thái độ cứng rắn của Mỹ trước một loạt hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, và phái đoàn Mỹ sẽ nêu bật vấn đề này tại diễn đàn Shangri La.

Tại cuộc họp năm ngoái, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã chỉ trích mạnh mẽ những gì ông gọi là việc Bắc Kinh coi thường luật pháp quốc tế bằng cách « quân sự hóa không thể chối cãi » các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp tại các khu vực Biển Đông có tranh chấp với các láng giềng.

 Năm nay, ông Mattis lại dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến dự Đối Thoại Shangri La, và sẽ có tham luận ngày 02/06 về vai trò của Hoa Kỳ trong việc đối phó với những thách thức an ninh trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Ngay trên đường đến Singapore, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã bắn đi tín hiệu cứng rắn chống lại hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc khi khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông, sẵn sàng đối đầu với những gì mà Mỹ đánh giá là đi ngược lại luật pháp quốc tế, đi ngược lại các phán quyết của tòa án quốc tế.

 Bên cạnh tuyên bố cứng rắn đó là hai động thái cụ thể đánh vào Trung Quốc : Rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2018, với lý do được nêu rõ là để phản đối Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, và cử 2 chiến hạm vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa.

Để dự phòng việc bị hội nghị, đặc biệt là Mỹ, đả kích về hành vi quân sự hóa Biển Đông, đe dọa ổn định khu vực, coi thường luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã tìm cách tránh né bằng việc cử một phái đoàn quân sự cấp thấp đến dự hội nghị.

 Vào lúc các phái đoàn như Ấn Độ có thủ tướng Narendra Modi dẫn đầu, hay Hoa Kỳ có bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis làm trưởng đoàn, Bắc Kinh chỉ phái một đoàn nhỏ do trung tướng Hà Lôi (He Lei), phó giám đốc Học Viện Khoa Học Quân Sự Trung Quốc dẫn đầu.

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, đây là một cách thức Bắc Kinh thường làm để tránh thu hút sự chú ý của công luận đến Trung Quốc, và đến những động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền quá đáng trên Biển Đông, những hành vi dứt khoát sẽ bị các nước khác đả kích tại hội nghị.

Đối Thoại Shangri La là hội nghị thường niên về an ninh Châu Á do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS tổ chức, năm nay diễn ra trong ba ngày 01- 03/06.
Đến Singapore lần này, có bộ trưởng Quốc Phòng và các quan chức của hơn 50 nước, trong đó có Mỹ, Úc, Nhật, Ấn, Pháp, Việt Nam, Philippines...

Riêng tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày hôm qua tiếp tục lớn tiếng đả kích giới lãnh đạo quân sự Mỹ vừa tố cáo xu hướng bá quyền của Trung Quốc tại châu Á.

 Phát biểu hôm 30/05 tại Hawaii, nguyên tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã cho rằng « giấc mơ bá quyền » của Trung Quốc tại châu Á là thách thức về lâu về dài quan trọng nhất của Mỹ.

Trong cuộc họp báo thường kỳ, bà Hoa Xuân Oánh cũng đồng thời lập lại lời cáo buộc Mỹ cố tình « thổi phồng » việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, vì theo bà, lực lượng Mỹ có mặt trong khu vực còn hùng hậu hơn rất nhiều lực lượng Trung Quốc và các nước trong vùng gộp lại.


Switch mode views: