Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Brigitte – Emmanuel Macron : « Sao » mạng xã hội Trung Quốc

macron brigitte

Ứng viên Emmanuel Macron và vợ Brigitte Macron, tại vùng núi Pyrénées ở Bagnères de Bigorre, 12/04/2017.REUTERS/Eric Feferberg

 Bà Marine Le Pen chắc là sẽ ganh tỵ. Đối thủ trẻ của bà, ông Emmanuel Macron không chỉ đang dẫn đầu các thăm dò tại Pháp mà cả ở Trung Quốc.

Tên tuổi của Macron, đúng hơn là cặp đôi Brigitte – Emmanuel Macron đang nổi như cồn trên các trang mạng.

Trên thực tế, chính câu chuyện tình giữa ứng viên tổng thống với nữ cựu giảng viên tiếng Pháp trên ông 24 tuổi đang làm say mê các cư dân mạng nước này.

Thông tín viên RFI tại Thượng Hải, Angelique Forget, cho hay trên trang mạng Weibo, một dạng Twitter Trung Quốc, từ khóa « anh ấy cưới một người vợ lớn hơn mình 24 tuổi » đã thu hút được hơn 6 triệu lượt người xem.

Tên cặp vợ chồng Macron cũng xuất hiện cả trên Wechat, mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Trung Quốc. Đặc biệt, các bài viết trên truyền thông Trung Quốc về cặp đôi này là được chia sẻ và bình luận đông đảo.

« Một trong những bài viết xuất hiện nhiều nhất có tựa đề : ‘Emmanuel Macron : chuyện tình của ông còn hấp dẫn hơn là cuộc đua tranh cử’.
Tiếp đến là hình ảnh video về đám cưới của họ ở Touquet, truyền tải liên tục.
Cư dân mạng rất thích câu chuyện này !

Một phụ nữ trẻ còn viết là : ‘Thế là yên tâm rồi, nếu tôi vẫn chưa tìm được bạn đời, đó có thể đơn giản là vì anh ấy chưa được sinh ra !’.
Một người khác thì ghi rằng : ‘Trong tình yêu, tuổi tác chưa bao giờ là một vấn đề cả.
Ông ấy đã tìm được người phụ nữ của đời mình, hãy mừng cho ông ấy…’ »

Đối với một số người hay mơ mộng, quả thật cặp đôi Brigitte – Emmanuel Macron là bằng chứng hiển nhiên cho thấy Pháp là một đất nước của tình yêu và lãng mạn.
« Một cư dân mạng ghi là : ‘Nếu như cặp này được thành đôi ở Trung Quốc, có lẽ sẽ bị nhiều lời gièm pha, nhưng đối với những người Pháp lãng mạn và nhạy cảm, đó là một câu chuyện đáng quý’.

Nhưng với những người khác, những người ít sáo rỗng hơn thì lại so sánh Emmanuel Macron với Tề Đồng Vĩ, một trong số các nhân vật chính trong bộ phim truyền hình nhiều tập ‘In The Nam of People’, đang rất thành công lúc này.

Ngoại trừ một điểm, người này, vốn cũng kết hôn với một phụ nữ lớn hơn anh ta 10 tuổi, lại là một nhân vật phản diện, một kẻ ham địa vị, sẵn sàng làm mọi việc để ngoi lên nắm giữ chức quyền và trên thực tế chẳng yêu vợ chút nào… »

Vẫn theo Angelique Forget, những lời bình phẩm về ứng viên đảng Mặt Trận Quốc Gia, bà Marine Le Pen, lại không mấy nhẹ nhàng chút nào.
Rất nhiều cư dân mạng xem bà Le Pen là « Trump kiểu Pháp ».

Một số người lên án bà là phân biệt chủng tộc. Một cư dân mạng viết rằng :
 « Nếu Marine Le Pen đắc cử, đó sẽ là một thảm họa cho tất cả công dân Trung Quốc nào muốn đến du học ở Pháp ».

Nhật Bản : Người dân bị buộc « kiêng ăn » chip

Người dân Nhật Bản buộc phải kiêng món khoái khẩu « Potato chips », tức món khoai tây lát mỏng chiên giòn. Nguyên nhân không phải vì sợ béo phì, mà vì do tình trạng khan hiếm « chip » trong các cửa hàng. Những trận bão lớn đã làm cho việc thu hoạch khoai tây bị thất bát.

Thông tín viên Frédéric Charles, tại Tokyo cho hay, hãng Calbee chuyên gia chế biến món « chip » đành phải tạm ngưng bán món ăn ưa thích của người dân Nhật.

Japan- chip


Khoai tây thất mùa, người dân Nhật buộc phải "kiêng" món khoái khẩu "chip".
Toru YAMANAKA / AFP

« Các bạn hầu như không tìm được chip trên các gian hàng của nhiều siêu thị Nhật Bản.
Tình trạng khan hiếm này đã dẫn đến nạn đầu cơ trên mạng Internet: Những gói chip biến mất trên các gian hàng ở siêu thị tái xuất hiện trên các mạng bán đấu giá!

Người dân Nhật, những ai đam mê món chip, không ngần ngại trả 9 euro cho một gói, tức cao gấp 6 lần so với mức giá niêm yết tại các siêu thị.

Calbee, hãng chế biến chip lớn nhất, nhập khẩu khoai tây từ Hoa Kỳ, nhưng chính sách bảo hộ mậu dịch của bộ Nông Nghiệp Nhật Bản hạn chế số lượng.

 Calbee chỉ có thể sử dụng khoai tây Mỹ tại hai trong số các nhà máy của mình.
Hãng này buộc phải ngưng sản xuất và đặt khách hàng vào chế độ kiêng khem. Hệ quả khác của tình trạng khan hiếm này, một cân khoai tây tại Nhật Bản đang trở nên rất đắt ».

Áo : Khu chợ truyền thống biến thành khu ẩm thực

Tại Vienna, Áo, các khu chợ truyền thống phải hứng chịu các hậu quả do quá nổi tiếng. Một số khu chợ có quá nhiều du khách đến nỗi biến thành nơi có rất nhiều quán ăn.

Theo thông tín viên Céline Beal, người dân ở đây phải đi chợ ở nơi khác để mua rau hoa quả.

Rfi/Céline Béal

marche vienne

« Naschmarkt là khu chợ lớn nhất ở Vienna và mỗi tuần có tới khoảng 65 ngàn lượt người tới, đa số là du khách, bởi vì nơi đây có những khu nhà kiến trúc cổ đầu thế kỷ 20.

Các nhà cổ này là cửa hàng buôn bán nhưng ngày càng có nhiều nhà trở thành quán ăn.

Cũng như nhiều khu chợ bán lẻ khác ở Vienna, quán ăn ngày càng nhiều hơn cửa hàng bán thực phẩm.

Các quán ăn uống bình dân thu hút đông đảo du khách. Đương nhiên, các hoạt động này giúp bảo tồn các khu nhà cổ truyền thống trước sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống siêu thị.

Thế nhưng, sự thay đổi này cũng gây ra nhiều vấn đề. Các cửa hàng ăn uống phàn nàn về các quy định khống chế giờ đóng mở cửa khu chợ hoặc số chỗ ngồi ăn trong nhà hàng.

Mặt khác, việc phân bổ chỗ trong khu chợ đa phần không thông qua sự quản lý của tòa thị chính.

Nạn đầu cơ chuyển nhượng chỗ gia tăng. Các khoản hoa hồng lớn được chi trả qua giao dịch trực tiếp, do vậy, những người bán rau quả, bán thịt, cá không thể nào thuê được chỗ bán hàng.
 Do vậy, người ta chỉ có thể mua được những mặt hàng thiết yếu hàng ngày tại những khu chợ mới, nhỏ hơn, không có kiến trúc đẹp, nhưng lại gần gũi với người sản xuất ».

Anh quốc : Bưu tá kiêm y tá

Bưu điện và các nhân viên bưu điện ngày nay sẽ có vai trò ra sao ?
Trên đảo Jersey của Anh, doanh nghiệp công này đã tìm ra được một hoạt động rất hữu ích cho các nhân viên của mình : họ trở thành một dạng nhân viên y tế xã hội.

 Thông tín viên Marie Billon giải thích khi đi phân phát bưu phẩm, họ làm thêm nhiệm vụ hỏi thăm, quan tâm đến tình trạng sức khỏe của những người về hưu, cao tuổi, sống ở những nơi hẻo lánh.

« Áo blouson đỏ, mũ xanh, các nhân viên bưu điện ở Jersey không khác gì các đồng nghiệp ở những nơi khác.
Thế nhưng, đó là những thiên thần canh gác, chăm sóc người về hưu, cao tuổi.
Khi đi phân phát bưu phẩm, họ gõ cửa nhà của hàng chục người cao tuổi cho dù chủ nhà có thư từ hay không.

Chỉ cần 5 phút, đôi khi ít hơn là đủ để chào, thăm hỏi, trao đổi một chút như ông hay bà đã uống thuốc chưa ? có cần gì không ?
Họ không có thời gian để uống cốc trà với chủ nhà mà dừng lại ở bậc thềm để trao đổi, thăm hỏi. Thế là đã quá tốt đối với những người cao tuổi, sống ở những nơi hẻo lánh có khi cả ngày không có ai để nói chuyện.

Nhưng đây không phải là thăm hỏi xã giao. Các nhân viên bưu điện đã được cơ quan y tế đào tạo. Nếu cảm thấy ông hoặc bà chủ nhà có vấn đề gì, họ sẽ báo ngay lập tức cho cơ quan y tế.
Đã có trường hợp là nhân viên bưu điện gõ cửa nhiều lần nhưng không ai trả lời, vì chủ nhà bị ngã.
Lúc đầu, vào năm 2013, chỉ có vài nhân viên bưu điện đã nghỉ hưu tự nguyện làm thử công việc này. Giờ đây, đã có hàng chục người tham gia.

Bưu điện Jersey đã nhận được nhiều phần thưởng vì đã có những ý tưởng sáng tạo.
Cơ quan y tế Anh có ý định mở rộng dịch vụ này, đó là vì các nhân viên y tế xã hội trên toàn nước Anh có quá nhiều việc. Nhiều người phàn nàn là không có đủ thời gian đi thăm bệnh nhân.

Theo thẩm định, mỗi cuộc viếng thăm của nhân viên bưu điện sẽ tốn khoảng 6 bảng Anh (khoảng 9,5 €), quá rẻ so với chi phí cho một cuộc thăm hỏi bệnh nhân của nhân viên y tế xã hội. Chính phủ Anh hiện đang suy nghĩ cách thức tài trợ cho dịch vụ này. »

Switch mode views: