Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-10-2014

Trung tâm tài chính Hồng Kông lo ngại khủng hoảng kéo dài

 



Cách mạng 'Hoa dù' phong tỏa khu thương mại Causeway Bay của Hồng Kông. Ảnh ngày 11/10/2014Reuters

Báo chí Pháp hôm nay (11/10/2014) tiếp tục bình luận diễn biến cuộc cách mạng « hoa dù » của thanh niên Hồng Kông. Sau khi đàm phán bị hủy bỏ, phong trào phản kháng chuẩn bị cho một chiến dịch đấu tranh lâu dài.

Từ đó, nhật báo Le Figaro có bài viết phân tích những hệ lụy kinh tế mà Hồng Kông phải gánh qua bài viết : « Trung tâm tài chính lo ngại khủng hoảng kéo dài »

Theo nhật báo trên, hôm qua, thị trường chứng khoán Hồng Kông đã sụt giảm 1,4% vào lúc mở cửa phiên giao dịch, do viễn cảnh khủng hoảng kéo dài.

Giới đầu tư đã từng hy vọng tình hình trở lại bình thường vào tuần này, do số lượng sinh viên biểu tình giảm và chỉ số Hang Seng cũng tăng giá trở lại. Thế nhưng, từ nay, họ quan ngại trung tâm tài chính quan trọng của Châu Á bị sa lầy trong khủng hoảng.

« Hồng Kông đang trải qua một thời khắc nguy kịch và người biểu tình có thể gây ra nhiều tổn thất lâu dài cho trung tâm tài chính này », theo như nhận định của một chuyên gia.

Trên thực tế, ngành phân phối và du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo văn phòng CLSA, lượng khách mua sắm tại các cửa hàng lớn giảm 30% vào những ngày đầu của « tuần lễ vàng » nhân kỳ nghỉ lễ quốc khánh Trung Quốc, tức thời gian mà du khách Hoa lục tiêu xài nhiều.

Một văn phòng phân tích tại Hồng Kông cho biết : « Biểu tình kéo dài và dữ dội hơn dự kiến, nên các cửa hàng phải đóng cửa hoặc giảm giờ mở cửa ».

Số lượng du khách Hoa lục thấp hơn dự kiến nhưng tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số u ám trên càng làm giới tiểu thương tức giận và trút cơn phẫn nộ lên đầu người biểu tình, dẫn đến các vụ đụng độ, đôi khi bạo lực.

Tài xế taxi và người khuân vác được trả lương công nhật chính là thành phần bị ảnh hưởng nhất.

Thanh niên Hồng Kông có giáo dục

Bài phóng sự của tạp chí L’Express tập trung mô tả một thế hệ thanh niên Hồng Kông đầy tham vọng, kiên định. Xuống đường biểu tình ôn hòa để đòi dân chủ, một điều mà cha mẹ họ chưa từng làm và giờ đây, giới trẻ cho rằng, nếu không bao giờ đấu tranh, thì sẽ chẳng nhận được gì.

Tuy nhiên, một số phụ huynh e ngại chính quyền đàn áp, nên khuyên con cái rút lui.

Đối với Chris Lưu, một sinh viên Hồng Kông, chế độ Bắc Kinh đồng nghĩa với « sự kiểm duyệt, trấn áp, tham nhũng và sợ hãi… » nên anh đã gia nhập nhóm biểu tình từ những ngày đầu để đòi dân chủ.

Theo tạp chí L’Express, thanh niên Hồng Kông rất có kỷ luật, tổ chức và được giáo dục tốt, đó chính là điểm khác biệt của dân Hồng Kông so với người Hoa lục vốn nổi tiếng là ồn ào, thô lỗ.

Các sinh viên còn biết phân loại rác thải, phân phát nước và lương thực cho nhau. Tại nơi biểu tình, họ giăng biểu ngữ khuyên không nên uống rượu bia, vì đây là cuộc biểu tình, chứ không phải ngày hội.

Xa xa, người ta còn thấy một biểu ngữ khác thể hiện một tuổi trẻ có giáo dục và biết suy nghĩ : « Cha mẹ khóc thương cho tôi và tôi khóc thương cho tương lai ».
Thanh niên Hồng Kông tránh để xảy ra sự cố với cảnh sát, nên luôn có thái độ ôn hòa. Tuy nhiên, một số đụng độ bạo lực cũng xảy ra và người biểu tình cho là có bàn tay của mafia thân Bắc Kinh đứng đằng sau.

Lương Quốc Hùng, nhà cố vấn cho cách mạng « hoa dù »

Không chỉ có sinh viên là chủ lực của cách mạng « hoa dù », tạp chí Le Nouvel Observateur không quên giới thiệu cho đọc giả biết tên tuổi vị dân biểu Hồng Kông, Lương Quốc Hùng, nhà cố vấn cho giới trẻ tại cựu thuộc địa Anh Quốc xuống đường. Từ 35 năm nay, ông luôn chống lại chế độ Bắc Kinh và con đường sự nghiệp của ông giúp làm sáng tỏ nguồn gốc của phong trào hiện nay.

Do để tóc dài, nên ông Lương Quốc Hùng được mệnh danh là « Long Hair ». Ông từng thề sẽ không bao giờ cắt tóc, nếu Bắc Kinh chưa trả lại công lý cho các nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn.

Chính phong cách đầy cá tính của ông đã thu hút không ít giới trẻ, nhưng bộ tóc dài của ông cũng làm cho chính quyền thấy chướng mắt. Một phóng viên Hồng Kông nhận định, ông Lương không nằm trong danh sách những nhà lãnh đạo phong trào, song ở hậu trường, tiếng nói của ông rất có trọng lượng.

Đằng sau vẻ bên ngoài của một ngôi sao nhạc pop là một con người đam mê chính trị. Le Nouvel Observateur thuật lại tiểu sử và con đường sự nghiệp của nhà đấu tranh xã hội không mệt mỏi này. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo và thiếu tình thương, nên ông sớm vùi đầu vào đọc sách và tiếp cận được các tư tưởng phương Tây như Sartre, Marcuse…Chính hoàn cảnh cá nhân đã hun đút nên cá tính nổi loạn và luôn muốn tranh đấu cho công bằng xã hội. Năm 19 tuổi, ông bắt gặp tư tưởng cộng sản Trotsky, Nga và từ đó, ông luôn trung thành với tư tưởng này, tuy ông cho rằng : « Trosky không phải là thượng đế ». Theo ông Lương, « người dân không được để cho một lãnh đạo chính trị kiểm soát, mà chính chúng ta mới là người kiểm soát giới lãnh đạo ».

Từ ngày Hồng Kông được Anh Quốc trao trả về tay Bắc Kinh vào năm 1997, trung tâm tài chính là « sân chơi của các vị hoàng tử đỏ » và bãi đáp của các tay tỷ phú nhờ tham nhũng. Hậu quả là : giá bất động sản và vật giá tăng vọt, người giàu từ Hoa lục lũ lượt kéo đến mảnh đất sáng giá này, từ đó gây nên chênh lệch giàu nghèo lớn trong xã hội.

Ông Lương khẳng định, ông là người theo chủ trương bài tư bản, nhưng Trung Quốc lại là tư bản. Ngày nay, ngoài việc phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh vào thể chế Hồng Kông, ông còn đấu tranh chống sự trị vì của các tài phiệt đỏ. Còn đối với giới thanh niên, họ cảm thấy tương lai bị đe dọa bởi hệ thống kinh tế mà Bắc Kinh áp đặt, một hệ thống mà tài năng sẽ phải nhường chỗ cho các mối quan hệ và con ông cháu cha.

Nobel Hòa bình : giữa vầng hào quang và thái độ khinh thị

Hôm qua, sau khi giải Nobel hòa bình được trao cho cô gái Pakistan 17 tuổi Malala, khôi nguyên trẻ nhất trong lịch sử giải này, và nhà hoạt động Ấn Độ Kailash Satyarthi, để tặng thưởng cho quá trình chiến đấu chống bóc lột trẻ em và cho quyền được học hành của thanh thiếu niên, thái độ của công chúng rất khác nhau tại Ấn Độ và Pakistan.

Báo chí Pháp dĩ nhiên là gửi đặc phái viên về tận nơi để xem phản ứng của công chúng như thế nào. Tại Pakistan, tại quê hương của Malala, người ta tránh đề cập đến giải thưởng này. Nhật báo Libération nhấn mạnh, đối với Malala, thách thức lớn nhất của cô là làm sao cho đất nước Pakistan chấp nhận cuộc đấu tranh mà cô theo đuổi. Trong nước, cô vẫn bị một bộ phận bảo thủ của xã hội chỉ trích. Ấy là chưa kể đến sự hiện diện của các « mật vụ Taliban ».

Chính vì lý do đó mà mọi biểu hiện ủng hộ Malala đều rất nguy hiểm, Libération giải thích. Tờ báo nhắc lại, cách đây chừng một tháng, một giáo viên bị thiệt mạng sau vụ tấn công bằng lựu đạn vào trường học Peshawar làm các trẻ khác bị thương. Cơ sở nói trên còn nhận được lời đe dọa phải cỗ vũ học sinh mặc trang phục dài của người Hồi hơn là mặc trang phục Tây phương.

Còn tại Ấn Độ, Libération cũng nhận thấy là phản ứng công chúng cũng vô cùng khác nhau, mặc dù tại đây, nữ giới không bị các thế lực tôn giáo cấm đi học. Tuy nhiên, nhà hoạt động Ấn Độ Kailash Satyarthi nhận được đón tiếp pha lẫn giữa « sự tự hào và chế nhạo », theo ngôn từ của Libération. Giải Nobel Hòa bình chính là thông điệp cho hai nước Ấn Độ và Pakistan vẫn trong tình trạng chiến tranh. Một số người Ấn Độ bình luận như sau : « Tôi hy vọng giải thưởng này sẽ mang lại hòa bình cho hai nước ». Một số châm chọc : « Giải Nobel này là một trò đùa, do phương Tây nghĩ ra để tuyên truyền tư tưởng và buộc cả thế giới đi theo mục tiêu của họ ».

Đời sống dân Nga điêu đứng vì cấm vận Châu Âu

Sau khi Tổng thống Putin cấm nhập thực phẩm từ Châu Âu, vật giá không ngừng leo thang làm cho đời sống dân Nga ngày càng khó khăn. Mục kinh tế báo Le Figaro phản ánh vấn đề này.

Theo tờ báo, trong những tuần đầu cấm vận, một số nhà phân phối đã cố gắng sống sót bằng cách nhập hàng từ Belarus, thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu. Chủ một hiệu bán thịt cho biết đã tìm ra những biện pháp thay thế hợp pháp. Ví dụ, đùi cừu non không được nhập từ Úc và Hoa Kỳ mà từ New Zeland, Uruguay hay Achentina. Tuy nhiên, biện pháp này không thể kéo dài được, vì thịt của mỗi nước có một vị khác nhau và các đầu bếp cảm thấy rất ức chế vì không thể sáng tạo món mình thích. Tệ hơn nữa là đối với người tiêu dùng, giá cả trở nên đắt đỏ và hàng hóa thiếu hụt.

Ebola: Pháp âu lo

Lo ngại về dịch bệnh Ebola du nhập tại Pháp, sau hai ca báo động nhầm chỉ trong vòng 24 giờ khiến ai nấy đều âu lo. Le Figaro cho rằng, kịch bản trên « có khả năng » xảy ra với số lượng tăng vọt các ca lây nhiễm tại Châu Phi.

Trong cuộc họp báo vào hôm qua, Bộ trưởng Y tế Marisol Tourraine thông báo có thể sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát nơi xuất phát và nơi đến của các chuyến bay trực tiếp giữa Pháp và Tây Phi, những quốc gia bị dịch. Hãng hàng không Air France cũng cho biết hủy các chuyến bay với Freetown, Sierra Leone, nhưng vẫn duy trì chuyến bay tới Conakry (Guinée) và Port Harcourt và Lagos (Nigeria).

Tại sân bay, nhân viên sẽ đo thân nhiệt hành khách, vì sốt là triệu chứng ban đầu của bệnh Ebola. Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng, một số hành khách cũng có thể giấu tình trạng bị sốt dễ dàng bằng cách uống thuốc hạ sốt như paracetamol. Nhật báo nhắc nhở, nếu điều Châu Âu lo ngại là chính đáng, thì cũng không nên che giấu việc phải « khẩn cấp » bài trừ loại virus đã tàn phá Tây Phi, nơi mà dịch bệnh tăng chóng mặt.

Chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo không chỉ bằng quân sự

Một cuộc chiến khác cũng vô cùng gay go, làm đau đầu giới cầm quyền, đó là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Le Monde có bài phỏng vấn ông Jean-Paul Laborde, giám đốc Ủy ban chống khủng bố tại Liên Hiệp Quốc. Theo ông, một số thanh niên ra đi gia nhập quân thánh chiến djihad còn là vì họ bị cô lập trong xã hội. 60% trong số này không hề có niềm tin tôn giáo. Có 80 quốc tịch khác nhau trong hàng ngũ nhóm djihad tại Syria và Irak, mặc dù đa phần đến từ Trung Đông và Bắc Phi. Việc họ bỏ xứ ra đi đặt ra các câu hỏi quanh việc hòa nhập của họ vào xã hội, đặc biệt các nước phương Tây có liên quan. Do đó, để chiến đấu chống quân thánh chiến, chỉ dùng vũ lực thì không đủ, mà phải cần phải huy động xã hội dân sự, truyền thông và hệ thống giáo dục.
Lê Vy
Hồng Kông -Tài chính -Châu Á -Điểm báo

Switch mode views: