Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Kiệt tác Vermeer và thời hoàng kim Hà Lan tại bảo tàng Louvre

The Wilkwoman


Tranh "The Wilkwoman" của Johannes Vermeer (1660).
Ảnh : Divulgação

Kể từ hôm 22/02/2017, viện bảo tàng Louvre khai mạc một cuộc triển lãm lớn về danh họa Vermeer và trường phái hội họa Hà Lan hậu bán thế kỷ XVII.

Có thể xem đây là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng nhất đầu năm tại Pháp : cuộc triển lãm kéo dài ba tháng (cho tới cuối tháng Năm 2017) và quy tụ cùng lúc ba viện bảo tàng lớn : ngoài Louvre còn có Bảo tàng quốc gia Dublin và Bảo tàng nghệ thuật National Gallery of Art tại Washington.

Đây là lần đầu tiên kể từ nửa thế kỷ qua, Pháp hợp tác với Ai Len và Hoa Kỳ để tập hợp về cùng một nơi nhiều tác phẩm của Johannes Vermeer (1632-1675) để đối chiếu với nhiều nghệ sĩ cùng thời chẳng hạn như Gerard ter Borch, Jan Steen, Pieter de Hooch, Gabriel Metsu, Caspar Netscher hay là Frans van Mieris …..

Qua đời khá sớm vì bạo bệnh, dù chỉ mới ngoài 40 tuổi, Vermeer đã để lại không quá nhiều tác phẩm ‘‘chín muồi’’, nhưng đủ để cho thấy tài năng xuất chúng của ông, ngang tầm với bậc đàn anh Rembrandt.

Được mệnh danh là ‘‘nhân sư xứ Delft’’, do ông là một thiên tài hội họa, nhưng lúc sinh tiền sống khép kín và ít giao thiệp, Vermeer bị lãng quên trước khi nổi tiếng từ giữa thế kỷ XIX nhờ nhà phê bình nghệ thuật Théophile Thoré-Bürger, giúp cho thế giới khám phá tài nghệ vẽ tranh của Vermeer.

Trường phái hiện thực Hà Lan còn gọi là ‘‘thế kỷ hoàng kim’’ phản ánh những sinh hoạt rất đời thường, nhưng qua lối quan sát tường tận và lăng kính tỉ mỉ.

Bố cục góc nhìn luôn được trau chuốt, chi tiết từng chút gọt giũa, khiến cho các nhân vật trong tranh trở nên lý tưởng, hấp dẫn vào cái thời mà sơn dầu trở nên lung linh dưới ánh sáng, bóng loáng hơn cả ảnh chụp đăng trên tạp chí thời trang, nhiệm mầu hơn cả nghệ thuật chỉnh sửa photoshop.

Đằng sau những bức tranh rất ‘‘tĩnh’’ của Vermeer, lại luôn có sự chuyển động tuôn trào của những dòng cảm xúc.
Danh họa Hà Lan như thể chỉ dùng nét cọ để mô tả thực tại trước mắt, nhưng đằng sau những nét ‘‘tả chân’’ lại thấp thoáng một chút gì đó dạt dào khiêu gợi, dư âm của sóng tình kêu gọi.

Các bức tranh nổi tiếng của Vermeer, trong đó có ‘‘Người thêu đăng ten’’, ‘‘Người đàn bà khuấy sữa’’ hay là ‘‘Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai’’ đã đi vào tâm thức của công chúng trong dòng văn hóa phổ thông qua phim ảnh, tiểu thuyết hay nghệ thuật làm phim quảng cáo.

Hơn ba thế kỷ sau ngày ông qua đời, Vermeer đã để lại cho thế giới những bức tranh rất đời thường mà lại có thần có sắc, người xem càng ngắm nhìn càng dễ bị cám dỗ, càng chiêm ngưỡng càng dễ bị lôi cuốn.

Cuộc triển lãm tại bảo tàng Louvre nhằm một mục đích : tiết lộ những nét đẹp thầm kín của một bút pháp, rọi sáng những bí mật tiềm ẩn của một nhân sư.

Switch mode views: