« Đối phó với các thách thức khí hậu có thể giúp củng cố kinh tế »
- Thứ Ba, 14 tháng Bảy năm 2015 19:29
- Tác Giả: RFI
Giáo sư Joseph Stiglitz, Giải Nobel Kinh tế 2001, tại Quốc hội Pháp ngày 13/01/2015.
REUTERS/Charles Platiau
Kinh tế gia Joseph Stiglitz, Giải Nobel Kinh tế 2001 đã chủ trương một cách tiếp cận mới cho các cuộc đàm phán khí hậu đang diễn ra.
Nhân dịp ghé Paris tham dự hội nghị khoa học về « Tương lai chung của chúng ta trước hiện tượng biến đổi khí hậu », tổ chức từ ngày 06/07 đến 10/07/2015 tại UNESCO và Đại học Pierre và Marie Curie, nhà kinh tế Mỹ đã trả lời các câu hỏi của một số phương tiện truyền thông quốc tế, trong đó có nhật báo Pháp Le Monde.
Tình hình kinh tế hiện nay có cho phép chúng ta đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu hay không ?
Joseph Stiglitz :Tôi nghĩ rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể củng cố nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta hiện đang ở trong một tình thế đặc biệt là thiếu sức cầu. Một số người gọi nó là tình trạng « trì trệ thế kỷ ».
Còn có rất nhiều tên gọi khác đặt cho hiện tượng này, nhưng tất cả mọi người đều nhất trí ghi nhận tình trạng sức cầu yếu kém đó, có thể dai dẳng trong tương lai gần.
Sức cầu yếu kém đó đã gây nên tình trạng tăng trưởng yếu ớt ở Mỹ, gần như là đình đốn ở châu Âu và phát triển chậm lại ở châu Á. Nhưng nếu chúng ta nắm bắt cơ hội để cải tổ lại nền kinh tế toàn cầu ngõ hầu đối phó với các thách thức khí hậu, điều đó có thể kích thích nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và qua đó giảm bớt sự bất bình đẳng, một thách thức lớn khác của thời đại chúng ta.
Tăng trưởng ngày nay đang được hiểu như là một sự tăng cường dòng chảy của nguyên liệu và năng lượng. Điều đó có tương thích với các vấn đề khí hậu hay không ?
Joseph Stiglitz : Để chống lại hiện tượng hâm nóng toàn cầu, chúng ta phải cơ cấu lại nền kinh tế. Chúng ta sẽ không sản xuất cùng một loại hàng hoá như trước đây, nhưng về mặt tăng trưởng, tôi thấy không có mâu thuẫn, cho dù điều đó đòi hỏi một cách tăng trưởng khác.
Chúng ta phải định nghĩa lại thế nào là tăng trưởng, thay đổi phương pháp mà ta đang sử dụng để đo lường mức tăng trưởng sao cho phản ánh được tính bền vững của các hoạt động kinh tế.
Cách đo tăng trưởng dựa trên GDP trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008 đã cho những số liệu tốt, nhưng các con số này đã tụt xuống rồi. Với cách tính toán tăng trưởng phản ánh được tính bền vững, chúng ta sẽ có khả năng nắm bắt tình hình tốt hơn
Các cuộc đàm phán để đạt được một thỏa thuận về khí hậu nhân Hội nghị Paris sắp tới đây có tiến triển tốt không ?
Joseph Stiglitz :Tôi cho rằng cách tiếp cận để tiến tới Nghị định thư Kyoto, dựa trên cơ chế thị trường carbon, cho quyền phát khí thải và các mục tiêu giảm bớt khí thải dựa trên mức độ phát thải trong quá khứ là một ngõ cụt.
Chúng ta không thể đạt được một thỏa thuận toàn cầu với cái khung đàm phán như vậy. Cách tiếp cận hiện nay, dựa trên những đóng góp tự nguyện, là tốt, nhưng phải thừa nhận rằng cách đó sẽ không cho phép đạt được mục tiêu chỉ tăng 2°C so với thời tiền công nghiệp.
Giải pháp thỏa hiệp mà tôi đề xuất là : định giá khí thải carbon ở cấp độ toàn cầu, mà mỗi quốc gia có thể thực hiện trên lãnh thổ của mình nếu thấy phù hợp, thông qua các quy định mang tính chất ràng buộc, thông qua một thị trường khí thải hoặc một loại thuế carbon nào đó... Sau đó phải thiết lập một sắc thuế carbon ở biên giới, để các nước buộc giới sản xuất phải trả chi phí cho lượng carbon thải ra cho các lô hàng hóa nhập khẩu.
Một phần của số tiền thu được ở các nước phát triển có thể đưa vào Quỹ Xanh, dành cho các nước đang phát triển, một hình thức gánh vác trách nhiệm lịch sử của các quốc gia phương Bắc trong việc làm trái đất nóng lên hiện nay.
Ngoài ra, các nước không đáp ứng các yêu cầu giảm lượng khí thải sẽ thấy các sản phẩm của họ bị đánh thuế tại biên giới, dựa trên chi phí carbon quá mức của họ. Đây là một điều sẽ khiến các nước muốn đứng ngoài thỏa thuận giảm khí thải phải suy nghĩ.
Ông mong đợi gì từ một thỏa thuận như vậy về khí hậu ?
Joseph Stiglitz :Tôi hy vọng rằng Thỏa thuận Paris sẽ công nhận sự cần thiết là trong tương lai phải tiến tới việc thành lập các hệ thống kiểm soát những cam kết – tiếng Anh gọi là « enforceable systems », hệ thống thực thi.
Chúng ta cần những cơ chế như vậy, vốn có lợi cho những nước đã coi biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn.
Nếu quý vị đã nghiêm khắc trên các điều kiện sản xuất hàng hóa trong ngành công nghiệp của chính mình, thì quý vị cũng cần phải nghiêm khắc với tất cả mọi thứ sản xuất ở nơi khác và nhập vào đất nước của quý vị.
Hoa Kỳ đã bắt đầu nói đến hệ thống « kiểm chứng » các cam kết. Điều đó rất gần với cơ chế hệ thống thực thi.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, tôi không chờ đợi là cơ chế đó sẽ được ghi vào Hiệp định Paris. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng Hiệp định Paris phải được xem như là sự khởi đầu của một quá trình và một phong trào chung của xã hội, mà lập trường gần đây của Đức Giáo Hoàng là một yếu tố.
Trung Quốc, nước thải nhiều khi CO2 nhất thế giới đã dấn thân đủ chưa vào công cuộc chống lại sự hâm nóng toàn cầu?
Joseph Stiglitz :Tôi nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc dấn thân rất mạnh vào vấn đề đấu tranh chống biến đổi khí hậu, nhưng họ cũng can dự rất mạnh vào công cuộc phát triển. Trung Quốc đã cố gắng, với một số thành công, trong việc giảm lượng khí thải trong nước tính trên đơn vị GDP, nhưng họ cũng đã làm GDP tăng lên rất nhiều, khiến cho lượng khí thải ra lại nhiều hơn.
Một trong những vấn đề của Trung Quốc nằm ở chỗ nên tính lượng khí thải ra trên cơ sở nào : tính trên những gì được sản xuất tại mỗi quốc gia hay tính trên những gì được tiêu thụ ở quốc gia đó ?
Theo quan điểm của tôi, trách nhiệm của Mỹ đối với biến đổi khí hậu là lượng carbon thải ra từ các thứ được tiêu thụ, chứ không phải là lượng khí carbon thải ra từ việc sản xuất hàng hóa tại Hoa Kỳ...
Nếu chúng ta đòi Trung Quốc phải làm ra sản phẩm với giá thấp nhất, nhưng lại có phí tổn carbone cao nhất, trách nhiệm là thuộc về chúng ta. Và đây là vấn đề điển hình của Mỹ vì chúng tôi tiêu thụ hàng hóa sản xuất ở những nước mà chúng tôi không gây đủ sức ép, và đã ký những hiệp định thương mại mà không có điều khoản về lượng khí thải carbon.
Và như vậy, về cơ bản, chúng tôi khuyến khích công dân của chúng tôi tiêu thụ hàng hóa gây ô nhiễm và chúng tôi phải chịu phần trách nhiệm của mình.
Cần phải thiết lập hai hình thức thống kê : những gì được sản xuất tại mỗi quốc gia và những gì được tiêu thụ ở đó.
Tin mới
- Thị Trưởng Bảo Nguyễn: Tôi là người đồng tính - 15/07/2015 18:17
- Nghị viện Hy Lạp bỏ phiếu về thỏa thuận với Châu Âu - 15/07/2015 16:34
- Quả vải Việt Nam tìm cách không lệ thuộc vào Trung Quốc - 15/07/2015 16:21
- Người dân Iran hân hoan chào mừng thỏa thuận hạt nhân - 15/07/2015 16:14
- Thái Lan ra luật cấm biểu tình - 15/07/2015 16:06
- Trung Quốc câu lưu 20 nhân viên một tổ chức từ thiện Nam Phi - 15/07/2015 15:59
- Nhật Bản : Chính sách quốc phòng của Abe bị chống đối ngày càng mạnh - 15/07/2015 15:44
- Philippines sang sửa chiến hạm mắc cạn trên bãi Cỏ Mây - 15/07/2015 13:28
- Biển Đông : Bắc Kinh vẫn phản đối vụ kiện của Philippines - 15/07/2015 13:17
- CUỘC ĐẢO CHÍNH KHÔNG TIẾNG SÚNG TẠI HÀ NỘI - 14/07/2015 23:29
Các tin khác
- Thái Lan xét xử hai nhà báo về tội « vu khống » Hải quân - 14/07/2015 18:15
- Thủ tướng Malaysia biển thủ công quỹ 750 triệu đôla ? - 14/07/2015 15:59
- Bangkok yêu cầu Paris cho dẫn độ ba nhà đối lập - 14/07/2015 15:47
- Bắc Triều Tiên ân xá tù nhân - 14/07/2015 15:38
- Bắc Kinh : Cảnh sát hạ gục ba tên « khủng bố » tại Tân Cương - 14/07/2015 13:57
- Jakarta kết án 6 người Duy Ngô Nhĩ vì tội khủng bố - 14/07/2015 13:47
- Đan Mạch tung ra sáng kiến biến nước tiểu thành bia - 13/07/2015 19:30
- THẢO QUÁI THÚ ! - 13/07/2015 19:17
- El Nino có thể tạo mưa lụt ở California cuối năm nay . - 13/07/2015 17:41
- Mưa bão ở Trung Tây Hoa Kỳ từ Chủ Nhật sang Thứ Hai - 13/07/2015 17:22