Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tiếng Bắc Kinh đe dọa tiếng Quảng : Cuộc chiến ngôn ngữ ở miền nam Trung Quốc

Chine-Cantonese


Khu vực tại Trung Quốc, nơi tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ chủ yếu.
DR


Tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, việc sử dụng bắt buộc tiếng Quan thoại, ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc, thường xuyên là chủ đề tranh luận.
Theo AFP, việc chính quyền có khả năng cấm dùng tiếng Quảng Đông trên đài truyền hình địa phương khiến các cư dân giận dữ, vì lo ngại mất bản sắc.

Với hơn một nửa cư dân Quảng Châu, thành phố lớn thứ ba Trung Quốc, tiếng Quảng Đông là tiếng mẹ đẻ.
Đối với nhiều người cao tuổi, đây thậm chí là ngôn ngữ duy nhất mà họ sử dụng.

Mùa hè này, tại Quảng Châu, dân chúng hết sức phẫn nộ, sau khi đài báo Nhà nước loan tin, kể từ tháng 9/2014, truyền hình tỉnh Quảng Đông sẽ xóa đi các chương trình bằng tiếng Quảng Đông… để dành chỗ cho các chương trình hoàn toàn bằng tiếng Quan thoại.

Tiếng Quan thoại, còn được gọi là “tiếng phổ thông”, là ngôn ngữ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dựa trên tiếng nói của vùng Bắc Kinh.
Trên khắp đất nước, đây là ngôn ngữ chính thức của nền hành chính, truyền thông, giáo dục.

Với việc mở rộng phạm vi sử dụng tiếng Quan thoại, chế độ cộng sản cố gắng gia tăng quyền lực của Nhà nước trung ương tại một quốc gia trước có rất nhiều ngôn ngữ địa phương và ngôn ngữ của các sắc tộc thiểu số.

Thực tế hiện nay, theo chính phủ Trung Quốc, hơn 30% dân cư Trung Quốc – tức khoảng 400 triệu người – không nói hay không hiểu được “tiếng phổ thông”. Nếu như ngôn ngữ Quảng Đông và Quan thoại đều cùng sử dụng các bộ chữ Hán, có nghĩa là hai bên có thể hiểu nhau qua chữ viết, thì việc hiểu nhau qua tiếng nói lại hết sức khác.

Hồng Kông : Bệ đỡ của tiếng Quảng

Tiếng Quảng Đông được hơn 60 triệu người sử dụng, tương đương với số lượng người nói tiếng Ý như tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, trước làn sóng tiếng Quan thoại đang lấn tới, tương lai của ngôn ngữ lớn này tại miền Nam Trung Quốc bị đe dọa.

Anh Huang Xiaoyu, 28 tuổi, một nhân viên ngành truyền thông, phàn nàn : “Nhiều trẻ nhỏ giờ đây chỉ nói tiếng Quan thoại ở trường. Ở nhà, nếu mẹ chúng đặt câu hỏi bằng tiếng Quảng, chúng trả lời bằng tiếng Quan thoại”.

Cuộc đối đầu giữa hai ngôn ngữ Quảng Đông – Quan thoại diễn ra liên tục từ nhiều năm nay. Cách nay 4 năm, đài truyền hình thành phố Quảng Châu tuyên bố sẽ hủy bỏ tiếng Quảng trên các làn sóng.

Kết quả là hàng trăm người đã đổ ra đường phản đối và trước thái độ phản kháng này, dự án nói trên đã bị hủy bỏ. Một người phát ngôn của đài truyền hình Quảng Châu cam đoan rằng không có kế hoạch cho một thay đổi tương tự trong tương lai.

Tuy nhiên, bất chấp các thông tin từ báo chí, các ngờ vực của người nói tiếng Quảng vẫn còn nguyên.

Anh Huang Yankun, một học sinh Quảng Châu 17 tuổi, cho biết ý kiến : “Tôi phản đối hoàn toàn việc các chương trình truyền hình được chuyển sang tiếng Quan thoại. Thật xấu xa khi tấn công vào ngôn ngữ của chúng tôi… Ở đây, nói tiếng Quảng là một truyền thống”.

Nhìn lại lịch sử, việc sử dụng tiếng Quảng Đông đã “bị yếu đi một cách không tưởng tượng được”, kể từ năm 1949, sau khi lực lượng cộng sản lên nắm quyền, nhà hán học Victor Mair, đại học Pennsylvania ghi nhận.

Tại vùng lãnh thổ Hồng Kông kế bên, thuộc địa của Anh Quốc cho đến năm 1997, và nay trở thành một khu vực tự trị của Trung Quốc, tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ chính, và tiếp tục nở rộ mà không gặp trở ngại.

Nhà hán học Mair nhận định : “Nếu như không có Hồng Kông (và sức mạnh lan tỏa của đô thị này), thì tiếng Quảng Đông đã nhanh chóng ngừng tồn tại như một ngôn ngữ có vị thế”.

Theo nhà nghiên cứu đại học Mỹ, việc Bắc Kinh cổ vũ cho “tiếng phổ thông”, ngay từ đầu, nhằm thống nhất dất nước, về mặt ngôn ngữ, nhưng mặt khác, chế độ cộng sản Trung Quốc cũng có ý đồ dùng miền Bắc, với tiếng Quan thoại, để thống trị miền Nam, với nhiều ngôn ngữ địa phương như tiếng Quảng, tiếng Thượng Hải hay tiếng Hẹ (tiếng Khách gia hay Hakka)...

Sự phong phú và nhạc tính của một tiếng nói 10 thế kỷ

Theo các nhà quan sát, hiện tại tình hình ngôn ngữ tại miền nam Trung Quốc, cụ thể là ở Quảng Đông, càng trở nên phức tạp hơn, với các làn sóng nhập cư vào Quảng Đông từ ba thập niên nay. Điều này dẫn đến thực tế là nhiều dân cư địa phương không hiểu được ngôn ngữ địa phương chính thức mà đài truyền hình sử dụng.

Bà Yang, 58 tuổi, một người Quảng Châu, gốc Sơn Đông, cho biết bà rất tiếc vì không theo dõi được các chương trình truyền hình địa phương, do không hiểu tiếng.

Bà Zhang Yiyi, 72 tuổi, làm nghề giáo, gốc ở Nam Kinh, phía bắc Thượng Hải, sống tại Quảng Châu từ năm năm 1988, thì cho rằng “ngôn ngữ của giảng dạy phải là tiếng Quan thoại. Quảng Đông chỉ là một ngôn ngữ khu vực”.

Ngược lại, những người bảo vệ tiếng Quảng Đông nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt và giá trị văn hóa của tiếng Quảng : “Tiếng này phong phú về thanh điệu, âm vang” hơn là tiếng Quan thoại, với “một khối từ vựng phong phú và nhiều màu sắc hơn”, như nhà hoạt động xuất bản Lao Zhenyu, người rất nhiệt huyết trong việc bảo vệ tiếng Quảng.

Cũng nhà hoạt động này nhận xét : “Tiếng Quan thoại chỉ mới hình thành cách nay khoảng 100 năm, trong khi tiếng Quảng Đông đã có 1.000 năm lịch sử. Hiện nay, khi chúng ta đọc các bài thơ cổ bằng tiếng Quảng, chúng vẫn vang lên theo vần điệu".


Switch mode views: