Chính phủ Pháp đối phó với nạn bài Do Thái
- Thứ Ba, 19 tháng Hai năm 2019 21:46
- Tác Giả: Thanh Phương
Một khu nghĩa trang của người Do Thái tại Strasbourg, Pháp bị bôi bẩn ngày 19/02/2019.
Fuente: Reuters.
Việc nhiều thành viên chính phủ và đại diện nhiều chính đảng tại Pháp hôm nay tham gia các cuộc tập hợp chống các hành vi bài Do Thái cho thấy tệ nạn này đang gia tăng một cách đáng ngại, khiến chính phủ Pháp phải tìm cách ngăn chận.
Theo số liệu thống kê do chính phủ vừa công bố, trong năm 2018 đã xảy ra 541 hành vi bài Do Thái, tăng đến 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy con số này thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm của những năm 2014 (851) và năm 2004 (974), nhưng nó cho thấy là nạn bài Do Thái lại đang gia tăng đáng kể tại Pháp trong bối cảnh bất mãn xã hội đang dâng cao, thể hiện qua phong trào Áo Vàng.
Chính là bên lề một cuộc biểu tình tại Paris hôm thứ Bảy tuần trước mà nhà triết học gốc Ba Lan và cũng là viện sĩ Viện Hàn Lâm Alain Finkielkraut đã bị nhiều người, trong đó có một số người Áo Vàng, chửi rủa thậm tệ, với thái độ thù hằn và những lời lẽ như « Cút đi, tên sioniste bẩn thỉu như cứt », đến mức cảnh sát phải lao đến bảo vệ cho ông.
Toàn bộ chính giới Pháp, trong đó có tổng thống Emmanuel Macron, đã đồng loạt lên án vụ việc trên.
Viện Công tố Paris hôm Chủ nhật thông báo mở điều tra về tội chửi rủa một người trước công chúng do nguồn gốc, sắc tộc hay tôn giáo của người đó.
Vào cuối tuần qua, nhiều vụ phá hoại mang tính bài Do Thái cũng đã xảy ra.
Nhiều bức chân dung cố bộ trưởng Y Tế gốc Do Thái Simone Veil bị vẽ trên đó những chữ thập ngoặc, biểu hiện của Đức Quốc Xã.
Cây trồng tưởng niệm Ilan Halimi, thanh niên đã bị bắt cóc và tra tấn đến chết vào năm 2006 chỉ vì anh là người Do Thái, thì bị cưa đứt.
Ấy là chưa kể nhiều dòng chữ mang nội dung bài Do Thái được vẻ trên nhiều bức tường ở Paris.
Ngay từ năm ngoái, tổng thống Macron đã thông báo chính phủ sẽ gia tăng chống thù hận sắc tộc và bài Do Thái trên mạng Internet, với một dự luật buộc các công ty Internet trong thời hạn ngắn nhất phải gỡ bỏ những nội dung mang tính thù hận.
Dự luật này theo dự kiến sẽ được trình Quốc Hội trước mùa hè năm nay.
Tuy nhiên, sau vụ xảy ra với nhà triết học Finkielkraut, đại diện các tổ chức Do Thái đòi tổng thống Macron có những hành động cụ thể hơn để ngăn chận những hành vi bài Do Thái.
Họ yêu cầu phải có một kế hoạch riêng để chống nạn bài Do Thái, với những xử phạt mạnh hơn, về mặt hình sự, để trừng trị những hành vi và lời lẽ hận thù đối với người Do Thái.
Một số dân biểu Quốc Hội Pháp cũng đã đề nghị hình sự hóa hành vi bài Do Thái, tuy nhiên nhiều thành viên chính phủ đã bày tỏ dè dặt về đề nghị này, vì họ chủ trương là phải dựa nhiều hơn vào giáo dục, vào thảo luận để dần dần xóa tan những tư tưởng hận thù sắc tộc, bài Do Thái.
Thật ra đối với những nhà trí thức được hãng tin AFP trích dẫn hôm 13/02 vừa qua, sự gia tăng trở lại các hành vi, các biểu hiện bài Do Thái là không có gì đáng ngạc nhiên.
Theo nhà văn và nhà triết học Pascal Bruckner, hiện đang có sự hội tụ giữa ba dòng tư tưởng thù hận : Hồi giáo cực đoan, cực hữu và cực tả chống Israel.
Ông Bruckner cũng ghi nhận một đặc điểm của Pháp là quốc gia có cả hai cộng đồng Hồi Giáo và Do Thái đông nhất châu Âu.
Theo nhà văn này, trong nữa sau thế kỷ 20, tư tưởng bài Do Thái đã được thể hiện một cách tương đối kín đáo, vì châu Âu vừa trải qua thời kỳ lò thiêu của Đức Quốc Xã, nhưng từ đầu thập niên 2000, đây không còn là điều cấm kỵ nữa và nó đã được thể hiện công khai hơn kể từ cuộc chiến tranh ném đá intifada lần thứ hai vào năm 2002.
Và bây giờ, khi nước Pháp lâm vào khủng hoảng thì người ta thường quy trách nhiệm vào một nhóm nào đó, mà đầu tiên là người Do Thái.
Hơn nữa, nhiều người dân Pháp vẫn xem người Do Thái là thành phần nắm nhiều quyền lực và tiền của, chi phối mọi mặt đời sống ở Pháp.
Đối với nhà văn Emilie Frèche, đã 15 năm rồi, mọi người chỉ biết lên án, nay đã đến lúc chính quyền phải có hành động khẩn cấp và nước Pháp phải quay trở lại với chủ nghĩa đại đồng, thông qua việc tăng cường giáo dục và văn hóa.
Tin mới
- Bắc Triều Tiên kêu gọi Liên Hiệp Quốc khẩn cấp cứu đói - 23/02/2019 06:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-2-20198 - 22/02/2019 20:23
- Biểu tình : Thói quen "ngấm vào máu" của người Pháp - 22/02/2019 17:06
- Brexit đẩy nước Anh rơi vào tay Trung Quốc nhanh hơn - 21/02/2019 20:00
- Điện thoại thông minh : Samsung bỏ xa các đối thủ - 21/02/2019 14:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-2-20198 - 20/02/2019 21:29
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-2-2019 - 20/02/2019 21:12
- Chỉnh sửa gien trên phôi thai: Tiến bộ hay hiểm họa ? - 20/02/2019 20:30
- Nhà sáng lập Hoa Vi : Thế giới "không thể thiếu chúng tôi" - 19/02/2019 22:19
- Chính giới Pháp tham gia biểu tình chống bài Do Thái - 19/02/2019 21:57
Các tin khác
- Venezuela, một nền kinh tế tan hoang - 19/02/2019 20:11
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-2-20198 - 19/02/2019 17:10
- Không gian nào cho tham vọng địa chính trị của Việt Nam ở Biển Đông? - 18/02/2019 20:08
- Ấn Độ hạ sát 2 kẻ chủ mưu vụ khủng bố đẫm máu ở Cachemire - 18/02/2019 19:36
- Úc tố cáo « một tác nhân Nhà nước » tấn công tin học Nghị Viện - 18/02/2019 19:17
- Thượng đỉnh Mỹ-Triều : Thế nào là thành công của Donald Trump ? - 18/02/2019 17:07
- Tổng thống Mỹ ban bố tình trạng “khẩn cấp quốc gia” để xây tường biên giới - 16/02/2019 15:57
- Venezuela đã biến những tờ giấy bạc vô dụng thành vàng như thế nào ? - 15/02/2019 23:14
- Cachemire: Khủng bố Pakistan tấn công lính Ấn Độ, Modi dọa trả đũa - 15/02/2019 22:47
- Pháp: Báo động về chăm sóc người rối loạn tâm lý, tâm thần - 15/02/2019 20:09