Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tại sao Nga bắt giữ tầu chiến và thủy thủ Ukraina ở biển Azov?

ukraine-crisis-russia 3

Chiến đấu cơ của Nga bay phía trên cây cầu nối Nga và Crimée, bên dưới là tầu chở hàng nằm chắn ngang sau khi ba tầu chiến Ukraina bị bắt ở eo biển Kerch Strait, ngày 25/11/2018.REUTERS/Pavel Rebrov

Tại sao Nga bắt giữ tầu chiến và thủy thủ của Ukraina ở biển Azov ?

Hồ sơ "Brexit" chia rẽ chính trường, xã hội Anh Quốc;
 Phong trào Áo Vàng: Hình thức phản kháng mới của người dân Pháp;
Giới trí thức trong và ngoài nước phản đối Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam kỷ luật giáo sư Chu Hảo;
Châu Á-Thái Bình Dương dậy sóng vì Mỹ-Trung.
Trên đây là một số sự kiện nổi bật trong tháng 11/2018.

Căng thẳng giữa Matxcơva và Kiev đột ngột gia tăng từ Chủ Nhật 26/11/2018 khi Hải Quân Nga bám đuổi, nổ súng và bắt giữ ba tầu chiến của Ukraina cùng với thủy thủ đoàn với cáo buộc các tầu của Ukraina xâm phạm lãnh hải của Nga.
Trong số 23 thủy thủ Ukraina bị bắt, có ba người bị thương.

Tại sao căng thẳng giữa Nga và Ukraina lại nhanh chóng bùng lên chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ ?
Theo thông tín viên tại Kiev, Gulliver Cragg, của đài truyền hình France 24, nguyên nhân sâu xa là vì biển Azov là một vùng chiến lược và cây cầu Crimée mới xây, dài 19 km, bắc qua eo biển Kertch, gây nhiều tranh cãi :

« Trước tiên, cần nhắc lại là cả Nga và Ukraina cùng chia sẻ vùng biển Azov và có quyền bình đẳng trong vùng biển này.
 Nhưng vào tháng 05/2018, Nga đã khánh thành một cây cầu nối liền lãnh thổ Nga với bán đảo Crimée mà Nga sáp nhập năm 2014.
 Cây cầu này bắc ngang eo biển Kertch, đây là cửa ngõ dẫn vào biển Azov từ Hắc Hải.

Viện cớ bảo vệ cây cầu, đội tầu của tình báo Nga kiểm soát triệt để tất cả tầu bè qua lại dưới cây cầu.
Nhưng đó lại chủ yếu là tầu bè chở hàng xuất khẩu của Ukraina xuất phát từ cảng Mariupol.
Những cuộc kiểm tra này có thể kéo dài đến 36 tiếng, khiến các nhà xuất khẩu khó chịu.
 Do vậy, với Ukraina, đây là một vấn đề nghiêm trọng.

Thêm vào đó, còn phải nói đến sự hiện diện được tăng cường từ vài tháng nay của Hải Quân Nga ở biển Azov.
Phía Ukraina chỉ có vài tầu tuần duyên. Vì muốn cân bằng một chút tình thế, Ukraina muốn đưa vài tầu chiến của Hải Quân neo đậu trong biển Azov.
Nhưng theo bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, khi những con tầu này đến biển Azov vào ngày 25/11/2018, họ nhìn thấy lối đi ở dưới cầu bị một con tầu lớn và dài của Nga nằm chắn ngang.
 Vì thế, họ cố tìm cách để mở đường và chính từ lúc đó, họ bị tấn công và đuổi bắn.
 Hiện có 3 thủy thủ Ukraina bị thương và 23 người bị bắt ».

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định lực lượng tuần duyên Nga chỉ làm nhiệm vụ của mình.
Tổng thống Ukraina Petro Porochenko tố cáo nguyên thủ Nga muốn thôn tính toàn bộ nước Ukraina, đặc biệt sau khi Matxcơva thông báo hôm 28/11/2018 là sẽ triển khai tên lửa phòng không S-400 tại bán đảo Crimée, sau chưa đầy 5 năm sáp nhập bán đảo của Ukraina.

« Brexit » chia rẽ chính trường, xã hội Anh Quốc

Ngày 25/11/2018, Anh Quốc và 27 thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu chính thức ký thỏa thuận ly hôn trong êm thắm.
 Tuy nhiên, thỏa thuận « Brexit mềm » của thủ tướng Theresa May bị cả phe ủng hộ Brexit lẫn chống Brexit phản đối.

Bước khó khăn tiếp theo là đưa thỏa thuận đã được ký với Bruxelles ra phê chuẩn ở Nghị Viện Anh vào tháng 12.
Nhiệm vụ này được đánh giá vô cùng tế nhị và khó khăn đối với thủ tướng Anh.

Trả lời kênh truyền hình TV5 Monde (25/11/2018), phóng viên Jon Henley, thông tín viên của nhật báo Anh The Guardian, phân tích :
"Hiện tại rất khó đoán được thỏa thuận này sẽ được thảo luận ở Nghị Viện Anh như thế nào, có thể thỏa thuận sẽ nhận được khoảng 30-35% phiếu ở Hạ Viện.

Công Đảng, đảng đối lập, chắc chắn sẽ bỏ phiếu chống. Đảng Dân Chủ Thống nhất Bắc Ailen cũng sẽ bỏ phiếu chống, các nghị sĩ thuộc đảng Dân Tộc Scotland, ủng hộ độ lập, cũng sẽ bỏ phiếu chống.
 Và ngay trong nội bộ đảng của thủ tướng Theresa May, khoảng 80-90 nghị sĩ bảo thủ đã thề là sẽ bỏ phiếu chống thỏa thuận".

Nhìn từ nước Anh, không bên nào hài lòng về thỏa thuận được Luân Đôn và Bruxelles đúc kết.
Phía phản đối Brexit cho rằng thỏa thuận này còn tệ hơn cả việc ở lại Liên Hiệp Châu Âu.
 Phía những người bỏ phiếu để Anh Quốc rời khỏi Liên Âu thấy rằng thỏa thuận này không thỏa mãn bất kỳ điều gì mà họ trông đợi.

Theo nhà báo Jon Henley, Brexit đã chia rẽ xã hội Anh :
"Anh Quốc bị chia rẽ sâu sắc. Thêm vào đó là cả tâm trạng mệt mỏi, kiệt sức, người dân chỉ mong chuyện này nhanh chóng kết thúc.
Đất nước bị chia rẽ, các đảng phái chính trị cũng vậy, thậm chí Brexit còn làm rất nhiều gia đình trở nên bất hòa. Đây thật sự là một chủ đề ám ảnh đất nước và gây ra những chia rẽ sâu sắc".

Tương lai Brexit chưa biết ra sao nếu thỏa thuận bị bác ở Nghị Viện Anh.
Tuy nhiên, khi đánh giá về vai trò của thủ tướng Anh trong quá trình đàm phán, phóng viên Jon Henley cho rằng bà Theresa May thể hiện đúng đắn nghĩa vụ của một người đứng đầu nội các, bà muốn đi tới cùng trong hồ sơ Brexit trong khi nhiều người từ chối trọng trách này.

Phong trào Áo Vàng: Hình thức phản kháng mới của người dân Pháp

Thời sự nước Pháp nổi bật với phong trào « Áo Vàng » (Gilets jaunes) phản đối tăng thuế xăng dầu.
Điểm đặc biệt là phong trào này hoàn toàn tự phát trong dân, không có người đứng đầu, không hưởng ứng theo bất kỳ lời kêu gọi của đảng phái hay nghiệp đoàn nào, được tổ chức trên khắp nước Pháp, sử dụng mạng xã hội làm phương tiện liên lạc, truyền thông.

Tại sao phong trào « Áo Vàng » thu hút được nhiều người như vậy ?
Trả lời đài truyền hình France 24 (19/11/2018), nhà chính trị học Benoît De Valicourt, cố vấn truyền thông của trang Observateur du Dimanche, phân tích :

"Tôi coi phong trào này là một phong trào dân chủ. Lần đầu tiên, gần như hầu hết dân chúng, cụ thể là 75% người dân ủng hộ phong trào « Áo Vàng », nói rằng « Hãy lắng nghe chúng tôi ! Hãy nghe những yêu cầu của chúng tôi ! ».

Nhưng đó không phải là những yêu sách vô bổ, mà liên quan trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người dân, như sức mua, các khoản thuế, giao thông…
 Những người này không biểu tình chỉ vì thích như vậy : họ biểu tình vào thứ Bẩy, chứ không phải vào một ngày làm việc trong tuần.

Và qua cuộc biểu tình này, người dân thể hiện sự chán nản. Họ chán về những lời hứa được đưa ra mà không được thực hiện.
 Trong đó có cả lời hứa chính phủ được thành lập với cách vận hành kiểu mới, loại bỏ những gì đã làm trì trệ đời sống chính trị Pháp, loại bỏ những gì không có hiệu quả. Ông Macron được bầu làm tổng thống vì những chính phủ trước đã không làm tròn chức năng của mình. Đáng tiếc là kiểu mới đôi khi lại tỏ ra gần như tệ hơn cả kiểu cũ ».

Sau lần đầu tiên « tiến về Paris » hôm 24/11, trên mạng xã hội Facebook, những người « Áo Vàng » kêu gọi « chiếm Đại Lộ Champs-Elysées » lần hai vào thứ Bẩy 01/12 để tiếp tục « Màn 3 » đòi « Macron từ chức ».

Hơn 30.000 người khẳng định tham gia và khoảng 132.000 người « quan tâm ».
 Đại Lộ Champs-Elysées cấm xe cộ và chỉ dành cho người đi bộ. Tất cả những người vào khu vực này đều bị khám soát.
Nhiều cửa hàng trên đại lộ đẹp nhất thế giới có thể không mở cửa đón khách do lo sợ bị đập phá, hôi của, như từng xảy ra hôm 24/11.

Việt Nam: Trí thức trong và ngoài nước phản đối kỷ luật giáo sư Chu Hảo

Thời sự Việt Nam nổi bật với sự kiện giáo sư Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam kỷ luật ngày 26/10 vì đã để Nhà Xuất Bản Tri Thức phát hành một số cuốn sách « có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ».

Ông Chu Hảo không chấp nhậnquyết định trên và tuyên bố « tự nguyện » từ bỏ đảng Cộng Sản Việt Nam.
Một số đảng viên kỳ cựu, trong đó đặc biệt có nhà văn Nguyên Ngọc, cũng đã ra tuyên bố từ bỏ đảng để ủng hộ giáo sư Chu Hảo.

Sau bức thư ngỏ ngày 27/10 của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS để phản đối quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngày 11/11, đến lượt gần 100 giáo sư, tiến sĩ và nhà nghiên cứu về Việt Nam từ nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng « bày tỏ quan ngại » về các cáo buộc « vô căn cứ và đáng lo ngại » đối với giáo sư Chu Hảo.

Trả lời RFI tiếng Việt ngày 24/11, ông Nguyễn Quang A, một chuyên gia độc lập trong nước, đánh giá về sự kiện này :
« Với việc siết chặt kỷ luật trong nội bộ này, người ta hy vọng sẽ có được sự thống nhất của đảng.
 Tôi không muốn bình luận gì, vì đây là chuyện nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nhưng với tư cách của một người đứng ngoài nhìn vào, tôi thấy rằng chỉ khi một tổ chức bị rệu rã hết sức trầm trọng người ta mới phải dùng đến một biện pháp như thế. Những biện pháp như thế là quay trở lại với thời khủng bố tư tưởng, như thời Stalin. Nó báo hiệu một con đường vô cùng bế tắc.

Bởi vì một tổ chức không để cho các tiếng nói khác nhau, nhất là các tranh luận về khoa học, được phát triển, mà bắt người ta phải im miệng hết, thì đó là đi đến con đường bế tắc mất rồi ! »

Châu Á-Thái Bình Dương dậy sóng vì Mỹ-Trung

Thái Bình Dương, khu vực có đến 60% dân số toàn cầu sinh sống, đang trở thành một mặt trận mới với nhiều căng thẳng cùng lúc.

Thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Papua New Guinea (17-18/11), lần đầu tiên không ra được thông cáo chung là một bằng chứng cho thấy căng thẳng trong khu vực này.

Theo nhà phân tích Nicolas Baverez, trên nhật báo Le Figaro (26/11/2018), âm hưởng của một cuộc chiến tranh lạnh mới, trên mọi mặt, giữa Mỹ và Trung Quốc được thấy rõ qua cuộc đối đầu giành thế thượng phong trong việc kiểm soát vùng Thái Bình Dương, cụ thể là qua các hồ sơ thương mại, quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, duy trì sự độc lập của Đài Loan và chiến lược xuất khẩu mô hình chuyên chế chính trị và chủ nghĩa tư bản Nhà nước của Trung Quốc sang các nước Pakistan, Sri Lanka, Lào, Cam Bốt, Miến Điện và Thái Lan.

Trước sự trỗi dậy của một thế giới đa cực, hệ thống quốc tế dần thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây, chính tại châu Á đang hình thành sự kháng cự trước đà bành trướng của Trung Quốc, từ giờ, đáng sợ hơn là đáng mơ.

 Nhưng điều này cũng dẫn đến việc đầu từ ồ ạt vào quốc phòng để đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
 Chi phí cho cuộc chạy đua vũ trang của Châu Á-Thái Bình Dương sẽ vượt qua tổng chi phí Mỹ dành cho quốc phòng năm 2029.

Switch mode views: