Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Doanh nghiệp Pháp, nạn nhân của tình báo Hoa Kỳ

france-tech-robots

Robot InMoov của Pháp tại hội chợ công nghệ cao VivaTech Paris, ngày 25/05/2018REUTERS / Charles Platiau

Trong lĩnh vực kinh tế, Pháp và Mỹ là những đồng minh của nhau ? Đi tiên phong trong các lĩnh vực công nghệ cao, hiện diện trong nhiều lĩnh vực chiến lược, nhiều doanh nghiệp Pháp đặc biệt bị tình báo Mỹ theo dõi.

Đánh cắp thông tin là một trong những công cụ trong tay Washington để triệt hạ những tập đoàn có thể đe dọa các công ty Hoa Kỳ.

Cơ quan phản gián Pháp DGSI trong báo cáo 6 trang gửi lên chính phủ hồi tháng 4/2018 báo động về những công cụ và phương pháp cho phép Washington "can thiệp vào hoạt động kinh tế" của các nước khác.

Báo Le Figaro số ra ngày 14/11/2018 trình bày chi tiết bản báo cáo nói trên trong một hồ sơ lớn.
Báo cáo của cơ quan phản gián Pháp DGSI gồm những gì ? Vì sao một tài liệu mật lại được phơi bày ra ánh sáng vào thời điểm này ?

Pháp và Mỹ là những đồng minh truyền thống, từng sát cánh với nhau trên mọi mặt trận như tổng thống Macron từng tuyên bố nhân lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I hôm 18/11/2018.
Nhưng căn cứ vào báo cáo của cơ quan phản gián Pháp, trên mặt trận kinh tế, hai quốc gia này không xem nhau là bạn.

Trả lời báo Le Figaro, một quan chức cao cấp thuộc bộ Nội Vụ Pháp xin giấu tên nhận định :
"Mỹ hợp tác rất chặt chẽ với Pháp và những nước đồng minh trong các lĩnh vực chống khủng bố Hồi Giáo, chống các hoạt động gián điệp của Trung Quốc hay Nga. Nhưng đừng quên rằng 60 % nhiệm vụ của các cơ quan tình báo Mỹ là tập trung vào những thông tin mang tính chiến lược".

Một trong những mục tiêu Hoa Kỳ nhắm tới là "chặt ra thành từng mảnh những con chim đầu đàn của nền công nghiệp Pháp".

Để đạt được mục tiêu đó Washington có ít nhất là ba loại công cụ lợi hại : Một là công cụ pháp lý để kiện và trừng phạt những tập đoàn cạnh tranh trực tiếp với các hãng Mỹ. Hai là sức mạnh của đồng đô la để mua lại những công ty trong tầm ngắm của Hoa Kỳ và ba là tình báo công nghiệp.

Báo cáo của DGSI tập trung vào các hoạt động dọ thám của phía Mỹ nhắm vào các tập đoàn Pháp trong những lĩnh vực được cho là "có triển vọng trong tương lai, hay những ngành nghề mang tính chiến lược".
Đứng đầu trong số đó là "công nghệ hàng không, y tế và các hoạt động trong ngành nghiên cứu".

Vẫn theo cơ quan đặc trách về an ninh quốc nội của Pháp, mục tiêu của phía Hoa Kỳ rất rõ ràng : bảo vệ quyền lợi và thế thượng phong của các tập đoàn Mỹ.
Hoa Kỳ huy động từ các cơ quan nhà nước đến những văn phòng luật sư, từ những tổ hợp tư vấn cho đến các doanh nghiệp hay quỹ đầu tư tư nhân mà không quên đội ngũ những chuyên gia tin học trong bóng tối.

Dọ thám gần một cách công khai

Trên thực tế, việc Mỹ dùng đủ mọi phương tiện để theo dõi cả những nước bạn lẫn kẻ thù không là điều mới lạ. Washington từng lúng túng khi Berlin phát hiện tổng thống Barack Obama cho nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức, Angela Merkel.

Mọi người đều biết những hoạt động theo dõi lẫn nhau giữa hai bờ Đại Tây Dương không chỉ một chiều.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao một tài liệu mật của cơ quan phản gián Pháp lại được phơi bày ra công chúng ?

Thêm một sự trùng hợp nữa là một tháng trước đây, trong ấn bản ngày 22/10/2018, cũng báo Le Figaro tiết lộ một cách khá tận tường về các hoạt động của tình báo Trung Quốc nhắm vào các đối tượng Pháp.

Trả lời trên đài RFI, Olivier Marleix, dân biểu Quốc Hội đảng LR cánh hữu, cựu chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Công Nghiệp Pháp tại Hạ Viện nhận xét như sau :
Olivier Marleix :
Vấn đề được công khai hóa vào thời điểm này, nhưng từ trước tới nay ai cũng biết là tất cả những tập đoàn lớn của Pháp đều bị theo dõi và đặc biệt là những công ty trong các lĩnh vực chiến lược.
Những lĩnh vực chiến lược đó gồm : năng lượng, giao thông, y tế và viễn thông. Ngoài ra những ngành mà Pháp cạnh tranh trực tiếp với Mỹ cũng đều là mục tiêu tấn công".

Một thí dụ cụ thể : hai tập đoàn đang độc quyền trong ngành sản xuất máy bay là Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu từ lâu nay đã lao vào một cuộc đọ sức quyết liệt và đôi bên sử dụng mọi phương tiện để giữ từng tấc đất.

Báo cáo của cơ quan phản gián Pháp DGSI cho biết : Airbus đang trong tầm ngắm của Hoa Kỳ và đang bị dọa phải nộp phạt một khoản tiền khổng lồ vì lý do "tham nhũng", cạnh tranh bất bình đẳng, gây thiệt hại cho Boeing.
Trên cơ sở này, hãng sản xuất máy bay của châu Âu phải mở cửa cho một loạt các luật sư của Mỹ, đại diện cả cho chính quyền lẫn của hãng máy bay Boeing vào điều tra.

 Giáo sư Patrick Cansell, chuyên gia về các hoạt động của ngành tình báo công nghiệp, giảng dậy tại trường Chiến Tranh Kinh Tế -Ecole de Guerre Economique (EGE) Paris, nêu lên một cách cụ thể về những công cụ hợp pháp cho phép Hoa Kỳ triệt hạ các đối thủ trong lĩnh vực kinh tế và công nghiệp :

Patrick Cansell :
"Từ lâu Mỹ đã có cả một loạt các công cụ pháp lý và những công cụ đó luôn bám sát theo thời sự trong tất cả các lĩnh vực kinh tế mà có thể đe dọa đến quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ.

Khái niệm quyền lợi kinh tế của Mỹ được định nghĩa một cách rất rộng, bao hàm từ mảng công nghệ cao, kỹ thuật đến chủ quyền quốc gia.
Chính những công cụ pháp lý và nhân danh quyền lợi kinh tế, an ninh quốc gia đó cho phép Hoa Kỳ dọ thám tất cả các tập đoàn nước ngoài.

Qua đó Mỹ có thể thâu tóm được những thông tin để phục vụ cho các hãng của Mỹ, hay cũng có thể xem đấy là một phương tiện đề bắt chẹt quốc gia trong tầm ngắm của Washington khi cần phải đàm phán".

Nguyên chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Công Nghiệp Pháp, dân biểu Quốc Hội Olivier Marleix nhấn mạnh trên sự xuyên suốt trong tất cả các chính quyền Mỹ bất luận là bên đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa với mục đích bảo vệ quyền lợi cho các tập đoàn quốc gia.

Các hoạt động nhằm triệt hạ hay làm suy yếu các đối thủ tiềm tàng của doanh nhiệp Mỹ đều ít nhiều được chính quyền liên bang yểm trợ. Giáo sư Patrick Cansell, đi sâu hơn vào chi tiết :
Patrick Cansell :
 "Có thể nói là chính quyền Mỹ "điều khiển"các cuộc điều tra nhắm vào các tập đoàn ngoại quốc.

Ngành công nghiệp, dịch vụ hay công nghệ cao đều có thể là mục tiêu để bị theo dõi.
Khi mà phía Hoa Kỳ đòi kiện một hãng nào đó thì bắt buộc, bên bị kiện phải chứng minh là mình vô tội và có nghĩa là mở rộng cửa đón các nhà điều tra Mỹ, đón các văn phòng luật sư, các chuyên gia Mỹ... cho phép họ tìm hiểu cung cách làm ăn của mình ...

Một cách công khai, phía Hoa Kỳ có thể soi xét kỹ lưỡng những tài liệu của công ty bị điều tra, qua đó "hút" thông tin và dữ liệu cần biết ».

Tiền phạt bạc tỷ

Nói cách khác, phía Mỹ có phương tiện để công khai dọ thám những mục tiêu muốn nhắm tới.

Ngoài giải pháp rút tỉa thông tin mang tính sống còn đối với một tập đoàn, chính quyền Mỹ còn có một vũ khí lợi khác là áp đặt những khoản tiền phạt rất nặng, hàng triệu thậm chí là hàng tỷ đô la.
Mục tiêu nhằm đánh vào túi tiền và qua đó làm suy yếu hay thậm chí là khai tử đối phương.

 Chuyên gia về chiến tranh công nghiệp, giáo sư Patrick Cansell trường EGE Paris giải thích về mục tiêu mà phía Mỹ theo đuổi khi giáng những khoản tiền phạt đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác vào các tập đoàn nước ngoài :

Patrick Cansell :
 "Khó có thể thẩm định một cách chính xác là phía Mỹ được những gì từ các vụ phạt nghiêm trọng đó.
Chỉ biết rằng, Hoa Kỳ viện cớ đòi công lý, đòi đền bù thiệt hại.

Nhưng đằng sau những khoản tiền phạt khổng lồ lên tới nhiều tỷ đô la đó là mục tiêu đánh mạnh vào túi tiền của đối phương với chủ ý tiêu diệt một đối thủ tiềm tàng.
Trong vụ phạt ngân hàng Pháp BNP Paribas gần 9 tỷ đô la chẳng hạn, mục tiêu rõ ràng là tiêu diệt hay ít ra là làm suy yếu một địch thủ của các ngân hàng Mỹ.

Để rồi bước kế tiếp là ép ngân hàng Pháp phải hợp tác với ngân hàng Mỹ.
Trong nhiều trường hợp khác, nếu mà mục tiêu bị tấn công phá sản sau khi phải nộp phạt quá nặng, thì Mỹ sẽ tìm cách mua lại, và thâu tóm luôn công ty đó. Đây là cách để Hoa Kỳ loại các đối thủ kinh tế ».

Hoa Kỳ đã ít nhiều thành công khi sử dụng biện pháp này. Tư pháp Mỹ phạt ngân hàng Société Générale 1,3 tỷ đô la vì tội "vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào Cuba, Iran và Soudan" (dùng đô la trong các dịch vụ giao thương với những quốc gia này cho dù cả ba bị Mỹ trừng phạt).

Bốn năm trước, ngân hàng lớn nhất của Pháp và có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng của Mỹ là BNP Paribas từng hứng chịu 9 tỷ đô la tiền phạt trong một vụ án tương tự.
Dù vậy, cả hai ngân hàng Pháp này đều không bị điêu đứng vì những khoản tiền phạt bạc tỷ.

Nhưng trong quá khứ, nhiều hãng của Pháp không được may mắn bằng. Cựu chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Công Nghiệp Pháp tại Hạ Viện, Olivier Marleix nêu lên trường hợp của tập đoàn Alstom, năm 2014 bị phạt 800 triệu đô la.

Từ sau vụ xử này, con chim đầu đàn trong ngành năng lượng hạt nhân dân sự của Pháp đuối sức, phải bán lại toàn bộ các hoạt động năng lượng hạt nhân cho một hãng Mỹ là General Electric.

Trớ trêu thay là giờ đây các hoạt động bảo quản 54 nhà máy điện hạt nhân của Pháp trong tay công ty Mỹ này. Dân biểu Marleix lưu ý về vấn đề thuộc về "an ninh và chủ quyền quốc gia".

Tung tiền mua lại các công ty khởi nghiệp có nhiều triển vọng

Riêng đối với các công ty khởi nghiệp thuộc những lĩnh vực công nghệ cao được coi là "nắm giữ tương lai của nhân loại" thì Hoa Kỳ dùng đồng đô la làm vũ khí.
 Các quỹ đầu tư của Mỹ dùng tiền để mua lại những công ty con của Pháp đang cần một điểm tựa và cần phương tiện để phát triển.

Pháp là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới trong việc đăng ký bằng sáng chế nhưng lực bất tòng tâm, khả năng tài chính có hạn nên là "sân chơi tuyệt vời, là những con mồi lý tưởng của các quỹ đầu tư Mỹ".

Cegedim, một trong những "mũi nhọn" trong ngành quản lý dữ liệu y tế, của Pháp, năm 2015 đã bị IMS Health của Mỹ mua lại với giá "vài trăm triệu" và cho phép tập đoàn Mỹ trở thành công ty số 1 thế giới.
Chẳng vậy mà theo tiết lộ của hãng tin Mỹ Bloomberg, sau khi mua lại Cegedim, lương của chủ tịch tổng giám đốc IMS Health năm đó cao hơn so với lãnh đạo của hãng xe BMW đến 11 triệu đô la !

Cuối cùng, dự những hội chợ công nghệ mũi nhọn cũng là một rủi ro : cơ quan thuế vụ và hải quan Mỹ rất lợi hại khi khám xét hành lý của những người được mời đến các sự kiện trọng đại này !

Năm 2015 một lãnh đạo hãng AMA chuyên về điều trị bằng kính kết nối phát hiện hàng mang đến hội chợ Las Vegas đã bị hải quan Mỹ soi rọi, cho chạy thử trước khi hành lý được hoàn lại cho chủ.

Switch mode views: