Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Rafale trong ván cờ chiến lược khu vực của Ấn Độ

india-france-jets



Chiến đấu cơ Rafale bay biểu diễn trên căn cứ không quân Bengaluru, Ấn Độ ngày 18/02/2015.REUTERS/Abhishek N. Chinnappa/File Photo

Sau hai nước Ai cập, Qatar đến phiên Ấn Độ trang bị chiến đấu cơ đa năng của Pháp qua hợp đồng mua 36 chiếc Rafale trị giá gần 8 tỷ euro ký ngày 23/09 tại New Delhi.

Chiến đấu cơ của Pháp đánh bại các đối thủ Nga, Thụy Điển, Mỹ và Eurofighter, một tổ hợp của châu Âu.

 Vì sao Ấn Độ có nhu cầu trang bị Rafale ? đâu là mục tiêu chiến lược của New Delhi trong ván cờ khu vực ?

RFI tiếng Pháp đặt câu hỏi với chuyên gia Gilles Boquerat, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp
Quyết định trang bị máy bay của hãng Dassault đã được thủ tướng Narendra Modi thông báo trong chuyến viếng thăm nước Pháp hồi tháng 4/2015.

Trong dạ tiệc tại Điện Elysée, lãnh đạo Ấn Độ vinh danh « quan hệ trường cửu » giữa hai nước. Ngoài những tuyên bố ngoại giao, 36 chiến đấu cơ đa năng này sẽ được quân đội Ấn Độ sử dụng trong mục đích gì.

Có nên lo ngại, trong bối cảnh xung khắc trong quan hệ với Pakistan và tranh chấp biên giới với Trung Quốc, sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia có bom nguyên tử ?

Câu hỏi đầu tiên là tại sao không quân Ấn Độ chọn máy bay Pháp ?

Gilles Boquerat :

Đây là một vụ mua bán vũ khí có lợi cho Ấn Độ. Trang bị chiến đấu cơ Rafale của Pháp giúp cho New Delhi thoát ra khỏi phần nào tình trạng độc quyền của Nga, nguồn cung cấp máy bay gần như duy nhất cho không quân Ấn từ Sukhoi-30 cho đến Mig-21 cũ kỹ.

Thật ra, tập đoàn Dassault không phải là bạn hàng mới của Ấn Độ. Dassault đã vào thị trường Ấn Độ từ thập niên 1950, từng bán cho Ấn Độ máy bay oanh tạc phản lực Ouragan, tiếp theo là Mirage-4 và đến thập niên 1970 là chiến đấu cơ Mirage-2000.

 Phải nói thêm là Ấn Độ chỉ mua của Pháp máy bay chiến đấu tuy rằng hải quân Ấn có đặt mua 6 chiếc tầu ngầm Scorpène vào năm 2015.
 Phần lớn vũ khí quân đội Ấn Độ sử dụng là do Liên Xô và sau này là Nga cung cấp.

Vì sao bây giờ New Delhi muốn « thoát Nga » trong khi không quân Ấn Độ trang bị ít nhất 250 oanh tạc và chiến đấu cơ MIG và Sukhoi ?

Gilles Boquerat :

Ấn Độ có truyền thống mua máy bay chiến đấu của Liên Xô. Một phần vì hai nước là đồng minh chiến lược thời chiến tranh lạnh. Lý do khác là vũ khí của Nga bền chắc và rẻ hơn vũ khí tây phương.
Mua vũ khí của Liên Xô, Ấn Độ còn được hưởng các điều kiện tốt về tín dụng.

Nhưng sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, New Delhi tìm cách đa dạng hóa nguồn vũ khí. Đầu tiên là với Israel, sau đó là Hoa Kỳ.
Nhanh chóng, nước Mỹ trở thành nguồn cung cấp vũ khí số một cho Ấn Độ và bây giờ là Pháp với hợp đồng chiến đấu cơ Rafale.

Ấn Độ nhập cảng đến hai phần ba nhu cầu vũ khí cho dù ngay từ lúc độc lập, 1947, các chính phủ Ấn nỗ lực xây dựng một nền công nghệ vũ khí độc lập.
Nhưng Ấn Độ vì nhu cầu kinh tế tập trung phát triển công nghiệp nặng trước để sửa soạn cho công nghệ vũ khí trong tương lai. Nhưng vì xảy ra chuyện Liên Xô sụp đổ cho nên kế hoạch dài hạn của New Delhi bị chậm trễ

Theo nguồn tin quốc phòng, Không quân Ấn độ hiện có 30 phi đoàn phản lực, mỗi phi đoàn 18 máy bay không đủ bảo vệ lãnh thổ. Nhu cầu an ninh được thẩm định là phải cần 42 phi đoàn.
Chiến đấu cơ Rafale có thể mang tên lửa hạt nhân, với ba khả năng vừa trinh sát, vừa nghênh chiến và oanh tạc yểm trợ chiến thuật trên bộ, trên biển.
Rafale còn trang bị tên lửa có tầm hủy diệt máy bay đối phương ở độ cao 3000 mét và với khoảng cách 100 km.

Câu hỏi đặt ra là Ấn Độ sử dụng Rafale để làm gì ?

Gilles Boquerat :

Từ nhiều năm nay, Ấn Độ suy tính đến khả năng đối phó cùng lúc với hai cuộc chiến : Từ Pakistan và từ Trung Quốc. Mục đích này phải nói là cao vọng của Ấn Độ. Trang bị Rafale nhằm phục vụ quyết tâm này.

Với 250 chiếc Sukhoi-30 cộng thêm 36 chiếc Rafale tạo cho quân đội Ấn Độ một bước nhảy vọt so với Pakistan. Tuy nhiên, nói dễ làm khó.

Sau vụ lực lượng trấn đóng ở Cachemir mới đây bị khủng bố từ Pakistan tấn công, cho dù thủ tướng Narendra Modi tuyên bố « không thể không trừng phạt », cuối cùng không quân Ấn Độ vẫn án binh bất động…

Người ta còn nhớ sau vụ trụ sở Quốc hội Ấn độ bị tấn công vào năm 2001, New Delhi cũng tuyên bố trả đũa, huy động các đơn vị về biên giới nhưng phải mất đến nhiều tuần lễ.
 Sự chậm trễ này cho phép Pakistan dàn quân chống cự và cộng đồng quốc tế có thời giờ can thiệp làm giảm căng thẳng giữa hai nước.

Tuy không thực hiện được ý định đánh Pakistan để trả thù nhưng Ấn Độ thắng trên mặt trận ngoại giao, thuyết phục được cộng đồng quốc tế nhìn nhận Pakistan là nơi chứa chấp khủng bố quốc tế.

Quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới thường xuyên nói đến hai mối đe dọa : Một là từ Pakistan và hai là Trung Quốc.
Phải chăng đang có một cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng trong khu vực nhất là từ khi Bắc Kinh mở chiến dịch mở rộng ảnh hưởng đến các nước chung quanh Ấn Độ từ Pakistan, Bangladesh cho đến Sri-lanka ?

Gilles Boquerat :

Chúng ta có thể nói là Ấn Độ luôn chậm chân so với Trung Quốc. Không phải chỉ ở khu vực địa phương mà tình trạng này cũng thể hiện ở các nơi khác như ở châu Phi, ở Trung Mỹ, Đông Nam Á và gần đây là  Biển Đông.

Ấn Độ tìm cách phát triển quan hệ đối tác quân sự với Việt Nam. New Delhi càng ngày càng tiến xa vào vùng được gọi là « Ấn Độ Thái Bình Dương » từ Ấn Độ Dương bung rộng ra phía đông Ấn Độ Dương.

 Chính trong kế hoạch quân sự này mà New Delhi đặt mua sáu chiếc tàu ngầm Scorpène của Pháp và dự trù đóng thêm hàng không mẫu hạm.

Câu hỏi cuối cùng, liệu tham vọng cường quốc cúa Ấn Độ có phải là một mục tiêu chiến lược lâu dài và thực hiện bằng cách nào và sẽ đi đến đâu ?
Đâu là những trở ngại ?

Gilles Boquerat :

Từ trước đến nay, Ấn Độ chỉ tuyên bố cao vọng cường quốc của mình. Bây giờ nước này cần vũ khí đi kèm. Do vậy, mục tiêu của Ấn độ là làm sau có đủ thực lực viễn chinh, tham gia vào một mặt trận ngoài lãnh thổ.

Quyết tâm này không phải chỉ mới xuất phát từ thủ tướng Narendra Modi mà đã có từ nhiều đời thủ tướng trong suốt 30 năm qua.
 Từ thập niên 90 với những vụ thử hạt nhân đầu tiên đến nay, dù đảng Quốc Đại hay đảng Nhân Dân Ấn Độ BJP của thủ tướng Narendra Modi cầm quyền thì mục tiêu trước sau như một.

Từ thập niên 1980, báo chí Mỹ đã nói đến tham vọng của Ấn Độ phát triển hải quân thành một lực lượng hải thuyền có khả năng « vươn ra đại dương » chứ không chỉ quanh quẩn trong biển Ấn Độ.
Vấn đề là quốc gia này có đủ phương tiện hay không ?

Ấn Độ ý thức là nếu muốn có tiếng nói ngang tầm với 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An thì phải có bom nguyên tử.
Thế mà Pakistan cũng có vũ khí hạt nhân, do vậy, Islamabad trở thành cái gai đâm vào gót chân Ấn Độ.

Sau vụ căn cứ quân sự của Ấn Độ tại Cachemir bị tấn công cách nay mấy hôm giết chết 18 binh sĩ (18/09) thủ tướng Narendra Modi cam kết trừng phạt thủ phạm « khủng bố hèn hạ ».
 Cho dù Pakistan bị lên án là « quốc gia khủng bố », Ấn Độ không động binh.

Vào năm 2030, phân nửa số tầu ngầm quân sự trên thế giới tập trung trong tay các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Pakistan.

 New Delhi ý thức không thể sử dụng sức mạnh không quân và vũ khí nguyên tử để giải quyết tranh chấp biên giới với Pakistan, một đồng minh của Mỹ, và để cự với Trung Quốc một láng giềng có quân đội hùng mạnh hơn.

Trong bối cảnh Trung Quốc công khai mưu đồ chiếm lĩnh Biển Đông và hệ quả tất yếu là « nhốt » hải quân Ấn Độ trong Ấn Độ dương, New Delhi và Mỹ gia tăng hợp tác trên biển trong chính sách được gọi là « xoay trục » sang châu Á.

Chiến lược này phù hợp với chính sách « Hướng đông » của Ấn Độ và « Kim cương » của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất xây dựng trục bốn nước dân chủ trong vùng Châu Á Thái Bình dương là Mỹ, Nhật, Ấn, Úc.

Không phải là chuyện ngẫu nhiên mà vào tháng 4 năm nay, Canberra chọn Pháp để trang bị 12 tàu ngầm tối tân cho hải quân Úc.
 Chỉ 5 tháng trước khi Paris ký hợp đồng với New Delhi cung cấp 36 chiến đấu cơ đa năng cho không quân Ấn Độ.

Switch mode views: