Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hoà đàm Genève 2 : Damas chuyển bại thành thắng

SYRIA-CRISIS-BOMB

Đặc sứ Liên hiệp quốc nỗ lực thuyết phục Damas mở hành lang viện trợ thuốc men và thực phẩm - REUTERS /Amer Alfaj


« Là bước đầu khiêm tốn, nhưng đó là bước khởi đầu ». Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về tình hình Syria Lakhdar Brahimi nhận định như trên trong ngày cuối cùng trong đợt đàm phán giữa đối lập Syria và chính quyền Damas 31/01/2014.

 Sau ba năm nội chiến và 10 ngày thương lượng, hòa đàm Genève 2 không mang lại kết quả nào.

Hai bên sẽ gặp lại vào ngày 10/02 tới nếu chế độ al Assad đồng ý.

Theo đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi, đợt thương lượng đầu tiên không mang lại kết quả trông thấy.
Đối lập Syria và chính quyền Damas mỗi bên đều bám chặt vào lập trường dị biệt cố hữu mà dường như không cách nào thu ngắn khoảng cách lại được.

Tuy vậy, bằng lời lẽ ngoại giao, đặc sứ Liên Hiệp Quốc cho rằng ít ra hai bên Syria đã dỡ bỏ được một số chướng ngại trên con đường đàm phán tương lai.
Chẳng hạn như hai phái đoàn cùng « đồng ý » chấm dứt bạo lực đẫm máu, cùng lên án khủng bố và cùng công nhận quyền tự quyết dân tộc của người dân Syria.

Về tương lai đất nước, cũng theo lời đặc sứ Liên Hiệp Quốc, thì đối lập và phía chính quyền Syria đều nhấn mạnh đến nhu cầu thành lập một « chế độ chuyển tiếp » nhưng cả hai bất đồng trên phương án thực hiện giải pháp này.

Trung thành với phương pháp từng bước nhỏ, đặc sứ Lakhdar Brahimi tìm cách thuyết phục phái đoàn Damas cho phép đàn bà và trẻ con bị bao vây ở thành phố Alep di tản và mở một hành lang viện trợ thuốc men và thực phẩm cho nạn nhân chiến tranh.
Nỗ lực ngoại giao này được chế độ Damas đáp lại bằng một loạt bom lên thành phố Alep ngày 29/01/2014.

Vũ khí hóa học đã bị niêm phong đưa ra khỏi lãnh thổ, nhưng Bachar al Assad vẫn còn máy bay, trọng pháo, tên lửa do Nga cung cấp để chiếm thế thượng phong.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định « thế giới đang chứng kiến một thảm họa cho con người đang diễn ra hàng ngày ». Ông kêu gọi « chính quyền Syria phải tôn trọng các cam kết toàn diện với quốc tế ».

Còn theo nhận định của giáo sư Pháp Fabrice Balanche, chuyên gia tình hình Trung Đông, giám đốc nghiên cứu tại đại học Lyon thì hòa đàm Genève -2 không mang lại một tiến triển nào cụ thể.
Chính quyền Damas đưa ra một vài cử chỉ nào đó để chứng tỏ « thiện chí ».

Ngược lại, trong các vấn đề cốt lõi như ngưng bắn và chính quyền chuyển tiếp thì không có gì cả. Lý do là đối lập không thể « áp đặt một lệnh ngưng bắn » cho quân đội chính phủ. Đối lập cũng không thể gây sức ép với Bachar al Assad để buộc lãnh đạo Syria nhường chổ cho một chính phủ lâm thời.

Nếu có biến chuyển thì động lực không phát xuất từ bàn hội nghị mà từ cán cân lực lượng trên chiến trường hoặc trong hậu trường giữa các thế lực quốc tế Hoa Kỳ, Nga và Ả Rạp Xê Út.

Trong khi chờ đợi một tia sáng hòa bình, hơn 130 ngàn người Syria đã chết, 9 triệu người phải di tản, từ khi cuộc tranh đấu đòi dân chủ tự do cách nay ba năm bị đàn áp mạnh và biến thành nội chiến vì sự vô cảm hoặc thái độ do dự của cộng đồng quốc tế.

Để kết kuận, chuyên gia Fabrice Balanche cho rằng hòa đàm Genève-2 chỉ phục vụ lợi ích cho chính quyền Syria.

Genève là cơ hội tốt để chính quyền này tìm tư thế chính đáng. Cách nay một năm, có ai dám đánh cược là Damas được mời. Do vậy, chắc chắn là chế độ đương quyền sẽ trở lại bàn hội nghị vào ngày 10 tháng 2 này để củng cố chiến thắng chính trị.

Tuy nhiên, theo AFP, Genève 2 mang lại cho đối lập Syria một chiến thắng biểu tượng. Peter Volker, nhà phân tích chính trị quốc tế Đức cho là liên minh đối lập Syria đã chứng tỏ họ « có tổ chức và biết người biết ta ».


Switch mode views: