Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

50 năm bang giao: Pháp không còn là đối tác quan trọng của Trung Quốc

conf-50-fabius-zhai-merieux


Đại sứ Trung Quốc tại Paris Địch Tuyển (Zhai Jun), và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (@MAE)


Tám năm trước khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nước Pháp dưới thời Tổng thống de Gaulle đã đi trước một bước trong việc xích lại gần với Bắc Kinh.
Khác với thời điểm những năm 1960, Paris ngày nay không còn là « đối tác chiến lược » của Bắc Kinh.

Ngày 27/01/1964, Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, đặt tòa Đại sứ tại Bắc Kinh.

 Cử chỉ táo bạo này của chính quyền de Gaulle đã khiến Washington phẫn nộ. Báo giới thời ấy xem quyết định của Paris như « một cú sét đánh trên bầu trời ngoại giao ».

Marc Fosseux, Tổng Thư ký Quỹ Fondation Charles de Gaulle giải thích về ý nghĩa và tầm mức quan trọng của việc Paris công nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông như sau :

Như mọi quyết định trọng đại của tướng de Gaulle đều đã được suy tính, cân nhắc kỹ lưỡng. Những quyết định đó luôn luôn được đặt trong bối cảnh lịch sử và trong tương quan giữa con người. Tổng thống de Gaulle khi đó đã nêu ra những lý do khiến Pháp thiết lập bang giao với Trung Quốc.

Ở vào thời điểm năm 1964, chưa một quốc gia phương Tây nào công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa của Mao chính thức được sáng lập từ năm 1949.
 Hoa Kỳ cực lực phản đối thái độ của Paris. Phải đợi đến đầu những năm 1970, Mỹ và tiếp theo đó là một số các nước Tây phương khác mới đi theo con đường mà tướng de Gaulle đã vạch ra.

Trong khi đó dưới nhãn quan của tướng Charles de Gaulle, thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh là điều hiển nhiên.

Cộng đồng quốc tế không thể đóng cửa với một quốc gia mà khi đó đã có tới 700 triệu dân.
Vào thời điểm giữa thập niên 60, về phương diện kinh tế, Trung Quốc là một nước kém phát triển và còn rất khép kín với thế giới bên ngoài. Thế nhưng tướng de Gaulle đã nhìn thấy tiềm năng củaTrung Quốc.

Căn cứ vào chiều dày lịch sử, vào trọng lượng về dân số của quốc gia này, ông biết được rằng sớm muộn gì, Trung Quốc cũng sẽ trở thành một trong những quốc gia trọng yếu trong quan hệ quốc tế, một đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của thế giới.

Tướng de Gaulle khi đó đã trông thấy trước được viễn cảnh sự đối đầu Nga-Mỹ trong tương lai sẽ không còn nữa.

Đi trước thời gian, de Gaulle đã phác họa ra viễn cảnh một thế giới đa cực với sự vươn lên của nhiều cường quốc khác, đứng đầu trong số đó là Trung Quốc.

 Với Paris, Bắc Kinh đã có được một « đối tác chiến lược » quan trọng trên bàn cờ quốc tế.

Nhưng 50 năm sau, những mối quan hệ chiến lược chủ yếu được căn cứ trên hai tiêu chuẩn : tầm ảnh hưởng về chính trị và trọng lượng kinh tế của một quốc gia.

Trả lời trên đài Phát ngữ RFI, Valérie Niquet giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược đặc trách khu vục châu Á nhấn mạnh đến thay đổi quan trọng nhất trong tương quan giữa Pháp với Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua :

« Tại Bắc Kinh cũng như Paris, nhưng chủ yếu là Bắc Kinh, mọi người vẫn nhớ đến mối quan hệ đặc biệt giữa Pháp với Trung Quốc, đến tầm nhìn xa của tướng de Gaulle. Pháp khi đó dựa vào Trung Quốc để phác thảo ra một thế giới đa cực.

 Về mặt chiến lược, Paris không muốn quá lệ thuộc vào Washington. Ngày nay logique đó không còn tính thời sự.
Thế giới không còn bị chia đôi. Pháp không còn có nhu cầu tìm kiếm đối tác để làm đối trọng với Hoa Kỳ.

Về phần mình, trong mắt Trung Quốc, Pháp không còn có trọng lượng như ở vào những năm 1960. Tương quan giữa Pháp với Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều.

Trung Quốc ngày nay là nền kinh tế thứ nhì trên thế giới, trong lúc Pháp thì đang trên đà tuột dốc. Đành rằng cả Paris lẫn Bắc Kinh cùng nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của mối bang giao song phương, nhưng trên thực tế, đối tác chính của Trung Quốc vẫn là Hoa Kỳ.

Châu Âu không phải là ưu tiên số 1 của Bắc Kinh. Thậm chí trong khối Châu Âu, Pháp cũng không có được một vị trí quan trọng như là Đức. Hiện nay, Đức là đối tác thương mại Châu Âu số 1 của Trung Quốc.

Hơn nữa Trung Quốc hiểu rằng chính Bruxelles mới là nơi tâm trung nhiều quyền lực và do vậy Bắc Kinh quan tâm nhiều hơn đến quan hệ với toàn Liên Hiệp Châu Âu hơn là riêng với Pháp ».

Vậy nước Pháp cần làm những gì để lấy lại vị thế của mình trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc ?

Về điểm này chuyên gia về Châu Á, Valérie Niquet trả lời :

« Vấn đề đặt ra đối với Pháp là Paris, có lẽ từ thế kỷ thứ XVIII, đã luôn nhìn về Trung Quốc và thị trường của quốc gia này dưới lăng kính màu hồng.
Từ nhiều thập niên qua, mọi người đều nói tới một thị trường đầy hứa hẹn. Nhưng những hứa hẹn đó ít khi đem lại kết quả cụ thể.

Cán cân thương mại của Pháp với bạn hàng Trung Quốc luôn bị thâm hụt và đây là mối thâm thủng nặng nhất của Pháp.
Tình hình không có triển vọng được cải thiện trong tương lai gần. Nhập siêu của Pháp đối với Trung Quốc chủ yếu do trao đổi song phương chỉ dựa vào một vài tập đoàn lớn của Pháp, như trong ngành công nghệ hàng không, giao thông … Nhưng bên cạnh đó, các doanh nghiệp cỡ  vừa và nhỏ của Pháp vẫn chưa chen chân được vào thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó hàng của Đức lại dễ dàng thâm nhập vào thị trường rộng lớn này của châu Á. Theo tôi, đây thực sự là một vấn đề của riêng phía Pháp.

Trong khi đó về phía Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn chủ trương xuất khẩu ồ ạt sang các nước công nghiệp phát triển, đứng đầu là Liên Hiệp Châu Âu và Pháp.

Trên thực tế, rất khó mở được cánh cổng để vào Trung Quốc. Sẽ là một sai lầm khi quá tập trung vào thị trường này mà quên rằng tại châu Á còn có nhiều thị trường khác dễ làm ăn hơn, như là trường hợp của Việt Nam hay Ấn Độ.
Đây là những nơi mà tới nay, các doanh nghiệp của Pháp còn chưa hiện diện nhiều ».


Switch mode views: