Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cải tổ NSA : Châu Âu lạnh nhạt ghi nhận hứa hẹn của Obama

Viviane Reding


Bà Viviane Reding, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách hồ sơ tư pháp.
Reuters

Các nước Châu Âu đã hoan nghênh một cách xã giao những cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama hạn chế quyền hạn của Cơ quan An ninh Quốc gia – NSA.

Cơ quan tình báo này đã nghe lén nhiều lãnh đạo các nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Một loạt các câu hỏi đang chờ đợi Tổng thống Obama nhân Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Châu Âu, sẽ được tổ chức vào ngày 26/03/2014 tại Bruxelles.

Hôm thứ Sáu, 17/01, ngay sau khi nguyên thủ Mỹ thông báo việc cải tổ NSA và đưa ra các cam kết chấm dứt việc theo dõi lãnh đạo các nước đồng minh, thân hữu, bà Viviane Reding, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, phụ trách vấn đề pháp lý, đã bình luận :
 « Lòng tin đã bị lay chuyển… Cần phải làm việc nhiều hơn nữa để tái lập lòng tin ».

Quy mô việc nghe lén điện thoại, thu thập thông tin của NSA trong Liên Hiệp Châu Âu đã gây sốc mạnh, đặc biệt là tại Đức.

Vấn đề này đã bao trùm bầu không khí Hội nghị Thượng đỉnh Châu Âu, hồi tháng 10/2013. Khi đó, thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói thẳng là không thể chấp nhận được việc do thám giữa bạn bè, thân hữu.

Các lãnh đạo Châu Âu đã yêu cầu Tổng thống Obama ra lệnh chấm dứt các hoạt động nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu và đưa ra kỳ hạn là đến mùa hè 2014, Washington phải có những hành động cụ thể, đặc biệt là việc cải tổ NSA.

 Tuy nhiên, phát biểu của Tổng thống Obama hôm thứ Sáu không xua tan các lo ngại và việc nguyên thủ Hoa Kỳ không hề có một câu nào bày tỏ sự hối tiếc đã dội một gáo nước lạnh vào các nước Châu Âu.

Chính phủ Đức ghi nhận các hứa hẹn của ông Obama là không để cho tái diễn việc theo dõi, nghe lén trao đổi thông tin của các lãnh đạo Châu Âu và cho biết có ý định « phân tích rõ hơn » những cam kết này.

Một quan chức cao cấp Châu Âu tại Bruxelles nói với AFP : « Câu chuyện chưa kết thúc. Bài diễn văn thì hay, vì nó cho thấy Hoa Kỳ đã có chuyển biến trong chủ đề gây khó chịu ».
Vẫn theo quan chức này, ông Obama không thể đi vào chi tiết trong một bài diễn văn chính trị. Các hứa hẹn còn phải được làm rõ và thảo luận thông qua đối thoại song phương.

Một đối tượng khác mà Hoa Kỳ cần phải thuyết phục là các dân biểu Châu Âu.
 Rất chú trọng đến việc bảo vệ các dữ liệu, thông tin cá nhân của các công dân, các nghị sĩ Châu Âu đã tỏ thái độ phẫn nộ mạnh mẽ về những hoạt động của NSA.

Cần nhấn mạnh là nghị viện Châu Âu có quyền bác bỏ những hiệp định quốc tế, cụ thể là các thỏa thuận giữa Mỹ và Châu Âu, nếu các nghị sĩ cho rằng những văn bản này chưa thỏa đáng.

Sau bài diễn văn của Tổng thống Mỹ, nhiều nghị sĩ Châu Âu có phản ứng tiêu cực.

Hôm qua, 18/01, trên Twitter, ông Hannes Swoboda, Chủ tịch nhóm dân biểu các đảng Xã hội ở Châu Âu, tuyên bố : « Liên Hiệp Châu Âu không nên tin vào những lời hứa có thể rỗng tuếch của ông Obama về NSA, mà cần phải áp đặt những quy định riêng của mình ».

Theo đề xuất của bà Sophie in’t Veld, đại diện nhóm dân biểu bảo thủ, ngày 23/10/2013, với 280 phiếu thuận và 254 phiếu chống, nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết đình hoãn áp dụng thỏa thuận được ký kết giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ về việc theo dõi các nguồn tài chính của khủng bố, thường được gọi là hiệp định Swift - (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication).

Ngày 26/03 tới, Tổng thống Obama sẽ tham dự Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Châu Âu, tại Bruxelles.

 Chuyến đi này là dịp để nguyên thủ Mỹ đáp ứng các mong đợi của Châu Âu. Hai bên đang thương lượng về một hiệp định tự do trao đổi mậu dịch song phương, nhưng các chuẩn mực bảo vệ các dữ liệu và thông tin không nằm trong nội dung đàm phán.
 Chính vì thế, Liên Hiệp Châu Âu muốn củng cố các quy định riêng của mình và muốn nhanh chóng ký kết với Hoa Kỳ một hiệp định chung về việc bảo vệ các dữ liệu cho phép các công dân Châu Âu kiện chính quyền Mỹ trong trường hợp xẩy ra lạm dụng các thông tin cá nhân. Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Vivian Reding đang đàm phán về hiệp định này.

Một ví dụ cho thấy sự khó chịu cao độ của Châu Âu trước việc bị Mỹ do thám, nghe lén : Đầu tháng Giêng vừa qua, bà Reding đã công khai cảm ơn cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, mà Washington coi là kẻ phản bội.
 Theo bà, « nhờ có Snowden, mọi việc đã thay đổi và lần đầu tiên, chúng ta nhận thấy có một sự hiểu biết về đề nghị có đi có lại của chúng ta », hàm ý nói Hoa Kỳ buộc phải chấp nhận thương lượng với Châu Âu về vấn đề bảo vệ các dữ liệu.


Switch mode views: