Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thương mại Việt-Trung : càng gia tăng, càng mất cân đối ?

CatLinh-Hadong


Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội), do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc cấp vốn và tổng thầu, và một bộ phận của Viện Nghiên cứu Thiết kế Công trình Đường sắt Bắc Kinh giám sát xây dựng. (DR)


Bản tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhằm « phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời kỳ mới », được công bố ngày hôm qua trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, đã đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 60 tỷ đôla năm 2015.

Khi gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội hôm qua, thủ tướng  Lý Khắc Cường còn đi xa hơn khi tuyên bố là hai nước sẽ đạt mục tiêu nâng trao đổi mậu dịch lên mức 100 tỷ đôla vào năm 2017.

Những chỉ tiêu nói trên được đề ra trong bối cảnh mà trong trao đổi mậu dịch với Trung Quốc, Việt Nam bị thâm hụt thương mại ngày càng nặng nề.

 Từ 9 năm qua, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Trung đạt hơn 41 tỷ đôla, nhưng với cán cân nghiêng hẳn về phía Trung Quốc (Việt Nam phải nhập siêu tới hơn 16 tỷ đôla).

 Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2012, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất tới Việt Nam (với giá trị gần 29 tỷ đôla), nhưng chỉ là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (với hơn 12 tỷ đôla ).

Như vậy là trong vòng 10 năm, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng hàng chục lần mới, từ mức 210 triệu đôla năm 2001 lên đến hơn 16 tỷ đôla năm 2012.

Theo các số liệu do báo chí Trung Quốc đưa ra, chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt hơn 40 tỷ đôla, tức là đang có chiều hướng gia tăng, với nguy cơ là thâm hụt mậu dịch từ phía Việt Nam cũng tăng theo.

Trong bản tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc đưa ra ngày hôm qua, hai nước đã cam kết thi hành các biện pháp để « thúc đẩy cân bằng thương mại song phương ».

 Riêng phía Trung Quốc thì cam kết sẽ khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa có tính cạnh tranh của Việt Nam, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc mở rộng thị trường.

Nhưng những cam kết nói trên, cho dù có được thực hiện, chưa chắc là sẽ đủ để giảm bớt tình trạng mất cân đối trong trao đổi mậu dịch Việt-Trung, một khi mà những nguyên nhân của tình trạng này chưa được giải quyết.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng nhập siêu là do có đến 85% hàng nhập khẩu của Việt Nam là nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc.

 Các doanh nghiệp trong nước cũng thường có xu hướng chọn mua máy móc thiết bị của Trung Quốc, vì giá rẻ hơn.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục trúng thầu các công trình và dự án lớn, thường được thực hiện theo hình thức EPC, có nghĩa là các nhà thầu Trung Quốc làm trọn gói từ khâu thiết kế, mua sắm thiết bị đến xây dựng, còn các chủ đầu tư trong nước làm công đoạn cuối là vận hành và sử dụng, và dĩ nhiên là nhà thầu Trung Quốc nhập máy móc thiết bị từ nước họ.

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta như giày dép, dệt may... thì lại không thể xâm nhập được thị trường Trung Quốc, do họ cũng đang có lợi thế so sánh ở các mặt hàng này, cho nên Việt Nam chỉ có thể xuất sang các thị trường châu Âu hoặc Hoa Kỳ.

Tóm lại, viễn cảnh gia tăng kim ngạch thương mại với Trung Quốc là một thách thức lớn đối với Việt Nam, với nguy cơ là thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng và kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào láng giềng phương Bắc.


Switch mode views: