Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Xung đột tại Miến Điện : Uy tín của bà Aung San Suu Kyi bị thử thách

Aung-San-Suu-Kyi-Miendien

Aung San Suu Kyi, tại Quốc hội Miến Điện.
Reuters


Khi từ chối lên án các vụ bạo động nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo, bà Aung San Suu Kyi đã phần nào bị mất uy tín trong con mắt các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.
 Nhưng theo giới quan sát, chiến lược này sẽ giúp cho lãnh đạo đối lập Miến Điện có được sự ủng hộ của đa số cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2015.

Gần một tháng sau các vụ xung đột giữa những người theo Phật giáo và cộng đồng Hồi giáo, xảy ra ở miền trung Miến Điện, làm 43 người thiệt mạng, cựu tù chính trị, hiện là dân biểu Miến Điện, chỉ bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những người Hồi giáo, đối tượng chính phải hứng chịu nhiều vụ tấn công, bạo động, nhà cửa, đền thờ của họ bị phá hủy.

Nhân chuyến công du Nhật Bản trong tuần qua, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố là những người Hồi giáo cảm thấy buồn vì họ cảm thấy không phải là người dân của Miến Điện.

Thế nhưng, bà Aung San Suu Kyi, thuộc sắc tộc bamar chiếm đa số tại Miến Điện, đã không lên án một cách rõ ràng những vụ bạo lực nhắm vào người Hồi giáo, cũng như trước các phát biểu đầy hận thù của các phần tử Phật giáo cực đoan.

Năm ngoái, khi xảy ra các vụ xung đột giữa người Hồi giáo Rohingya và các Phật tử ở bang Rakhine, miền tây Miến Điện, làm 180 người chết, lãnh đạo đối lập chỉ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “Nhà nước pháp quyền”.

Thái độ của bà Aung San Suu Kyi đã làm cho các tổ chưc bảo vệ nhân quyền quốc tế không hài lòng.
Họ mong đợi giải Nobel Hòa bình có phản ứng mạnh mẽ hơn.

Ông Phil Robertson, thuộc tổ chức Human Rights Watch, được AFP trích dẫn, bình luận rằng bà Aung San Suu Kyi cần phải « đi xa hơn là bày tỏ nỗi buồn … Bà không chỉ là một lãnh đạo đối lập thông thường ».

Còn bà Chris Lewa, của tổ chức The Arakan Project tỏ ý thất vọng : « Bà Aung San Suu Kyi thường xuyên nói tới Nhà nước pháp quyền, như vậy thì chưa đủ ».

Khoảng 800 000 người Rohingya, mà Liên Hiệp Quốc coi là một trong những sắc tộc thiểu số bị áp bức nhiều nhất trên thế giới, hiện sống cô lập ở bang Rakhine và hàng chục nghìn người khác chạy tản cư tránh bạo động hồi năm ngoái, đang ở trong các trại tỵ nạn.

Ông Abu Tahay, đại diện của Đảng phát triển dân chủ quốc gia, nhấn mạnh, bà Aung San Suu Kyi « có nghĩa vụ phải tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này », bởi vì bà là « con gái tướng Aung San », vị anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, bà là « biểu tượng của nền dân chủ ».

Thế nhưng, giới quan sát cho rằng, nếu như ánh hào quang của bà Aung San Suu Kyi có bị phai mờ chút ít trong con mắt của một số tổ chức quốc tế, thì ngược lại, uy tín của giải Nobel Hòa bình vẫn rất lớn đối với đa số người dân Miến Điện.

 Họ không giấu diếm sự ghét bỏ đối với cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya và do vậy, bà Aung San Suu Kyi chắc chắn không công khai bênh vực sắc tộc này, để tiếp tục có được sự ủng hộ của người dân trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2015.

Chuyên gia Nicholas Farrelly, thuộc Đại học Quốc gia Úc, giải thích: « Bà Aung San Suu Kyi có nguy cơ mất đi sự ủng hộ của cộng đồng Phật giáo có thế lực … nếu như bà tỏ ra quá gần gũi với người Rohingya hoặc những người Hồi giáo khác ».

Theo ông Win Tin, thành viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, thì ngoài tính toán bầu cử, bà Aung San Suu Kyi cũng không muốn đổ thêm dầu vào lửa vào lúc đất nước đang trong quá trình chuyển đổi, cải cách, kể từ khi chế độ quân sự độc tài giải thể, tháng Ba năm 2011.

Ông Win Tin thừa nhận là uy tín của lãnh đạo đối lập có bị sứt mẻ, nhưng bà thận trọng xử lý các vấn đề, tránh gây ra những hậu quả vô ích, bởi vì tình hình chính trị hiện nay còn rất mong manh.

Trong cuộc bình bầu qua mạng internet do tạp chí Time của Mỹ thực hiện, bà Aung San Suu Kyi vẫn được lựa chọn là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong 10 năm qua.


Switch mode views: