Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cuba: Đảng Cộng sản vẫn bao trùm mọi lĩnh vực dù sửa đổi Hiến Pháp

cuba-assembly

Trong một nhà dân Cuba ở La Habana, ngày 21/07/2018.REUTERS

Quốc Hội Cuba ngày 22/07/2018 đã thông qua một dự thảo sửa đổi Hiến Pháp quan trọng, thừa nhận vai trò của kinh tế thị trường.

Nếu như Hiến Pháp mới từ bỏ khái niệm « xã hội cộng sản », vai trò chỉ đạo và thống trị nền kinh tế của đảng Cộng sản Cuba vẫn duy trì.

Phải chăng Cuba với việc thông qua sửa đổi Hiến Pháp sắp sang trang thời đại Castro?

Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp đã được toàn thể Quốc Hội thông qua nhưng còn phải được đưa ra trưng cầu dân ý.
Một điều mà đa số các chuyên gia đều nhìn nhận là với bản Hiến Pháp mới này, người dân Cuba hy vọng có được một luồng sinh khí mới.

Làn gió mới

Trong số 224 điều khoản, đã có 113 điều khoản được sửa đổi, 87 điều được thêm vào và 11 điều được bỏ đi.
Hiến Pháp mới thừa nhận vai trò của thị trường và sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, kể cả sở hữu tư nhân vốn dĩ bị cấm đoán trong bản Hiến Pháp 1976.

Đặc biệt về mặt chính trị Hiến Pháp mới đề xuất bỏ khái niệm hướng đến một « xã hội cộng sản » nhưng vẫn duy trì đặc tính xã hội chủ nghĩa của hệ thống chính trị Cuba.
Ông Stéphane Witkowski, chủ tịch Hội Đồng Định Hướng Chiến Lược thuộc Viện Nghiên Cứu Châu Mỹ Latinh, trả lời các câu hỏi của ban tiếng Pháp đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp RFI, lưu ý những điểm mới và những điểm không thể đảo ngược trong dự thảo sửa đổi Hiến Pháp.

« Cần phải nói rõ đó là những đề xuất và sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý để thông qua.
Có rất nhiều điểm mới trong Hiến Pháp hay đúng ra là trong các đề xuất để thảo luận : đó là vai trò của thị trường, các hình thức mới về sở hữu trong đó có sở hữu tư nhân, tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài, đồng thời, Hiến Pháp mới cũng tái khẳng định tính chất xã hội chủ nghĩa của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội Cuba.
Tính chất này không thể đảo ngược được.

Như vậy, đó là những sáng kiến cho phép lĩnh vực tư nhân tồn tại, chấp nhận những hình thức mới trong đó có quy chế chủ doanh nghiệp, mặt khác, Hiến Pháp khẳng định lại đặc tính xã hội chủ nghĩa không thể thay đổi của chế độ. »

Kinh tế sẽ là lĩnh vực có những thay đổi quan trọng nhất.
 Từ 10 năm qua, hình thức doanh nghiệp tự quản đã bắt đầu hình thành nhờ vào các chính sách cải cách dưới thời Raul Castro.

Thế nhưng, các hình thức kinh doanh này vẫn chưa được ghi nhận trong Hiến Pháp.
Như vậy, với việc thông qua dự thảo sửa đổi, Hiến Pháp mới sẽ có tác động ra sao đến đời sống thường nhật của người dân Cuba ?

« Dù sao cũng có hẳn một loạt các hoạt động được thể chế hóa, có một sự phát triển phôi thai lĩnh vực tư nhân, dưới dạng doanh nghiệp tự quản loại nhỏ.
Hiện có khoảng 600 ngàn người, tương đương 13% dân số đang làm ăn kinh doanh cho chính bản thân họ. Lĩnh vực này sẽ được duy trì.

Để có thể thấy được những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của người dân, cần phải đợi trong dài hạn, khi có những tác động của đạo luật mới về đầu tư nước ngoài được ban hành năm 2014.
 Đồng thời, mục tiêu của chính quyền là làm sao giảm mạnh sự phụ thuộc vào nông nghiệp và năng lượng.

Theo hướng này, tôi nghĩ rằng phần liên quan đến nông nghiệp, việc giao một phần lớn đất đai cho người dân để họ được hưởng hoa lợi, sẽ cho phép cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân Cuba. »

Kinh tế : Đảng vẫn độc quyền

Nếu như Hiến Pháp mới của Cuba thừa nhận đầu tư  nước ngoài là một thành phần của nền kinh tế, nhiều chuyên gia lấy làm tiếc rằng thái độ mập mờ của chính phủ đối với lĩnh vực tư nhân vẫn là một cản trở cho sự phát triển.
Họ e sợ một thị trường tự do đi liền với tham nhũng, bất bình đẳng và cạnh tranh bất lợi cho các công ty quốc doanh.  

Chính vì thái độ nghi kỵ này mà trong số những đường hướng cải cách chính,  hai nguyên tắc trụ cột của Fidel Castro vẫn được duy trì:
Độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản và Sự thống trị của Nhà nước trong nền kinh tế.
« Thực vậy, Đảng Cộng Sản Cuba –PCC, giữ vai trò chủ đạo, một dạng lực lượng lãnh đạo tối cao xã hội và Nhà nước Cuba.

 Trong lĩnh vực kinh tế, việc kế hoạch hóa do Đại Hội Đảng đề ra.
Đại hội tới sẽ được tổ chức vào năm 2021.
Raul Castro tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo Đảng đến năm 2021. Lúc đó, ông ta 90 tuổi và sẽ rời bỏ hẳn sân khấu chính trị Cuba. »

Tuần báo Anh, The Economist trong một bài viết đăng ngày 26/07/2018 nêu ra một số vấn đề trong cải cách kinh tế của Raul Castro.
 Do hệ thống ngân hàng kém phát triển, nên mọi giao dịch đều được thực hiện bằng tiền mặt, gây khó khăn cho việc thu thuế.

Chủ doanh nghiệp tư nhân không thể huy động vốn, chỉ còn cách tiếp cận nguồn ngoại hối của kiều bào.
Nhà nước độc quyền phân phối sản phẩm dẫn đến việc các cá nhân và doanh nghiệp phải cạnh tranh để mua một lượng hạn chế hàng hóa.
Điều đó cản trở các doanh nghiệp từ nhiều thành phần kinh tế tăng quy mô hoạt động và buộc họ tham gia vào thị trường chợ đen.

Chính trường Cuba : « Bình mới, rượu cũ »

Vấn đề là chừng nào Raul Castro và Jose Ramon (nhân vật số hai của đảng Cộng sản Cuba, người có quan điểm chủ nghĩa cộng sản triệt để) vẫn còn đó, thì phạm vi hoạt động hay thực thi các sáng kiến của vị tân chủ tịch Miguel Diaz-Canel chừng ấy vẫn sẽ còn rất hạn chế.

Tuy rằng Hiến Pháp mới có sự điều chỉnh trong cơ cấu điều hành chính phủ như có sự phân cấp và phân quyền, chuyển đổi mô hình từ chế độ tập trung quyền lực vào tay một cá nhân sang phân chia quyền lực, nhưng chiếc bóng của Castro vẫn bao phủ chính trường Cuba.

Raul Castro vẫn lãnh đạo đảng Cộng sản.

Hai phần ba đại biểu Quốc Hội là được bầu chọn dưới thời Castro, và hiện đang nắm giữa những vị trí chủ chốt trong chính phủ như bộ Quốc Phòng, Thương Mại, Ngoại giao.

Do vậy, thay vì được đưa ra các quyết định chiến lược, Diaz-Canel chỉ đảm trách giải quyết các việc thường nhật của chính phủ, theo như lưu ý của một cựu cố vấn chính phủ Cuba, hiện đang giảng dậy tại đại học Texas với hãng tin Reuters.

Dù vậy, chuyên gia Stéphane Witkowski vẫn cảm thấy lạc quan cho tình hình chính trị Cuba, do bởi đất nước Trung Mỹ này không có mô hình cha truyền con nối như tại Bắc Triều Tiên.
« Không có triều đại Castro. Miguel Diaz-Canel là một biểu tượng, thuộc thế hệ mới, lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Quả thực điều mới là Miguel Diaz-Canel được bầu làm chủ tịch nước hồi tháng Tư và sẽ đảm nhiệm chức vụ này cho đến năm 2023.
Đến lúc đó, ông ta có thể làm thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Đó là thế hệ mới, có một sự chuyển giao quyền lực giữa hai thế hệ và không còn có người thuộc gia đình Castro nắm giữ những chức vụ quan trọng cao cấp trong Nhà nước, trong Hội Đồng Nhà Nước, trong Đảng hoặc trong một lĩnh vực nào đó. »

Con đường đi tới tự do hoàn toàn cho người dân Cuba sẽ vẫn còn dài.

Trong trước mắt, sửa đổi Hiến Pháp, những bước đi dè dặt đầu tiên, ít nhiều cũng đã mang đến cho đất nước một chút hơi thở mới đầy hy vọng.
 Trong một cử chỉ mang tính biểu tượng, quốc hội Cuba thông qua dự luật về hôn nhân đồng tính.

Tuy chưa phải là một điều gì lớn lao, nhưng đó lại là một cuộc đấu tranh xã hội do chính con gái Raul Castro dẫn đầu từ nhiều năm qua.
Sự việc cho thấy đang dần có những thay đổi trong suy nghĩ của người dân đảo quốc Trung Mỹ này.
« Đó là một cuộc đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử, phân biệt bản sắc giới tính và thực ra, đó là cuộc đấu tranh của bà Mariela Castro, con gái Raul Castro.

Từ nhiều năm qua, bà đã tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho giới LGBT (lưỡng giới, đồng tính nam, đồng tính nữ và chuyển giới).
Đây cũng là một chủ đề được đem ra bỏ phiếu.

 Cho đến nay, đây không phải là suy nghĩ của đa số người dân trong xã hội Cuba, nhưng bà Mariela Castro đã đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng thiểu số này từ rất lâu.
Dường như đã có một sự thay đổi tâm lý mạnh mẽ tại Cuba và có thể đây là thời điểm để đưa điều khoản này vào trong Hiến Pháp. »

Switch mode views: