Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Benallagate : Quả bom chùm đe dọa thượng tầng Nhà nước Pháp

france-macron-aide

Alexandre Benalla (T) luôn có mặt bên cạnh tổng thống Macron. Ảnh ngày Quốc Khánh Pháp 14/07/2018.
Reuters

Men chiến thắng của đội tuyển bóng đá giành được chức vô địch thế giới chưa tan, nước Pháp đã bị cuốn vào một cơn lốc chính trị chạm đến thượng tầng nhà nước là phủ tổng thống :

Ngay sau tiết lộ của báo Le Monde ngày 18/07/2018 về vụ Alexandre Benalla, một « cận vệ » thân cận của tổng thống Pháp, đã đánh đập thô bạo một người biểu tình tại Paris nhân ngày lễ Lao Động 01/05, dư luận đã sôi sục hẳn lên

Hệ quả chính trị bất ngờ đầu tiên là Quốc Hội Pháp kể từ hôm 22/07 đã phải tạm hoãn khóa họp bàn về dự luật cải tổ Hiến Pháp, do thái độ bất hợp tác hoàn toàn của các dân biểu đối lập, liên tục lên diễn đàn đòi chất vấn chính phủ về vụ Benalla.

Vấn đề xô xát giữa nhân viên công lực và người biểu tình, hay việc người biểu tình bị lực lượng cảnh sát dùng võ lực giải tán không phải là một cảnh hiếm hoi, nhưng vụ Benalla đã làm dấy lên một làn sóng bất bình ngày càng mạnh vì tính chất bất thường của vụ việc :

Người cận vệ thân tín của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoàn toàn không có phận sự gì tại nơi diễn ra biểu tình, nhưng lại có đủ trang bị của một cảnh sát, từ mũ bảo hiểm, băng đeo tay, cho đến máy bộ đàm, và lại có hành vi thô bạo đối với người biểu tình hơn cả cảnh sát, mà không hề bị ai cản trở.

Đến khi vụ việc đến tai phủ tổng thống, biện pháp kỷ luật đối với tác giả vụ bạo hành lại bị cho là quả nhẹ, không tương xứng với lỗi mà anh đã phạm phải.
Điều này làm dấy lên suy nghĩ là phủ tổng thống Pháp tìm cách bao che cho người thân cận của ông Macron.

Tâm lý bất bình càng lúc càng tăng trong bối cảnh điện Élysée – tức là phủ tổng thống Pháp – khá im hơi lặng tiếng, đặc biệt là tổng thống Macron.
Phải chờ đến tối chủ nhật 22/07, thì giới thân cận của ông Macron mới loan tin là tổng thống Pháp đã đánh giá rằng hành vi của ông Benalla là điều « không thể chấp nhận được », rằng vụ việc đã bộc lộ những lệch lạc trong guồng máy vận hành của điện Elysée cần phải được cải tổ, rằng sự vụ sẽ được làm sáng tỏ…

Báo giới thì không ngần ngại gọi đây là một « Benallagate » – so sánh vụ này với vụ Watergate – đầu thập niên 1970 - thời tổng thống Mỹ Richard Nixon trước đây, đã tác động đến cấp cao nhất nhà nước Hoa Kỳ, dẫn đến việc ông Nixon phải từ chức.

Trong một bài nhận định đăng ngày 20/07 vừa qua trên tạp chí L’Obs, nhà phân tích Pascal Riché công nhận rằng vụ tai tiếng Benalla quả thực là có nguy cơ nổ lớn vì hàm chứa 4 tai tiếng khác nhau : dùng bạo lực vô cớ, mạo danh nhân viên công lực, sử dụng « lính kín » và mưu toan nhận chìm vụ việc.
Theo tác giả, khi kết hợp lại với nhau, bốn yếu tố này biến thành một loại bom chùm nổ chậm.

Đối với L’Obs, chính là vì bên trong có 4 chất dễ nổ như kể trên, mà vụ Benalla đã bùng lên như thế, chứ không phải là vì báo giới không có gì để nói trong mùa hè, cũng không phải là vì phe đối lập tại Pháp muốn lợi dụng mọi cơ hội dể tấn công tổng thống Macron.

Bốn vụ việc gây bùng nổ

Tai tiếng đầu tiên liên quan đến hình ảnh bạo lực tại quãng trường Contrescarpe, Paris, được ghi lại trong đoạn video được loan truyền rộng rãi trên mạng, đặc biệt là từ sau khi báo Le Monde vạch trần danh tánh của người bạo hành là Alexandre Benalla.
Đoạn phim cho thấy cảnh tượng một người đàn ông đội mũ bảo hiểm của cảnh sát, túm cổ và đánh đập một thanh niên đã bị nhân viên công lực chế ngự rồi.
Những người chứng kiến cảnh này đã kêu nài nhưng vô vọng.

Chỉ riêng vụ này đã là một điều không thể chấp nhận được và biện minh cho những lời tố cáo hành vi bạo lực quá đáng đối với người biểu tình.

Tai tiếng thứ hai là hành vi mạo danh nhân viên công lực.
Kẻ đánh người biểu tình không phải là cảnh sát, do đó không có quyền can thiệp thô bạo, bạo hành như thế.

Dù không phải là cảnh sát, nhưng Benalla lại đeo một băng tay của cảnh sát và các lực lượng cảnh sát có mặt tại chỗ vẫn để cho ông ta mặc nhiên hành động.
Đây là một hành động vi phạm rõ rệt hệ thống Nhà nước pháp quyền, căn bản của một nền dân chủ.

Điểm gây sốc thứ ba là sự kiện nhân vật hung bạo và hống hách đó lại là một cộng sự viên thân cận với tổng thống Pháp.
Và người ta đã khám phá ra là tại phủ tổng thống Pháp, đã có những cộng sự viên có quy chế không rõ ràng, như trong trường hợp Alexandre Benalla và người bạn của ông ta là Vincent Crase, những người được giao phó những nhiệm vụ mờ ám.

Khám phá này đã làm sứt mẻ hình ảnh của ông Macron, người luôn luôn nhấn mạnh trên thái đô « gương mẫu » và sự liêm khiết cần thiết trong trách nhiệm tổng thống.
Điểm gây chấn động thứ tư, và có lẽ nghiêm trọng nhất là toan tính rõ ràng từ phía điện Elysée là muốn che giấu sự vụ.

Tác giả bài viết nhắc lại ở Hoa Kỳ, từ khi có vụ Watergate đã khiến tổng thống Nixon phải ra đi, thì đã xuất hiện một câu cách ngôn chính trị « Tai tiếng gây chấn động không bao giờ đến từ bản thân tội trạng, mà đến từ các thủ đoạn dùng để che giấu tội trạng đó – It’s never the crime, always the cover up »…
Điều đó đã được chứng minh về sau trong các vụ tai tiếng Monica Lewinsky, thời tổng thống Bill Clinton, hay vụ ngụy tạo bằng chứng để đánh Irak thời tổng thống George Bush Junior.

Trong trường hợp Benallagate, thì điện Élysée có tìm cách che giấu những gì xẩy ra ngày mùng 1 tháng 5 ?

Viện Công Tố đã không được thông báo, trái với yêu cầu của điều 40 bộ Luật Tố Tụng Hình Sự,. Benalla chỉ bị phạt rất nhẹ một cách qua loa.
Trên nguyên tắc, ông được cho là không còn trách nhiệm về an ninh, nhưng ngày 16/07, sau Cúp Bóng Đá Thế Giới, người ta đã thấy mặt Benalla trên đại lộ Champs Élysées trên chiếc xe buýt chở các nhà vô địch bóng đá.

Phủ tổng thống Pháp đã quá coi thường dư luận ?

Đối với tác giả bài báo trên L’Obs, thái độ của Điện Elysée trong trường hợp Benalla có thể được đánh giá theo hai cách, hoặc là nghiệp dư, hoặc là mang tính chất đồng lõa.
Điều đáng ngạc nhiên nhất đối với nhà phân tích, là điện Élysée đã thật là mạo hiểm vì cảnh bạo hành đã được nhiều điện thoại di động thu lại và khả năng Benalla bị nhận diện rất cao.
Và ngay khi hình ảnh xuất hiện trên các mạng xã hội, thì tổng thống Macron lẽ ra phải cách chức, và sa thải ngay Benalla, nhưng ông đã không làm.

 Sau bài báo trên tờ Le Monde tiết lộ vụ việc, thì ông Macron lý ra phải có phản ứng mẽ hơn nữa, công khai lên tiếng và sa thải Benalla, thậm chí sa thải cả những lãnh đạo trực tiếp của nhân vật này vốn đã cho thấy không hiểu gì về cộng sự viên của họ.
Điều này ông Macron cũng không làm, khiến cho vụ việc chỉ bùng thêm lên.

Thái độ của tổng thống làm dấy lên nhiều câu hỏi và thắc mắc : Khi mới vào điện Élysée, ông đã không ngần ngại cách chức tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp chỉ vì vài lời chỉ trích ngân sách quốc phòng.
Thế mà tại sao giờ đây, ông lại không thể gạt bỏ một cộng sự viên tính khí bất ổn đã có nhiều tai tiếng ?

Tại sao điện Élysée có vẻ cần đến nhân vật này trong lúc mà phủ tổng thống có đội bảo vệ an ninh cho tổng thống GSPR ?
Câu hỏi khác là mối quan hệ thực thụ giữa ứng viên rồi tổng thống Macron với Benalla, theo sát ông như hình với bóng, là như thế nào ?

Tóm lại, khi không xử lý đúng đắn vụ tai tiếng này như lý ra phải làm, điện Élysée đã làm dấy lên hàng ngàn câu hỏi chính đáng nhưng phiền hà, và tổng thống Pháp để mình rơi vào tầm nhắm của phe đối lập.

Switch mode views: