Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ tố cáo Syria và Nga xóa dấu vết vũ khí hóa học ở Douma

hoa học-xoa vet tich



Tại bệnh viện ở Ghouta, Syria sau vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học. Ảnh chụp ngày 08/04/2018.
White Helmets/Reuters TV via REUTERS

Mười hai ngày sau vụ tấn công hóa học vào thường dân ở Douma, ngoại ô Damas, các thanh tra viên quốc tế vẫn chưa thể tiến hành điều tra.

Nhóm tiền trạm của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học Liên Hiệp Quốc (OIAC) ngày 19/04/2018 vừa đến Douma đã bị một loạt đạn nhắm vào, đành phải quay lại thủ đô Syria.

Hoa Kỳ tố cáo chế độ Damas và đồng minh Nga cố tình trì hoãn việc điều tra để xóa dấu vết.

Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tường thuật :

« Chế độ Bachar Al Assad chối cãi việc sử dụng khí chlore hay khí sarin tại Douma, và tuy đón tiếp các chuyên gia của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học, dường như họ chẳng muốn tạo điều kiện cho các thanh tra làm việc.

Cũng giống như phần còn lại của Đông Ghouta, thành phố tang thương này hiện đang dưới sự kiểm soát của quân chính phủ Syria.
Heather Nauert, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định các thành viên OIAC hôm qua vẫn chưa vào được Douma, trong lúc Damas tìm cách tiêu hủy các bằng chứng tại hiện trường.

Bà nói : Chúng tôi có những thông tin khả tín cho biết rằng những người có trách nhiệm của Nga làm việc với chế độ Syria để từ chối và trì hoãn việc các thanh tra viên đến Douma.
Chúng tôi nghĩ rằng đây là thủ đoạn để họ có thể tự tiến hành điều tra, có lẽ chính quyền Nga cấu kết với chế độ Syria để tẩy rửa hiện trường, phi tang các bằng chứng cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng.

Tất nhiên là thời gian càng trôi qua, thì các bằng chứng cụ thể có thể tan biến đi, một cách tự nhiên hoặc do tẩy rửa.
Ngay cả lời khai của các nhân chứng cũng có thể thay đổi.
Nêu ra các phóng sự đưa tin kiểu một chiều trên báo chí Nhà nước Syria và Nga, bộ Ngoại Giao Mỹ cũng lo ngại rằng cư dân đã bị gây áp lực. »

Về người tị nạn Syria, Human Rights Watch hôm nay khẳng định có ít nhất 3.664 người đã bị trục xuất bằng vũ lực khỏi 13 thành phố Liban, trong khoảng từ 2016 đến quý I năm 2018, với những cái cớ bất hợp lý mang tính phân biệt.

Liban, quốc gia chỉ có 4 triệu dân đã phải tiếp đón 1 triệu người tị nạn Syria, từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011.

Switch mode views: