WTO có sống nổi với chính quyền Trump ?
- Thứ Năm, 05 tháng Tư năm 2018 23:04
- Tác Giả: Trọng Thành
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thay đổi định chế thương mại toàn cầu WTO
Ảnh chụp màn hình
Chủ trương của Washington tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng thép, nhôm tháng 3/2018, đe dọa tăng thuế với hàng chục tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, rồi các đe dọa trả đũa qua lại, khiến thế giới lo ngại chiến tranh thương mại toàn cầu bùng nổ.
Đe dọa trả đũa thương mại bất chấp Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) của tổng thống Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi : Liệu định chế quốc tế được coi là nền tảng của « mậu dịch tự do » toàn cầu có tồn tại nổi trước các tấn công từ phía chính quyền Donald Trump ?
1 - TT Trump có thể phá hủy tổ chức OMC như thế nào ?
Ngay từ khi tranh cử tổng thống Mỹ hồi 2016, Donald Trump đã rầm rộ tuyên bố chống lại « mậu dịch tự do », đề cao « chủ nghĩa bảo hộ » và khẳng định nước Mỹ trên hết.
Từ khi vào Nhà Trắng, tổng thống Mỹ liên tục lên án WTO, tổ chức quốc tế với 164 thành viên, bất chấp các kêu gọi của Liên Hiệp Châu Âu và nhiều quốc gia khác.
Donald Trump chủ trương thay thế cơ chế mậu dịch đa phương hiện nay bằng các hiệp định song phương, mà Washington muốn thương thuyết lại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.
Trả lời Le Figaro, chuyên gia kinh tế Pháp Jean-Marc Siroen nhận định Hoa Kỳ có thể ra khỏi WTO và gây áp lực với các nước khác để họ cũng phải làm tương tự, hoặc không tôn trọng các quy tắc của tổ chức này, cho dù có bị WTO trừng phạt.
Lý do để ra khỏi WTO, mà Mỹ có thể nêu ra, là tổ chức này bất lực trong việc giúp Mỹ bảo vệ được quyền lợi của mình.
Để nói về uy lực của Mỹ với WTO, chuyên gia kinh tế Pháp dùng hình ảnh ví von « Trump có khả năng đưa Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào tình trạng chết não ».
Các nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc Washington viện dẫn đến điều khoản về « an ninh quốc gia », để biện minh cho việc đưa ra các sắc thuế mới.
Tổng thống Mỹ dựa vào một điều khoản rất hiếm khi được chính quyền Hoa Kỳ sử dụng. Đó là điều 232 trong bộ luật về thương mại Trade Expansion Act năm 1962.
WTO cũng có điều khoản tương tự. Điều 21 trong thỏa thuận GATT (Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch), vẫn có hiệu lực với WTO, quy định là không quốc gia nào có thể bị ngăn cản đưa ra các quyết định « cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia chủ yếu ».
Nhiều chuyên gia gọi đây là « chiếc hộp Pandore » - sự tích trong thần thoại Hy Lạp nói về một chiếc hộp bí hiểm, một khi đã mở ra thì tai họa tràn ngập, không có cách vãn hồi.
Cho đến nay, chưa bao giờ cơ quan trọng tài của WTO ra phán quyết về một vụ kiện tụng liên quan đến điều 21, được ví với chiếc hộp Pandore này.
Nỗi lo sợ của nhiều quốc gia là, một khi quan điểm « an ninh quốc gia » của tổng thống Mỹ được chấp nhận, thì đây là cú hích đầu tiên đẩy các quốc gia đi vào con đường chạy đua mỗi người vì mình, với hệ quả là đủ loại sắc thuế mới mọc lên, làm tan vỡ hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay.
Theo chuyên gia thương mại quốc tế Edward Alden, viện tư vấn Mỹ Council on Foreign Relations, ngày nào Mỹ đơn phương đánh thuế thép, nhôm, ngày đó là ngày báo tử của WTO, bởi thế giới sẽ bước vào một vòng xoáy trả đũa không dứt, và cho dù WTO không biến mất, thì định chế này ắt hẳn cũng chỉ còn là một chiếc vỏ không hồn.
2 – Việc chính quyền Trump vừa tấn công WTO, lại vừa đưa các tranh chấp ra WTO phân xử, có mâu thuẫn không ?
Trong hiện tại, tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành nhiều mũi tấn công nhắm vào WTO.
Một mặt, đe dọa sử dụng điều khoản « an ninh quốc gia » như đã nói trên, hành động có thể khiến WTO tan vỡ, nhưng mặt khác cũng sử dụng kênh truyền thống là đưa các quốc gia đối thủ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (Dispute Settlement Body/Organe de règlements des différends), với các khiếu nại, được coi là không thách thức sự tồn tại của định chế quốc tế này.
Cụ thể là ngày 23/03, Washington quyết định khởi sự thủ tục kiện Trung Quốc lên WTO, với lý do Bắc Kinh « xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ ».
Washington tố cáo Bắc Kinh ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài, làm ăn tại Trung Quốc, buộc phải chuyển giao toàn bộ hoặc một phần bí quyết công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.
Việc chính quyền Mỹ vừa tấn công vào tính hợp pháp của WTO, lại vừa nhờ cậy đến WTO trong các tranh chấp không mâu thuẫn, cho dù hiện nay rất khó nhìn ra « tính nhất quán » trong chính sách của Mỹ, như nhận định của ông Peter Ungphakorn, cựu phát ngôn viên của WTO, người từng làm việc tại định chế này trong hai thập niên.
Cựu chuyên gia WTO khẳng định chính quyền Trump « đang sử dụng bất cứ vũ khí nào cho phép họ giành thắng lợi », Washington rất có thể, một mặt tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc trong khuôn khổ WTO, nhưng mặt khác sẵn sàng lờ đi các quy tắc của WTO, nếu cần. Nói một cách khác Trump vừa chống, vừa sử dụng WTO.
Vấn đề là, việc Mỹ quyết định đưa tranh chấp ra cơ quan phán xử của WTO diễn ra đúng vào lúc cơ quan này đang đứng trước viễn cảnh tê liệt hoàn toàn, do chủ trương của Mỹ.
Để hoạt động phán xử được tiến hành đúng thủ tục, cần tối thiểu 4 thẩm phán. Hiện tại, trong số 7 thẩm phán, chỉ còn đúng 4 người đang làm việc.
Tuy nhiên, đến ngày 30/9/2018, sẽ có thêm một thẩm phán mãn nhiệm. Từ nhiều tháng nay, Washington đã cố tình ngăn cản việc bổ nhiệm ba ghế thẩm phán bị thiếu. Nguyên tắc đồng thuận buộc việc bổ nhiệm một thẩm phán phải được sự chấp thuận của toàn bộ 164 thành viên WTO.
3 – Trump ngăn cản « cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp » của WTO. Cơ chế này có ý nghĩa gì với WTO ?
Cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp được coi là linh hồn của WTO. Theo tổng giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo, « nếu cơ chế này bị xâm phạm, thì toàn bộ hệ thống sẽ bị đe dọa » (Financial Times, 1/10/2017).
Kể từ khi thành lập năm 1995 đến nay, với cơ chế trọng tài nói trên, định chế thương mại quốc tế đa phương WTO đã xử lý hơn 500 vụ kiện tụng giữa các quốc gia thành viên.
Hoa Kỳ đã kiện lên WTO hơn 100 lần và đã giành thắng lợi khoảng « 90% ». Ngược lại, Washington cũng đã thua kiện trong 75% trường hợp đơn kiện chống lại Mỹ (Le Figaro).
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cho phép các quốc gia giải quyết một cách hòa bình các mâu thuẫn, tránh không rơi vào các chiến tranh thương mại huynh đệ tương tàn.
4 – Vậy Hoa Kỳ được lợi gì khi tấn công vào cơ chế trụ cột này của WTO ? Về WTO, chính quyền Trump thực sự muốn gì ?
Theo một số nhà quan sát, ẩn đằng sau các lời đe dọa chiến tranh thương mại của tổng thống Mỹ Donald Trump, chống lại WTO, là nỗ lực của Washington nhằm « cải tổ » WTO để khiến định chế này có lợi hơn cho Mỹ.
Cuối tháng 3/2018, Washington bổ nhiệm đại diện mới tại WTO, sau một thời gian dài ghế này bị bỏ trống : Luật sư Robert Lighthizer, 69 tuổi, người nổi tiếng có quan điểm cứng rắn, giống như bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross và lãnh đạo Hội đồng thương mại quốc gia Peter Navarro.
Theo nhiều nhà quan sát, bên ngoài các cải tổ mang tính kỹ thuật mà Washington đề xuất, cái đích chính mà chính quyền của Donald Trump nhắm đến là Trung Quốc.
Trong báo cáo về chính sách thương mại thường niên của Hoa Kỳ năm 2018, được công bố hồi tháng 3,Trung Quốc bị lên án « cho dù là thành viên WTO từ hơn 16 năm nay, nhưng vẫn chưa áp dụng hệ thống kinh tế thị trường mà tất cả các thành viên WTO mong đợi.
Và trên thực tế, Trung Quốc ngày càng xa rời với các nguyên tắc thị trường trong những năm gần đây ».
Theo chính quyền Mỹ, chừng nào Trung Quốc vẫn cứ tự phát triển theo cách riêng của họ, thì chừng ấy Washington phải có nghĩa vụ tự vệ để bảo vệ lợi ích của mình.
WTO trong thời gian tới, như vậy, rất có thể sẽ trở thành một sàn đấu chính của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.
Tin mới
- California, cả trăm căn nhà của băng đảng Trung Quốc bị tịch thu - 06/04/2018 14:25
- Nhân viên phi trường Tân Sơn Nhất ‘trộm hành lý của khách’ - 06/04/2018 14:17
- Vụ Skripal: Trước Hội Đồng Bảo An LHQ, Nga phủ nhận mọi liên can - 06/04/2018 13:48
- Việt Nam và Nga ký kế hoạch hợp tác quốc phòng đến 2020 - 06/04/2018 13:36
- Mạng xã hội Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ - 06/04/2018 13:20
- Hàn Quốc : Cựu tổng thống Park Geun Hye lãnh án 24 năm tù vì tham nhũng - 06/04/2018 12:53
- Vụ Skripal : Nga phản công ngoại giao, yêu cầu HĐBA họp công khai - 06/04/2018 04:03
- Donald Trump có ý định gì khi thông báo rút quân Mỹ khỏi Syria ? - 06/04/2018 03:55
- Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran hợp tác vì "hưu chiến bền vững" tại Syria - 06/04/2018 03:47
- Chưa xây được tường, Trump gởi quân đội đến biên giới Mêhicô - 06/04/2018 03:41
Các tin khác
- Nam-Bắc Triều Tiên họp buổi trù bị đầu tiên cho thượng đỉnh Kim-Moon - 05/04/2018 15:03
- Đến Nha Trang mà ngỡ như đang ở phố Tàu, nước Nga - 05/04/2018 08:18
- Hung thủ xả súng từng tâm sự bị YouTube ‘ức hiếp’ và ‘hận’ công ty - 04/04/2018 19:22
- Mỹ và ASEAN quan ngại Biển Đông bị « quân sự hóa » - 04/04/2018 18:53
- Chiến tranh thương mại : Mỹ-Trung leo thang trả đũa nhau - 04/04/2018 18:21
- Không chỉ có thuế quan Trung Quốc mới đáng sợ cho doanh nghiệp Mỹ. - 04/04/2018 18:09
- Giao thông tiếp tục hỗn loạn trong ngày thứ hai đình công ở Pháp - 04/04/2018 17:55
- Tương lai vùng đông bắc Syria : Thổ Nhĩ Kỳ và Nga khó đạt đồng thuận. - 04/04/2018 17:32
- Donald Trump dọa điều quân đội Mỹ đến biên giới Mêhicô - 04/04/2018 17:19
- Đình công, Pháp kém hấp dẫn hơn ? - 04/04/2018 03:09