Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biểu tượng của Tự do : Paris trưng bày tranh Delacroix

La Liberté guidant le peuple

Tự do dẫn dắt nhân dân (La Liberté guidant le peuple) nằm trong số 180 tác phẩm của Delacroix, được trưng bày tại Louvre
PATRICK KOVARIK / AFP

Văn học Pháp có Victor Hugo, âm nhạc có Berlioz, hội họa có Delacroix. Mỗi người một lãnh vực, ba nhân vật này là những tên tuổi tiêu biểu của trường phái lãng mạn Pháp.

Riêng Eugène Delacroix đã trở nên quen thuộc nhờ bức chân dung tự vẽ trong chiếc áo gilê màu xanh lục, luôn là cánh chim đầu đàn làng hội họa Pháp vào giữa thế kỷ XIX.

Lần đầu tiên kể từ hơn nửa thế kỷ nay (lần trước là vào năm 1963), Viện bảo tàng Louvre đã tập hợp về cùng một nơi hơn 180 tác phẩm của danh họa Eugène Delacroix.
Cuộc triển lãm đồ sộ này được tổ chức từ 29/03 cho đến 23/07/2018 với sự hợp tác của bảo tàng Metropolitan Museum of Art tại New York.

Hầu hết các tác phẩm lớn của ông đều được trưng bày trong cuộc triển lãm này, trong đó có các bức tranh như Con thuyền của Dante (Dante et Virgile aux Enfers 1822), Cái chết của vua Sardanapale (La mort de Sardanapale 1828), Phụ nữ Alger trong phòng the (Femmes d’Alger dans leur appartement 1833), bức phác họa Thầy Nhân mã dạy bảo Achilles (L’éducation d’Achille 1847).

Dĩ nhiên là tại cuộc triển lãm này, không thể nào thiếu vắng bức kiệt tác mà ai cũng muốn xem qua một lần trong đời,  do tác phẩm này mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Delacroix : Tự do dẫn dắt nhân dân (La Liberté guidant le peuple 1830).

Cuộc triển lãm tại Viện bảo tàng Louvre diễn ra song song với cuộc triển lãm "bổ sung" tại Bảo tàng (Xưởng vẽ) Eugène Delacroix từ 11/04 cho tới 23/07/2018.  

Bức tranh này gợi hứng từ cuộc khởi nghĩa tại Paris trong ba ngày tháng 7 năm 1830 (cho nên còn được gọi là Ba ngày Vinh quang / Les Trois Glorieuses), lật đổ ngai vàng của Charles X và đưa dòng dõi Bourbon lên ngôi vua (Louis-Philippe Đệ Nhất).

Xuất phát từ xung đột giữa hai phe tự do và bảo hoàng, cuộc khởi nghĩa này đã không chấm dứt nền quân chủ tại Pháp, mà chỉ thay thế một vì vua này bằng một ‘‘quân vương’’ khác được lòng dân hơn.

Trong bức tranh “Tự do dẫn dắt nhân dân” (La Liberté guidant le peuple 1830) có hình ảnh biểu tượng Nữ thần tự do trong tư thế xông lên, tay đang phất cờ khí thế hào hùng, dẫn đầu một đoàn người cầm súng đứng trên tuyến đầu chiến lũy.

 Hình ảnh của cậu bé đội nón mềm, mỗi tay cầm một khẩu súng ngắn đã tạo cảm hứng mãnh liệt cho văn hào Victor Hugo tạo dựng 30 năm sau đó nhân vật Gavroche trong quyển tiểu thuyết Những người khốn khổ (Les Misérables 1862).

Ngoài các tấm tranh sơn dầu, các bức phác họa hay tranh khắc, còn có tranh in thạch bản mà Delacroix dùng để minh họa các tác phẩm mà ông yêu thích, trong đó có các tác giả lớn như Goethe hay là Shakespeare.

Tác phẩm hội họa của Delacroix mang đậm các luồng ảnh hưởng của Velázquez, Titian, Rubens, Veronese, không chỉ dừng lại ở phong cách lãng mạn mà còn tìm tòi cách thể hiện qua việc ứng dụng các kỹ thuật thời bấy giờ, điều đó ảnh hưởng phần nào đến sự hình thành của các trường phái hội họa tại Pháp sau đó.

Lúc sinh tiền Delacroix đã là một họa sĩ nổi tiếng, nhưng ít ai biết rằng ông còn có tài viết văn. Đó là một trong những điều thú vị mà khách xem triển lãm sẽ khám phá thêm lần này.
Trong số những người bạn thân của ông có nhà văn George Sand, Théophile Gautier hay thi hào Charles Beaudelaire.
Qua thư từ mà ông trao đổi với bạn hữu và các nghệ sĩ cùng thời, độc giả có thể thấy Delacroix nắm vững nhiều bộ môn nghệ thuật khác kể cả âm nhạc, văn chương, thi ca, điêu khắc.

Hầu hết các tờ báo Pháp nổi tiếng thời bấy giờ đều có đăng bài viết của Eugène Delacroix với tư cách của một nhà văn về hội họa thời Phục Hưng, do ông được xem là người đã từng nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu rộng để rồi đối chiếu, so sánh các bức kiệt tác của Michel-Ange cũng như của Raphaël.

Kể từ năm 40 tuổi cho tới khi ông qua đời ở tuổi 65 (1798-1863), Eugène Delacroix mỗi ngày đều ghi chép tất cả mọi thứ vào trong quyển nhật ký.
 Tính tổng cộng, ông đã viết hàng ngàn trang, phản ánh rất nhiều về các đề tài xã hội cũng như cái thời ông đang sống, điều mà ông lại ít khi nào thể hiện qua hội họa.
Delacroix còn nuôi tham vọng soạn một quyển từ điển ‘‘bách khoa’’ về nghệ thuật, nhưng rốt cuộc dự án này lại không được hoàn thành.

Giữa hội họa và văn chương, Delacroix đã chọn sự nghiệp cầm cọ thay vì cầm bút.
 Bức tranh nổi tiếng nhất của ông tuy đã ra đời cách đây gần 200 năm nhưng cho tới giờ vẫn còn mang tính thời sự, vang vọng gần gũi với tuổi trẻ của mọi thời.

Hình ảnh "Tự do dẫn dắt nhân dân" lại càng khắc sâu trong ký ức tập thể, sau khi được in trên tiền giấy, phổ biến qua tem bưu điện, áo thun hay áp phích, được nhái đi nhái lại thông qua các bộ phim quảng cáo, các bức tranh biếm họa hay tác phẩm trào phúng.

Tranh của Delacroix nay đã trở thành biểu tượng của tự do, cũng như tác phẩm Guernica của Picasso đồng nghĩa với hai chữ hoà bình.


Switch mode views: