Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ-Hàn tìm lập trường chung để đối phó với Bắc Triều Tiên

My Han

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (T) và nguyên thủ Hàn Quốc Moon Jae In, sân vận động Gangneung Ice Arena, Hàn Quốc, 10/02/2018
REUTERS/Damir Sagolj

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã tận dụng được cơ hội vàng với Thế Vận Hội Mùa đông 2018, đang diễn ra tại Hàn Quốc, để mở một đợt phản công ngoại giao được đánh giá là « ngoạn mục », nhằm phá vỡ thế cô lập.

Việc ông chủ Bình Nhưỡng gửi đến tổng thống Hàn Quốc lời mời họp thượng đỉnh tại Bắc Triều Tiên, vào đúng dịp khai mạc Thế Vận, mở ra một cơ hội đàm phán tìm giải pháp hòa bình hiếm có, cho dù hết sức mong manh, nhưng cũng đặt liên minh Mỹ-Hàn trước nguy cơ chia rẽ sâu sắc, nếu Seoul tỏ ra nhân nhượng trước Bình Nhưỡng trong những vấn đề nguyên tắc.

Báo chí Mỹ cho hay, trong chuyến công du Hàn Quốc vừa qua, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tìm cách thu hẹp bất đồng với Seoul trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn báo The Washington Post (đăng tải ngày 11/02/2018), trên chuyến bay về nước cuối tuần trước, phó tổng thống Mỹ thông báo, tại Hàn Quốc, ông đã có nhiều cuộc trao đổi với tổng thống Moon Jae In, và hai bên đã tìm được một số điểm đồng thuận.

Trừng phạt thôi không đủ

Cụ thể là, phó tổng thống Mỹ thừa nhận rằng chỉ áp lực trừng phạt kinh tế, nhằm cô lập Bình Nhưỡng tối đa, buộc chế độ này phải từ bỏ tham vọng hạt nhân là không đủ, như thực tế « 20 năm qua » cho thấy.
Phó tổng thống Pence khẳng định Washington sẵn sàng « thảo luận » trực tiếp với Bắc Triều Tiên, theo gợi ý của tổng thống Hàn Quốc, cùng lúc với việc « duy trì tối đa » các áp lực trừng phạt.

Theo báo The Washington Post, đề xuất một « đối thoại không điều kiện tiên quyết », hay nói chính xác hơn là đối thoại để chuẩn bị cho đàm phán (« talks about talks »), giữa Washington và Bình Nhưỡng, có thể coi là một bước « đột phá » trong lập trường của Hoa Kỳ.
 Bởi từ trước đến nay, lập trường chính thức của Washington vẫn là gắn liền việc đàm phán trực tiếp với điều kiện tiên quyết là Bình Nhưỡng phải cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự.

Đề xuất mới nói trên cũng được The Washington Post đánh giá là « hết sức quan trọng », trước hết, bởi cho phép Hoa Kỳ và Hàn Quốc « thực sự hàn gắn các rạn nứt » về quan điểm.
 Trước chuyến công du của phó tổng thống Mỹ, quan điểm của Washington và Seoul về giai đoạn « hậu Thế Vận Hội » vốn rất khác biệt.
Ngay trước cuộc họp đầu tiên giữa tổng thống Hàn Quốc và phó tổng thống Mỹ, lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae In khẳng định các vận động ngoại giao Thế Vận Hội có thể dẫn đến « các đối thoại thực sự », trong lúc phó tổng thống Pence chỉ toàn nói đến việc « gia tăng áp lực ».

Bảo đảm từ phía Hàn Quốc

Theo phó tổng thống Mỹ, trong các trao đổi vừa qua, đổi lại việc Washington đồng ý đối thoại với Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho các đàm phán, tổng thống Hàn Quốc cam kết sẽ nói thẳng với Bắc Triều Tiên là chế độ Bình Nhưỡng chỉ gặt hái được « các lợi ích kinh tế và ngoại giao », nếu chấp nhận « đàm phán về các giai đoạn giải trừ vũ khí hạt nhân cụ thể ».

Đối với Hoa Kỳ, đây là một bảo đảm cần thiết cho phép Washington ủng hộ các nỗ lực ngoại giao tiếp theo với Bắc Triều Tiên, sau khi Thế Vận Hội Mùa đông khép lại.
Thực ra, vấn đề tiến hành đối thoại trực tiếp với Bắc Triều Tiên để chuẩn bị cho đàm phán là điều từng được ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhiều lần nêu ra hồi năm ngoái, nhưng sáng kiến này ngay lập tức đã bị Nhà Trắng gạt đi, cho dù, ngay hồi đầu năm nay, nhân dịp quan hệ hai miền Triều Tiên lắng dịu với Thế Vận Hội Mùa đông, tổng thống Donald Trump một lần nữa có lời hoan nghênh quan hệ hai miền Triều Tiên tan băng, và tái khẳng định khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng, một khi điều kiện cho phép.

Dù sao, theo nhiều nhà quan sát, đối thoại Mỹ-Bắc Triều Tiên sau kỳ Thế Vận Hội sẽ rất khó diễn ra, hoặc nếu diễn ra cũng sẽ không đi đến đâu cả, một khi hai bên vẫn khăng khăng trên lập trường chính.

Phía Bình Nhưỡng, không chấp nhận từ bỏ vị thế của một cường quốc hạt nhân. Phía Hoa Kỳ, không từ bỏ tập trận chung với Hàn Quốc, để đối phó với các xâm lăng giả định từ miền Bắc.

Sự dè dặt của ngoại trưởng Mỹ

Về đề xuất đối thoại Washington-Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho các đàm phán tương lai vừa được phó tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra cuối tuần trước, hôm qua, 12/02, ngoại trưởng Tillerson tỏ ra rất dè dặt, trái ngược với thái độ có phần cởi mở của ông Pence.

 Lãnh đạo ngoại giao Mỹ lần này cho rằng hiện tại còn « quá sớm » để nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Đẩy trái bóng về phía Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Mỹ bình luận là chính quyền Bình Nhưỡng hiểu rõ, để đàm phán « thực chất », họ tự biết cần phải làm gì.

Switch mode views: