Biển Đông: Mỹ khẳng định chủ trương tăng tốc các cuộc tuần tra
- Thứ Bảy, 14 tháng Mười năm 2017 00:01
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Chiến hạm USS Chafee (P) trên Thái Bình Dương. Ảnh ngày 20/09/2017.
US Navy via Reuters
Ngày 10/10/2017, khu trục hạm Mỹ USS Chafee đã lại tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Chuyến tuần tra này đã thu hút sự chú ý, vì đây là lần thứ tư trong vỏn vẹn năm tháng mà Hải Quân Mỹ cho thực hiện một chiến dịch như vậy, nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đối với giới quan sát, không còn nghi ngờ gì cả : chính quyền Donald Trump đang triển khai hướng tiếp cận mới về Biển Đông, mà đặc trưng nổi bật nhất là tính chất thường xuyên và nhịp độ cao hơn so với trước đây.
Theo ghi nhận của nhà báo Ankit Panda trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat, chiến dịch do chiến hạm Chafee thực hiện hôm 10/10 vừa qua chứng tỏ rằng chính quyền Trump đã đồng ý cho Hải Quân Mỹ tăng gia nhịp độ các hoạt động tuần tra tại Biển Đông.
Chỉ mới năm tháng từ sau khi các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông được tái lập vào ngày 24 tháng Năm vừa qua, với khu trục hạm USS Dewey xâm nhập vùng 12 hải lý quanh Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa, đã có thêm ba cuộc tuần tra được thực hiện :
Ngày 02/07, tàu khu trục USS Stethem đã áp sát đảo Tri Tôn tại Hoàng Sa ; một tháng sau, ngày 10/08, đến lượt chiếc USS John S. McCain trở lại vùng Bãi Vành Khăn ; và mới đây là chiến dịch tuần tra khu vực Hoàng Sa ngày 10/10 của chiếc USS Chafee.
So với thời tổng thống Obama, thì rõ ràng là các chiến dịch tuần tra thời ông Trump mang tính đều đặn hơn, trung bình cách nhau từ một đến hai tháng, và do đó số lượng sẽ gia tăng, hơn hẳn vỏn vẹn 4 cuộc tuần tra từ tháng 10/2015 đến hết năm 2016.
Những người chỉ trích cách tiếp cận quyền tự do hàng hải tại Biển Đông của chính quyền Obama, đã cho rằng chính tính chất không đều đặn và cảm tưởng tạo ra là các hoạt động đó gắn chặt với tình trạng trồi sụt trong quan hệ Mỹ-Trung đã làm cho các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mất đi giá trị của một công cụ củng cố luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng của hoạt động này.
Một yếu tố khác đã được giới phân tích ghi nhận trong các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông thời tổng thống Trump :
Đó là các chiến dịch này là những cuộc tuần tra đích thực, với các chiến hạm thực hiện các hoạt động tập huấn hay diễn tập hải quân bình thường trong các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền, chứ không « rón rén » áp dụng thủ tục qua lại vô hại như thời Obama.
Chuyến tuần tra của chiếc USS Chafee hôm 10/10 vừa qua đã khiến một số nhà quan sát phân vân, vì trái với các lần trước đây, kể cả trong những chiến dịch thời Obama, chiến hạm Mỹ lần này không tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các thực thể do Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông.
Cho dù vậy, các quan chức Mỹ được hãng tin Anh trích dẫn vẫn xác định là chiếc tàu Mỹ đã có những hoạt động bình thường để thách thức các yêu sách chủ quyền thái quá.
Các viên chức Mỹ không nói rõ đó là các yêu sách gì, nhưng giới phân tích cho rằng tàu Mỹ đã thách thức cái gọi là « đường cơ sở thẳng » mà Trung Quốc vạch ra từ năm 1996 bao quanh quần đảo Hoàng Sa.
Trên cơ sở đó, yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho quần đảo này, một điều không được Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển chấp nhận.
Bắc Kinh hiểu rất rõ mục tiêu của Mỹ, vì vậy, từ bộ Quốc Phòng cho đến bộ Ngoại Giao ở Bắc Kinh, các phát ngôn viên Trung Quốc đều đã lớn tiếng tố cáo tàu Mỹ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc.
Nhìn chung, cách tiếp cận Biển Đông của chính quyền Donald Trump có vẻ dứt khoát hơn thời Obama, nhưng về căn bản, lập trường Hoa Kỳ không hề thay đổi, vẫn không thiên vị bên nào, mà chỉ bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Tin mới
- Malawi: Bạo động vì sợ ma cà rồng, Liên Hiệp Quốc rút nhân viên - 14/10/2017 21:43
- 9 người Việt ở Georgia bị bắt vì trồng cần sa trị giá hơn $7 triệu - 14/10/2017 21:37
- California cùng 17 tiểu bang khác kiện chính phủ Trump về bảo hiểm y tế - 14/10/2017 21:27
- Cựu tổng thư ký LHQ yêu cầu Hội Đồng Bảo An áp lực trên Miến Điện - 14/10/2017 21:17
- Anh: Hơn 150 trẻ Việt được cứu khỏi giới buôn người, lại mất tích - 14/10/2017 21:07
- Phủ TT Philippines cải chính tuyên bố của ông Duterte về LHCÂ - 14/10/2017 21:01
- Bầu cử cấp vùng: Một cuộc trắc nghiệm chính trị tại Venezuela - 14/10/2017 20:56
- Bắc Triều Tiên chuẩn bị bắn tên lửa (báo chí) - 14/10/2017 20:49
- Hàn Quốc: “Á quân” thế giới về chỉnh sửa sắc đẹp - 14/10/2017 17:16
- Nga gửi tặng Philippines 5,000 khẩu AK - 14/10/2017 03:58
Các tin khác
- Lũ lụt làm 54 người chết và 39 người mất tích tại Việt Nam - 13/10/2017 23:52
- Rohingya: Aung San Suu Kyi trình bày kế hoạch trước khi LHQ họp kín - 13/10/2017 20:11
- Sa mạc: Hậu cứ vững chắc của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech ? - 13/10/2017 20:04
- Thổ Nhĩ Kỳ: Sau S-400, tổng thống Erdogan tính mua S-500 của Nga - 13/10/2017 18:36
- Mỹ và Israel rút ra khỏi UNESCO viện lẽ tổ chức LHQ bài Do Thái - 13/10/2017 18:12
- Pháp và Mỹ tăng cường hợp tác chống tài trợ khủng bố - 13/10/2017 18:03
- Mỹ: Tù nhân trở thành lính cứu hỏa tại California - 13/10/2017 17:02
- Đức: Vụ khủng bố chợ Noel tại Berlin lẽ ra có thể tránh được - 13/10/2017 16:56
- Triển lãm hoàn cầu Paris 1900: Sự kiện đánh dấu thế kỷ XX - 13/10/2017 16:37
- Hỏa hoạn Napa Valley cướp sinh mạng vợ chồng lấy nhau 75 năm - 12/10/2017 22:40