Hải Quân Mỹ tiếp tục thách thức Trung Quốc
- Thứ Hai, 05 tháng Sáu năm 2017 04:28
- Tác Giả: Người Việt
Khu trục hạm USS Dewey nhận tiếp liệu trên biển. (Hình: US Navy)
Như tin Người Việt đã loan trong số báo ra ngày Chủ Nhật, 28 Tháng Năm, khu trục hạm USS Dewey (DDG-105) của Hải Quân Mỹ đã thực hiện chuyến hải hành FONOP (Freedom of navigation operation-tự do hàng hải) đi vào vùng biển 6 hải lý cách xa đảo nhân tạo Vành Khăn (Mischief) do Trung Quốc bồi đắp trong vùng biển Trường Sa.
Chuyến hải hành ngày Thứ Tư tuần trước được bản tin của viện hải quân Mỹ USNI xác nhận, là chuyến FONOP đầu tiên của Hải Quân Mỹ dưới chính quyền Tổng Thống Donald Trump.
Thời chính quyền Barack Obama, Hải Quân Mỹ đã tiến hành sáu chuyến FONOP, chuyến cuối cùng vào Tháng Mười năm ngoái do khu trục hạm USS Decatur (DDG-73) thi hành, đi vào vùng biển cách quần đảo Hoàng Sa 12 hải lý.
FONOP là chiến dịch do Hải Quân Mỹ thi hành nhằm xác định quyền tự do lưu thông hàng hải (và hàng không) chiếu theo luật pháp quốc tế, theo đó một nước bên bờ đại dương không được phép ngăn chặn tàu biển mang hiệu kỳ của bất cứ quốc gia nào khác đi bên ngoài lãnh hải 12 hải lý của nước mình.
Quy định này được xác định bằng Điều 87(1)a của Công Ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về luật biển (UNCLOS). Đáng lưu ý là trong số 167 nước ký kết công ước mới chỉ có 60 nước chính thức phê chuẩn và cho đến nay Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn.
Hải Quân Mỹ bắt đầu thi hành FONOP từ năm 2015 khi Trung Quốc tuyên bố trái phép về chủ quyền Biển Đông và bắt đầu bồi đắp xây dựng bất hợp pháp những đảo nhân tạo trong vùng này.
Tuy nhiên, Hải Quân Mỹ giải thích rằng FONOP là hành động không chỉ nhắm riêng vào Trung Quốc mà còn tới tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Có hai ý nghĩa quan trọng chuyến hải hành FONOP của khu trục hạm USS Dewey. Thứ nhất, đây là sự tái xác định quyền hoạt động tự do của hải quân cũng như thương thuyền Mỹ trên toàn khu vực Biển Đông, không quốc gia nào được phép ngăn trở.
Thứ hai, đây là sự công khai bác bỏ giá trị pháp lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc đã xây dựng trong vùng biển Trường Sa từ mấy năm qua.
Đá Vành Khăn là một đảo đá nửa chìm nửa nổi trong vùng quần đảo Trường Sa cách đảo Palawan của Philippines 135 dặm về phía Tây và nằm trên thềm lục địa Philippines.
Trung Quốc chiếm giữ đảo đá này năm 1995 và bắt đầu bồi đắp thành đảo nhân tạo từ 2012. Đến nay Đá Vành Khăn có diện tích khoảng 2.15 dặm vuông, với một cảng và một phi đạo dài 1.6 dặm.
Gần đây Trung Quốc đã bố trí hỏa tiễn phòng thủ và hệ thống phòng không trên đảo.
Theo định nghĩa của UNCLOS và sự giải thích của Tòa Trọng Tài Quốc Tế The Hague trong phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2015, một thực thể chỉ được coi là một hải đảo có chủ quyền nếu con người có thể định cư ở đó.
Các đảo đá, chìm dưới mặt nước biển khi thủy triều lên không phải là đảo, và đảo nhân tạo không có giá trị để xác định lãnh hải 12 hải lý cũng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, mà chỉ có 500 mét xung quanh làm khu vực an toàn.
Đá Vành Khăn do đó chỉ là một đảo nhân tạo và chiến hạm USS Dewey có thể tới gần chỉ cách 6 hải lý mà không cần phải báo trước vì Trung Quốc không có quyền gì ở đây.
Khác với trường hợp USS Decatur năm ngoái chỉ đến cách Hoàng Sa 12 dặm có nghĩa là không xâm phạm lãnh hải Việt Nam hay Trung Quốc.
Trên thực tế Trung Quốc đã chiếm quân đảo này của Việt Nam từ năm 1974 mặc dầu Việt Nam vẫn xác nhận chủ quyền Hoàng Sa.
Trong những chuyến FONOP trước kia, các chiến hạm Mỹ chỉ đến gần và nhanh chóng đi ngang qua không có chủ đích gì khác.
Nhưng lần này USS Dewey đã quanh quẩn trong vùng, lưu lại một khoảng thời gian để thực tập công tác cứu một người rớt xuống biển.
Trung Quốc coi hành động ấy là sự công khai thách thức đối với căn cứ mà họ đã xây dựng và trang bị trên Đá Vành Khăn.
Hai hộ tống hạm Trung Quốc đã báo hiệu tới 20 lần yêu cầu khu trục ham Mỹ rời khỏi vùng biển, nhưng không có thêm biện pháp can thiệp và xảy ra biến cố nào khác.
Hộ tống hạm (frigate) là loại chiến hạm có trọng tải khoảng 2,000 tấn, nhỏ hơn và trang bị vũ khí kém khu trục hạm (destroyer).
Tuy nhiên, lớn nhỏ chưa hẳn là tiêu chuẩn để phân biệt mà phải căn cứ vào sứ mạng của hai loại chiến hạm ấy.
Nhiệm vụ chính của hộ tống hạm là hộ vệ cho các chiến hạm khác hoặc tàu dân sự trên biển chứ không phải là tác chiến tấn công đối phương như khu trục hạm.
USS Dewey là khu trục hạm lớp Arleigh-Burke trang bị hệ thống hỏa tiễn hải-không và hải-hải, dù chỉ đi một mình, có đủ sức tự vệ nếu bị tấn công từ trên biển cũng như trên không.
Hơn nữa Trung Quốc không có lợi ích gì để làm lớn chuyện.
Phát ngôn viên Jeff Davis của Ngũ Giác Đài từ chối bình luận về việc khu trục hạm USS Dewey đến gần Đá Vành Khăn.
Ông chỉ nói: “Chúng tôi vẫn tiếp tục những hoạt động như thế từ quá khứ cho đến tương lai và sẽ chỉ tóm lược toàn bộ trong báo cáo thường niên về FONOP vào đầu năm 2018.”
Hồi cuối Tháng Tư, Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh Thái Bình Dương, trong một cuộc điều trần trước Quốc Hội nói là quân lực Mỹ vùng Thái Bình Dương sẽ sớm cho tiến hành trở lại FONOP ở Biển Đông, nhưng đối phó với Bắc Hàn là mục tiêu khẩn cấp hơn nên Mỹ hiện nay cần sự cộng tác của Bắc Kinh.
Tuy vậy, ông nhận định rằng Trung Quốc vẫn giữ thái độ xâm lăng và không tôn trọng những thỏa thuận quốc tế.
Do đó, Mỹ cần có những bước để đẩy lùi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và thúc giục các đối tác trong khu vực cùng làm như thế.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa đoán biết chiến lược Á Châu của chính quyền Donald Trump sẽ ra sao.
Một số phân tích gia cho rằng tiếp tục FONOP là công việc của Bộ Quốc phòng, và Tòa Bạch Ốc không chủ động trong vấn đề này khi chưa có đường lối gì mới.
Về phía Trung Quốc, sự công kích cũng chỉ là hình thức và phản ứng cần thiết phải có.
Nếu như chuyến FONOP vừa qua nhắm một mục tiêu chính trị gì đặc biệt thì đó chỉ có thể là để chuẩn bị cho Đối Thoại Shangri-La về an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ở Singapore tuần này, có sự tham dự của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis.
Còn về thời điểm của chuyến FONOP thứ bảy thì có thể là do Bộ Tư Lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương trước đây đã mấy lần đề nghị nhưng Tòa Bạc Ốc không chấp thuận vì còn vướng vụ Trung Quốc-Bắc Hàn.
Đến bây giờ, nhận ra không thể chờ đợi một ảnh hưởng nào trong sự liên quan giữa hai chuyện này, bộ tham mưu an ninh của Tổng Thống Trump cho rằng nên có quyết định riêng trong từng vấn đề.
Tin mới
- Khủng hoảng ngoại giao Qatar : Những nguyên nhân sâu xa - 06/06/2017 14:40
- Vuitton đặt tên phu nhân Macron cho túi xách? - 06/06/2017 14:22
- Vụ MH17: Thêm nhiều thông tin về vai trò của Nga - 06/06/2017 14:10
- Mỹ ngưng thi hành quy định hạn chế methane ở nơi khai thác dầu khí - 05/06/2017 19:17
- Orlando: Nhân viên bị đuổi việc, bắn chết 5 người rồi tự sát - 05/06/2017 19:12
- Nga : Putin khẳng định chỉ quen sơ một cựu cố vấn của Trump - 05/06/2017 18:19
- Đối lập Philippines kiện lên Tối Cao Pháp Viện lệnh thiết quân luật của Duterte - 05/06/2017 17:37
- Trung Quốc bác bỏ tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ về Biển Đông - 05/06/2017 16:09
- Trung Quốc phát hiện sản xuất bia Budweiser giả - 05/06/2017 04:43
- Nhiều người Mỹ nghỉ hưu dọn sang Mỹ Châu La Tinh để có đời sống tốt hơn - 05/06/2017 04:36
Các tin khác
- Hiệp định khí hậu Paris: Pháp được Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ - 05/06/2017 03:20
- Bầu cử địa phương Cam Bốt: Trắc nghiệm đối với thủ tướng Hun Sen - 05/06/2017 03:11
- Shangri-la : Jakarta khẳng định Daech có 1200 chiến binh tại Philippines - 05/06/2017 02:50
- Shangri-la: Pháp, Nhật hoan nghênh Mỹ hiện diện quân sự ở châu Á - 05/06/2017 02:43
- Hoa Kỳ: Người xin visa phải cung cấp thông tin cá nhân trên mạng xã hội - 03/06/2017 18:14
- Putin : Mỹ có thể làm giả tài liệu cáo buộc tin tặc Nga - 03/06/2017 18:07
- Nga xen vào bầu cử Mỹ: Comey sẵn sàng khai việc Trump gây sức ép - 03/06/2017 14:04
- Thủ tướng Modi đến Paris thúc đẩy quan hệ Pháp-Ấn - 03/06/2017 13:57
- Philippines : Vẫn chưa biết danh tính thủ phạm vụ tấn công casino - 03/06/2017 13:50
- Khí hậu: Trung Quốc cam kết chuyển đổi mô hình kinh tế “xanh” - 03/06/2017 13:44