Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự chế tạo đầu tiên

port-avion-chine

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự chế tạo đầu tiên ở cảng Đại Liên (Dalian), 26/04/2017.
REUTERS/Stringer

Truyền thông Nhà Nước Trung Quốc hôm nay, 26/04/2017 đồng loạt đưa tin, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do nước này hoàn toàn thiết kế và chế tạo đã được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Đại Liên ở miền đông bắc.

Đây là chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, sau chiếc Liêu Ninh, vốn được tân trang từ một tàu cũ mua lại của Ukraina, được đưa vào hoạt động từ năm 2012.

 Theo giới phân tích, Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường sức mạnh trên biển với tham vọng trở thành một cường quốc hải quân ngang tầm với Mỹ.

Theo hãng tin Pháp AFP, đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV đã phát đi hình ảnh buổi lễ hạ thủy tại cảng Đại Liên, với đầy đủ nghi thức từ cắt băng khánh thành đến đập vỡ chai sâm banh vào thành tàu.

Tên chiếc tàu chưa được đặt chính thức, chỉ mang ký kiệu là tàu lớp 001A, nhưng Tân Hoa Xã cho rằng tên con tàu có thể là Sơn Đông, nơi có cảng Thanh Đảo, bản doanh của hải quân Trung Quốc.

Hãng AFP trích dẫn bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là chiếc tàu sân bay này có trọng tải khoảng 50.000 tấn, sử dụng nhiên liệu thông thường, chứ không phải là hạt nhân, có khả năng mang theo loại chiến đấu cơ J-15 cùng một số máy bay khác.

Theo các nhà phân tích, việc hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ hai này mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn đối với Trung Quốc, vì nó đánh dấu sự kiện Bắc Kinh gia nhập câu lạc bộ một số nước hiếm hoi chế tạo được tàu sân bay.

Bà Juliette Genevaz, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của Học Viện Quân Sự Pháp (Ecole Militaire), thẩm định : « Việc tự đóng được một hàng không mẫu hạm đầu tiên chắc chắn là một sự kiện lịch sử, vì nó đã nâng Trung Quốc lên ngang hàng với một số ít các cường quốc quân sự trên thế giới có thể làm điều đó, bên cạnh Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha ».

Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho dù sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng rất quan trọng, nhưng Trung Quốc còn cần nhiều thời gian thì mới bắt kịp được Mỹ trong lãnh vực hải quân.

Bà Genevaz nhắc lại rằng Hoa Kỳ hiện có đến 10 hàng không mẫu hạm đang hoạt động, và có khoảng 600 căn cứ quân sự ở 50 nước, trong khi Bắc Kinh chỉ có căn cứ duy nhất ở một tiểu quốc châu Phi.

Chuyên gia James Char tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore cũng cùng nhận xét khi cho rằng tàu sân bay của Trung Quốc hoàn toàn không có khả năng đe dọa Mỹ, « nếu xét về các bước tiến kỹ thuật hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ».

Theo chuyên gia này, chỉ có thể nói về một sự đột phá công nghệ, khi mà hàng không mẫu hạm của Trung Quốc có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và bệ phóng để giúp phi cơ cất cánh.

Tuy nhiên, đối với các nước nhỏ trong vùng Đông Nam Á, đặc biệt là các nước đang bị Bắc Kinh tranh chấp biển đảo ở khu vực Biển Đông, hải quân Trung Quốc là một thế lực đáng ngại.

Switch mode views: