Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ngư dân Trung Quốc ngang nhiên tung hoành trên Biển Đông

senkaku bateau chinois




Các tàu đánh cá Trung Quốc.
REUTERS/Stringer


Theo nhận xét của AFP trong bản tin hôm nay 10/03/2013 thì tuy Biển Đông nằm trong số vùng biển bị tranh chấp gay gắt nhất trên thế giới, nhưng ngư dân Trung Quốc vẫn ngang nhiên đánh cá ở nơi nào họ muốn, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng đang đòi hỏi chủ quyền.

Hãng tin Pháp trích lời của Liang Min, một ngư dân 29 tuổi nói rằng : « Có hơi nguy hiểm, nhưng đây là vùng biển của Trung Quốc nên chúng tôi chẳng sợ. Biển Đông là của chúng tôi, việc gì mà phải ngưng lại ? ».

AFP nhận định, thật ra chủ quyền trên Biển Đông đang bị tranh chấp với nhiều nước châu Á và ngư dân trên có nguy cơ dính líu vào những sự cố mang tính quốc tế, khi thường xuyên ngang dọc trên vùng biển mà căng thẳng đang dâng cao.

Bắc Kinh đòi hỏi vùng lãnh hải « lịch sử » rộng mênh mông tại Biển Đông. « Đường lưỡi bò » 9 điểm do Bắc Kinh tự ý vạch ra trên bản đồ từ năm 1940, chạy dài thậm chí đến đảo Bornéo, cách vùng duyên hải Trung Quốc đến hơn 1.000 cây số.

Các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Indonesia đều phẫn nộ khi phát hiện đường lưỡi bò này được in trên các hộ chiếu mới của Trung Quốc.

Khi phát biểu khai mạc phiên họp Quốc hội ngày 05/03/2013 Thủ tướng mãn nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh rằng rằng Bắc Kinh quyết tâm « phát triển kinh tế biển (…) và bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển ».

Đối với Wang, một chủ tàu cá ở Đàm Môn (Tanmen), thì đơn giản là : « Biển Đông là của chúng tôi, tổ tiên chúng tôi đã từng đánh cá ở đây ».

Người chủ tàu sắp về hưu này mỗi ngày đều bủa lưới thu về nào mực, cá kiếm, cá nục…mang về cảng cá cũ kỹ nhưng sinh động của đảo Hải Nam, nơi có cả một đoàn tàu hùng hậu.
Ông ta sử dụng lý lẽ của báo chí chính thức, vốn lặp đi lặp lại là ngư dân Trung Quốc đã qua lại trên vùng biển này từ thời Hán, tức 200 năm trước Công nguyên.

Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng, vận chuyển một phần ba lượng hàng hóa thương mại trên thế giới, và có tiềm năng dầu khí rất lớn.
Nhưng các ngư phủ ở Đàm Môn thì chỉ quan tâm đến nguồn hải sản phong phú tại đây.

Tàu cá Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa – mà Trung Quốc đánh chiếm từ Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 – đông đảo cho đến nỗi Liang kể rằng ê-kíp của mình phải đánh cá ban đêm để bắt các đàn cá đang say ngủ trong các rạn san hô.

Còn tại quần đảo Trường Sa – đang bị tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Malaysai và Brunei – thì « dễ dàng hơn vì còn ít tàu đánh cá », theo như bà Guo, đang hành nghề với chồng trên chiếc tàu dài 18 mét, mua được nhờ chính quyền địa phương cho vay.
Bà nói : « Có hơi sợ một chút khi có nhiều tàu Việt Nam, nhưng số lượng tàu của chúng tôi đông đảo hơn và to hơn nên không ngại ».

Tuy vậy, theo AFP, nguy cơ đang là hiện thực : Bắc Kinh than phiền rằng từ năm 1989 đến nay đã có trên 11.000 thủy thủ Trung Quốc là nạn nhân của các vụ tấn công, bị cướp hay bị bắt giữ tại các nước khác.
 Bắc Kinh đã « đáp trả » bằng cách tăng cường lực lượng tuần tra. Trong một vụ xảy ra năm ngoái, Trung Quốc đã bắt giữ 21 ngư dân Việt Nam.

Mùa hè năm 2012, Bắc Kinh đã điều một tàu tuần tiễu đi hỗ trợ 30 tàu cá Trung Quốc đến tận Trường Sa. Hành động này cho thấy đánh cá chỉ là một cái cớ để Trung Quốc dấn tới trên bàn cờ.

Bắc Kinh cũng tăng tốc hiện diện quân sự, khi vào năm ngoái đã cho lập một thành phố mới và một đạo quân đồn trú tại Trường Sa. Đó là « thành phố Tam Sa », thành phố nhỏ thứ hai trên thế giới sau Vatican, với 1.000 dân sinh sống, trên vùng biển rộng đến 2 triệu km vuông mà Bắc Kinh tự cho mình là chủ nhân.
Những dự án mở rộng du lịch cũng đang được tiến hành.

Ngày càng lo ngại, các nước láng giềng đã siết chặt thêm quan hệ với Hoa Kỳ và tăng cường lực lượng hải quân, đặc biệt là sau khi Trung Quốc cho trình diện chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên.

Nhưng theo ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), Viện trưởng Viện quốc gia Nghiên cứu Biển Đông (NISCSS) của Hải Nam, thì sự bành trướng trên biển của Trung Quốc hãy còn « quá chậm ».

Ông ta nói : « Tôi hy vọng rằng chiếc hàng không mẫu hạm của chúng tôi sẽ sớm được gởi đến Nam Sa (từ ngữ mà Bắc Kinh dùng để chỉ Trường Sa).
 Trung Quốc đang chịu áp lực trên Biển Đông, nhất là với sự xuất hiện của Hoa Kỳ. Chúng tôi phải đóng một vai trò tích cực hơn ».

Triển vọng này làm cho ngư dân Liang rất phấn khởi : « Nay thì có các lực lượng công an ưu tú ở đây, tôi có thể đi đến bất cứ đâu mà chẳng sợ gì ! »
Thụy My

Switch mode views: