Những điều mà ngoại trưởng Mỹ phải làm rõ trong chuyến đi Trung Quốc
- Thứ Năm, 16 tháng Ba năm 2017 20:55
- Tác Giả: Minh Anh
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Trung Quốc vào thứ Bảy 17/3/2017.
REUTERS/Franck Robichon/Pool
Thứ Bảy 18/3/2017, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh, sau khi dừng chân tại Tokyo hôm qua (15/3) và thăm Seoul vào ngày mai (17/3).
Đây cũng là chuyến viếng thăm Bắc Kinh của một quan chức cao cấp Hoa Kỳ đầu tiên, kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Theo giới chuyên gia được báo mạng Forbes trích dẫn, có ít nhất 5 vấn đề mà ngoại trưởng Mỹ cần phải làm sáng tỏ về mối quan hệ nhập nhằng và bấp bênh này giữa Washington và Bắc Kinh.
Thứ nhất, cũng như bao quốc gia khác, Trung Quốc trông đợi một lập trường rõ ràng và nhất quán từ ông Trump. Sau cú trao đổi điện thoại với tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, gây căng thẳng cho đôi bên, Bắc Kinh giờ muốn biết xem Hoa Kỳ nghiêm túc đến đâu trong việc giúp đỡ Nhật Bản và Hàn Quốc phòng thủ chống lại chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Bắc Kinh cũng tò mò muốn biết Tillerson có ý gì khi hồi tháng Giêng năm 2017 nói rằng nên ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo tại Biển Đông mà nước này đòi hỏi chủ quyền và có tranh chấp với các nước láng giềng.
Ngoại trưởng Mỹ còn tuyên bố là “muốn thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các lợi ích thương mại và đầu tư của đôi bên”. Trung Quốc rất muốn biết điều đó có ý nghĩa gì cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Thứ hai, Bắc Kinh chắc chắn vẫn sẽ bổn cũ soạn lại: Đưa ra những luận điệu và cam kết cũ.
Cách tiếp cận này sẽ ngày càng được dùng đến nhiều hơn cho đến khi nào Trung Quốc biết rõ là ông Trump đang dở trò gì tại châu Á.
Nghĩa là, Trung Quốc vẫn cam kết gây áp lực lên Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân, nhưng phản đối Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD.
Về căng thẳng trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn lập lại yêu sách chủ quyền tại những đảo mà họ đòi hỏi và kêu gọi hợp tác với bốn nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh hải.
Lãnh đạo đảng Cộng Sản lại sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đối với các doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ trên cả hai phía ra sao.
Điểm thứ ba chính là quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật – Hàn.
Ông Rex Tillerson đến Nhật Bản hôm qua 15/3 để trấn an đồng minh trước mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, cũng như là trước những động thái quân sự của Trung Quốc tại những đảo đang có tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản.
Và thứ Sáu này, ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp đầu tiên với tổng thống tạm quyền Hwang Kyo-Ahn tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trang mạng Forbes trích nhận định của giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, Úc cho rằng việc “việc Hoa Kỳ quay lại tập trung vào vùng Đông Bắc Á và viện dẫn điều khoản số 5 trong Hiệp ước song phương an ninh Mỹ - Nhật sẽ không làm cho Bắc Kinh hài lòng”.
Từ đó, người ta có thể hình dung ra bước đi thứ tư của Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, kể cả hồ sơ Biển Đông : “Nhã nhặn từ chối mọi nhượng bộ”.
Tất cả những lời nhạo báng chỉ trích từ Tillerson hay từ những nước xung quanh đều phải dừng tại đây.
Nếu nói về hành động gây hấn trên Biển Đông ư, Trung Quốc sắp có bộ Quy Tắc Ứng Xử với các nước Đông Nam Á.
Ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên ư, Bắc Kinh đồng ý nhưng từ chối gây áp lực lên Bình Nhưỡng.
Như nhận định của ông Sean King, phó chủ tịch Hội đồng Tư Vấn Park Strategies tại New York, những lời phàn nàn của Tillerson về những hồ sơ trên sẽ được lịch sự lắng nghe, nhưng Trung Quốc sẽ “không đưa ra một giải pháp nào khác”.
Và bước cuối cùng là đôi bên sẽ lên kế hoạch cho chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng Tư sắp tới, dự kiến cho một cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung kể từ lúc Nhà Trắng có chủ nhân mới.
Chuyến đi Bắc Kinh lần này của Tillerson có lẽ để thiết lập một chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh nhằm tránh những yếu tố bất ngờ có thể làm tổn hại đến mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Đó là những gì giới chuyên gia dự đoán. Tuy nhiên, năm điểm này có thành hiện thực hay không vẫn còn lệ thuộc nhiều vào chính bản thân ông Donald Trump, một người nổi tiếng với những dòng “tweet” gây bất ngờ và những phát biểu đầy khiêu khích.
Rex Tillerson chỉ là người thừa hành những gì ông Trump và vị cố vấn chính của tổng thống, Stephen Bannon vạch ra. Đó là chưa kể đến mối đe dọa bị cắt giảm đến 30% ngân sách ngành ngoại giao mà ông Trump đề xuất.
Tin mới
- Syria: Mỹ thừa nhận không kích nhầm làm 46 người chết - 17/03/2017 19:21
- Nga chối không tấn công tin học Yahoo! - 17/03/2017 18:55
- Pháp : Điều tra về quần áo đắt tiền của Fillon - 17/03/2017 18:48
- Đan Mạch dẫn độ con gái bạn thân của cựu tổng thống Hàn Quốc - 17/03/2017 17:08
- Hồng Kông : Ba thanh niên biểu tình phản đối Bắc Kinh bị phạt tù - 17/03/2017 17:02
- Trung Quốc bác bỏ chỉ trích của Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên - 17/03/2017 16:49
- Biển Đông : Trung Quốc xây trạm quan sát môi trường trên bãi cạn Scarborough - 17/03/2017 16:42
- Trịnh Xuân Thanh tố cáo ông Võ Kim Cự đã môi giới cho Formosa tặng ông Nguyễn Phú Trọng cái tượng Hồ Chí Minh bằng vàng 24K - 17/03/2017 03:06
- Nữ sĩ Quỳnh Dao dặn dò hậu sự - 17/03/2017 01:50
- Bầu cử tổng thống 2017 : Viễn cảnh nào cho nền chính trị Pháp ? - 16/03/2017 21:03
Các tin khác
- Bắc Kinh và Manila ký một thỏa thuận thương mại quan trọng - 16/03/2017 17:44
- Biển Đông: Hai thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc - 16/03/2017 17:31
- Giấy thuế hiếm hoi của ông Trump được tiết lộ - 16/03/2017 14:21
- Syria: vẫn rối ren và bế tắc sau 6 năm nội chiến - 16/03/2017 14:14
- Bầu cử tổng thống Pháp: Fillon khẳng định vô tội - 16/03/2017 14:08
- Mỹ : Một thẩm phán Hawai ra lệnh đình chỉ áp dụng nghị định mới về di dân của TT Trump - 16/03/2017 14:00
- Phó tổng thống Philippines lên án chiến dịch chống ma túy - 15/03/2017 20:40
- Tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc tập trận - 15/03/2017 20:33
- Hàn Quốc : Tư pháp triệu tập thẩm vấn cựu tổng thống Park - 15/03/2017 20:21
- Hiểm họa Bắc Triều Tiên bao trùm chuyến công du châu Á của Tillerson - 15/03/2017 20:14