Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ngoại giao Mỹ bị « lu mờ » dưới thời Donald Trump ?

germany-g20

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị bên lề cuộc họp G20 tại Bonn, Đức. Ảnh ngày 17/02/2017.
© REUTERS/Brendan Smialowski/Pool

Một ngoại trưởng vô hình. Một bộ Ngoại Giao bị xem nhẹ và bị đe dọa cắt giảm mất 1/3 ngân sách.
 Lãnh đạo kém năng lực. Chưa bao giờ ngành ngoại giao Mỹ lại thảm hại như lúc này.

Ai cũng biết rằng ngoại trưởng và bộ Ngoại Giao cùng với các đại sứ và tổng lãnh sự là những bộ phận thực thi các chính sách đối ngoại do Nhà Trắng và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia NSC vạch ra.

Nhưng việc ông Donald Trump thông báo tăng 9% ngân sách quốc phòng, bù lại cắt giảm ngân sách nhiều ban bệ, trong đó có bộ Ngoại giao và nguồn tài trợ quốc tế thông qua Cơ Quan Hỗ Trợ Phát Triển USAID, trực thuộc bộ Ngoại Giao, đang khiến các quan chức và giới ngoại giao Mỹ hiện nay lo lắng.

Tại Washington hiện đang lan truyền những đồn đãi về một kế hoạch cắt giảm đến 37% trên khoản ngân sách hằng năm là 50 tỷ đô la của bộ Ngoại Giao.
 Tuy đề xuất ngân sách cho năm 2018 này còn phải được Quốc Hội thông qua, nhưng con số đề xuất đã gây « chấn động » tại Washington, kể cả những chính khách thuộc phe Cộng Hòa ủng hộ ông Trump.

Theo họ, cắt giảm ngân sách của bộ Ngoại Giao và USAID « có lẽ sẽ là một thảm họa », vì « nguồn hỗ trợ quốc tế chiếm chưa tới 1% ngân sách nhưng rất cần thiết cho an ninh quốc gia », giúp « ngăn chặn các cuộc xung đột ».

Thế nhưng, theo AFP, sự « mờ nhạt » đó của bộ Ngoại Giao Mỹ có lẽ cũng bắt đầu từ ngày 01/02/2017, ngày ông Rex Tillerson chính thức trở thành lãnh đạo thứ 69 của ngành ngoại giao Hoa Kỳ.
Ngay từ ngày đó, nhiều tiếng xầm xì đã lan truyền khắp các hành lang cho rằng mọi việc có lẽ sẽ trái ngược hẳn với người tiền nhiệm John Kerry.

Nếu so về mặt tính cách, cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil lại là một người rất kín tiếng so với một John Kerry tuy diễn giải dài dòng, nhưng rất chuyên nghiệp và có giao tiếp rộng với báo giới.
Trong vòng một tháng, tân ngoại trưởng Mỹ chỉ phát biểu có ba lần trước công chúng, nhưng lại không nêu bật được các ưu tiên trong chính sách ngoại giao của mình.

Tại Mêhicô, ôngTillerson lại tỏ vẻ không mấy lưu loát khi nói về cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước và có vẻ như bị đồng nghiệp là bộ trưởng An Ninh Nội Địa John Kelly « lấn lướt ».

Các cuộc đối thoại của ông với các đồng nhiệm nước ngoài chỉ hạn chế trong vài cái bắt tay, vài phép xã giao và các thông cáo báo chí. Nếu như trước đây, mỗi ngày phải có đến hàng chục các cuộc tiếp xúc thì giờ như nước nhỏ giọt.

Hơn nữa, không giống như tất cả những lần trước mỗi khi có sự thay đổi chính quyền tại Washington, lần này, thời hạn bổ nhiệm các vị trí ngoại giao bị khuyết kéo dài một cách không bình thường.
Rex Tillerson thậm chí còn bị mất một người cộng sự được cho là rất già dặn kinh nghiệm mà ông rất mong muốn giữ lại.

Một điểm bất thường khác được hãng tin Pháp để ý đến là sự biến mất của các cuộc họp báo ngắn mỗi ngày, được coi là hoạt động « thiêng liêng » của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao từ hôm 19/02/2017 đến nay.

Từ nhiều thập niên nay, cuộc họp báo này, vốn thường được phát trực tiếp trên các đài truyền hình, làm say mê các trang mạng xã hội, cho phép nền ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ các quan điểm của mình về các cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới. Theo tiết lộ, thông lệ này sẽ được nối lại vào ngày 06/3 tới đây, nhưng rất có thể là sẽ không diễn ra mỗi ngày như trước nữa.

Nền ngoại giao Mỹ tương lai sẽ ra sao ? Phải chăng tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới đang có nguy cơ bị « lu mờ » dần dưới thời Donald Trump ?

Switch mode views: