Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hội đồng Nhân quyền LHQ thảo luận tình hình Bắc Triều Tiên, Mali và Syria

geneve  nhanquyen

 



Các đoàn đại biểu thảo luận tại kỳ họp Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lần thứ 22 tại Genève ngày 25/02/2013.
REUTERS/Denis Balibouse


Hôm nay  25/02/2013, tại Genève, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bắt đầu khóa họp thường niên lần thứ 22 và kéo dài cho đến ngày 22/03.

Trọng tâm các cuộc thảo luận là tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, Mali, Syria. Nhiều nghị quyết có thể được thông qua trong dịp này.

Về Bắc Triều Tiên, giám đốc tổ chức Human Rights Watch, bà Juliette de Rivero, cho AFP biết là kỳ họp lần này sẽ ra quyết định thành lập ủy ban điều tra về các vụ vi phạm nhân quyền ở nước này.

Đây là lần đầu tiên có một cuộc điều tra tập trung xem xét về tình trạng vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống tại Bắc Triều Tiên.

Dự thảo nghị quyết về hồ sơ này do Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu đưa ra, sau khi Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, bà Navi Pillay, hồi tháng Giêng vừa qua, đã đề nghị mở cuộc điều tra về các vụ vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên.

Năm 2012, lần đầu tiên, Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua các nghị quyết lên án mạnh mẽ chính quyền Bình Nhưỡng vi phạm nhân quyền có hệ thống.

Trong khóa họp lần này, vấn đề nhân quyền tại Mali cũng sẽ được thảo luận sau khi nhiều tổ chức phi chính phủ tố cáo các vụ vi phạm ở nước này.
Mặt khác, Pháp đã đề nghị Hội đồng Bảo an nhanh chóng cho triển khai các quan sát viên quốc tế về nhân quyền tại Mali.
 Các tổ chức phi chính phủ đang chờ đợi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết về việc này.

Đại diện Liên đoàn quốc tế về nhân quyền – FIDH - bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève mong muốn có một nghị quyết cho phép thành lập hệ thống theo dõi, nhằm ngăn chặn « những vụ trả thù », sau khi quân đội Pháp rút khỏi Mali.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng sẽ chính thức xem xét báo cáo của ủy ban điều tra quốc tế về tình hình Syria.
Tài liệu này đã được công bố ngày 18/02 vừa qua, lên án cả hai phía, chính quyền Damas và phe nổi dậy, phạm tội ác chiến tranh.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, bà Navi Pillay, ngày hôm nay, chỉ trích Hội đồng Bảo an đã thất bại, không đưa được hồ sơ Syria ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế CPI.

Còn Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter lên án thảm họa nhân đạo tại Syria và yêu cầu các nước kéo dài thời hạn hoạt động của các nhân viên điều tra quốc tế, nhằm thu thập thêm tài liệu, bằng chứng về các vụ vi phạm nhân quyền ở Syria.

Ngày 14/01 vừa qua, một nhóm 57 nước do Thụy Sĩ khởi xướng, đã gửi một bức thư lên Liên Hiệp Quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an chuyển hồ sơ Syria sang Tòa án Hình sự Quốc tế.
Đức Tâm

Switch mode views: