Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : Phương Tây đứng sau vụ đảo chính hụt

Tayyip Erdogan -TNK

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại cuộc mít tinh ngày 02/08/2016 tại Ankara đã lớn tiếng chỉ trích phương Tây đứng đằng sau vụ đảo chính hụt hôm 15/07.
Ảnh: Kayhan Ozer/Presidential Palace/REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm qua, 02/08/2016, một lần nữa lại lên tiếng chỉ trích gay gắt phương Tây, Hoa Kỳ và Châu Âu, những đối tác của Ankara hiện đang bị ông quy kết là đồng lõa với phe đảo chính bất thành hồi trung tuần tháng Bảy vừa qua.

Theo thông tín viên RFI, Alexandre Billette tại Istanbul, giới quan sát cho rằng mục tiêu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khi lớn tiếng đả kích là nhằm gây sức ép, buộc Washington cho dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gülen, kẻ thù của ông Erdogan, đang lưu vong tại Hoa Kỳ :

Phát biểu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào phương Tây nói chung. Ông Recep Tayyip Erdogan cho là nước ông đã không nhận được một hỗ trợ nào trong những giờ phút đầu cuộc đảo chính, và sau đó cũng vậy.

Ông chỉ trích : « Những người mà chúng ta tưởng là bạn, đã hậu thuẫn cho quân khủng bố, họ còn đứng về phe đảo chính ».
Ông Erdogan còn khẳng định là cuộc đảo chính được lên kế hoạch từ bên ngoài : « Sự kiện đó không chỉ được lên kế hoạch từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi nói thẳng : Tác nhân vụ đảo chính là người ở đây, nhưng kịch bản đã được viết ở nước ngoài ».

Ông Erdogan ám chỉ giáo sĩ Fethullah Gülen đang sống ở Mỹ mà Ankara muốn Washington cho dẫn độ.

Trong những ngày qua, báo chí thân chính quyền cũng đã có những quan điểm tương tự, đề cập đến sự tham gia của CIA và một số tướng lãnh Mỹ vào kế hoạch đảo chính.
Những lời tố cáo này được đưa ra có lẽ để gây sức ép, buộc Washington cho dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gülen để chứng minh sự trung thực của mình.’

Quan hệ Washington - Ankara sẽ còn phức tạp

Những lời tố cáo của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong lúc tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Dunford, kết thúc chuyến viếng thăm tại đây, một chuyến công du được Lầu Năm Góc đánh giá là tốt đẹp.

Máy bay Mỹ vẫn có thể sử dụng căn cứ Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Tướng Dunford cũng hứa là sẽ nêu yêu cầu cho dẫn độ của Ankara tại Washington.

Tuy nhiên vấn đề rất phức tạp như phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã giải thích : " Chúng tôi đã nhận được các hồ sơ, tôi không biết là bao nhiêu, tôi cũng không rõ nội dung. Ngành Tư pháp đang xem xét, nhưng như tôi đã nói, đây là một tiến trình có thể lâu dài.
Ngoài ra chúng tôi không thảo luận những hồ sơ cá nhân riêng tư trước công chúng. Cho dù ở đây là một trường hợp cá biệt với những yêu cầu dồn dập của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ."

Theo giới quan sát, quan hệ Washington - Ankara sẽ còn phức tạp hơn nữa. Sự tức giận của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thay đổi những quy tắc áp dụng ở Mỹ. Bộ Ngoại Giao nhận đơn, bộ Tư Pháp xét duyệt hồ sơ cho dẫn độ, và hồ sơ này sẽ còn phải được soi rọi dưới góc độ chính trị.

Switch mode views: