Đảng Bảo thủ Anh chọn lãnh đạo mới
- Thứ Bảy, 02 tháng Bảy năm 2016 05:50
- Tác Giả: RFI, Lê Hải
Bộ trưởng Nội Vụ Anh Theresa May
REUTERS/Dylan Martinez
Dư luận nước Anh bắt đầu bàn cãi về các nhân vật sẽ lên làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và thay thế thủ tướng David Cameron đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu để rút khỏi tư cách thành viên.
Theo những nhận định ban đầu, thì bộ trưởng Nội Vụ Theresa May có phần thắng thế còn cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson lại bất ngờ tuyên bố vào phút chót là sẽ không ra ứng cử.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thêm về câu chuyện này.
Người ta khá bất ngờ khi thấyông Boris Johnson, người nổi bật nhất trong cuộc vận động cho Brexit và luôn xuất hiện trên mặt báo trong vai trò đối lập với thủ tướng David Cameron lại tuyên bố rút lui ngay trước giờ chốt danh sách ứng viên vào trưa hôm qua (30/06/2016).
Dư luận còn bất ngờ hơn nữa khi nhân vật số hai của ông là Michael Gove ngay trước đó vài giờ đồng hồ tuyên bố không ủng hộ ông Johnson lên làm lãnh đạo đảng Bảo thủ vì thấy ông chưa hội đủ các tố chất cần thiết.
Ông Michael Gove hôm nay cũng nhanh chóng đưa ra lộ trình sắp tới cho đảng Bảo thủ và nước Anh trên con đường rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, và một loạt các nghị sĩ trong đảng trước đây đi theo lá cờ của Boris Johnson nay đều ngả sang ủng hộ cho ông.
Tuy vậy, con số nghị sĩ trong đảng ủng hộ nhiều nhất cho lãnh đạo tương lai lại dành cho bà Theresa May, dù rằng bà bỏ phiếu cho con đường Bremain, tức là muốn ở lại với Liên Hiệp Châu Âu.
Bà Theresa May giữ chức bộ trưởng bộ Nội Vụ trong nhiều năm nay, mà trong đó có cơ quan chuyên trách về xuất nhập cảnh và di dân di trú, đặc biệt là từ sau một loạt các vụ bê bối hồ sơ đã khiến UKBA phải tách làm đôi và chỉnh sửa nhiều hoạt động.
Thời gian qua bà cũng thông qua một đạo luật về di dân sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, siết chặt điều kiện về phúc lợi xã hội cho lao động từ các nước Liên Hiệp Châu Âu ở Anh.
Ngoài ra, bộ Nội Vụ cũng nắm hệ thống cảnh sát và cơ quan an ninh nội địa, cho nên có thể coi bà là người hội đủ tài lực để lèo lái nước Anh trong giai đoạn tới, khi bộ trưởng tài chính George Osborne tuyên bố không muốn lên làm thủ tướng.
Tuy nhiên, về khả năng lãnh đạo nhóm, tức là yếu tố để trở thành thủ lĩnh cho đảng Bảo thủ, hay ít nhất là khả năng dẫn dắt các bộ trưởng trong chính phủ, thì người ta còn chưa thực sự cảm thấy được thuyết phục, cho nên các ứng viên khác vẫn đang tích cực vận động để lấy phiếu về cho mình trong đại hội đảng dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10/2016 tới đây.
Hai vấn đề chính được bàn cãi trong cuộc vận động Brexit là di dân và kinh tế.
Vậy bộ trưởng tài chính tiếp tục duy trì vai trò của mình sẽ giúp nước Anh ổn định kinh tế trong quá trình rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu?
Thực ra thì không hẳn là như vậy. Bộ trưởng George Osborne đang trong quá trình lèo lái nước Anh để cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách và dự kiến phải tới 2019 mới có thể quay trở lại bình thường.
Bây giờ xảy ra chuyện Brexit thì kế hoạch đó phá sản hoàn toàn và chưa chắc rằng ông đủ khả năng đưa ra một chiến lược kinh tế rõ ràng cho nước Anh trong vai trò độc lập, theo như phân tích trên tờ nhật báo Telegraph.
Giới kinh doanh và đặc biệt là khu tài chính Luân Đôn quen tư duy theo kiểu nước Anh là một thành viên của Liên hiệp châu Âu và cho đến giờ họ vẫn chưa tin vào khả năng nước Anh sẽ thật sự Brexit, và càng không có kế hoạch cụ thể gì để chuẩn bị cho việc nước Anh từ nay sẽ kinh doanh độc lập bên ngoài khuôn khổ Liên hiệp châu Âu.
Cho nên, việc chọn lựa một bộ trưởng tài chính phù hợp sẽ là vấn đề khiến cho các ứng viên thủ tướng sẽ phải suy nghĩ và tính toán rất nhiều, vì đây sẽ là nhân vật đi đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu để bảo đảm quyền lợi kinh tế cho nước Anh sau ngày rút khỏi tư cách thành viên.
Đó chính là thế mạnh của một ứng viên nữ khác là bà Andrea Leadsom, trước khi vào quốc hội từng quản lý quĩ đầu tư tài chính, và sống ở một số nước châu Âu.
Ngoài ra, có ứng viên Stephen Crabb là một người rất trẻ, năm nay chỉ 43 tuổi, và hiện quản lý bộ Lao Động và Hưu Trí, tốt nghiệp đại học kinh tế.
Tuy nhiên, lá phiếu bầu chọn lãnh đạo đảng Bảo thủ là do các đoàn đại biểu đến từ các địa phương khác nhau, cho nên các ứng viên từng làm nghị sĩ quốc hội lâu năm như ông Liam Fox cũng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng.
Và chắc chắn là trong đại hội đảng sắp tới đây của đảng Bảo thủ thì câu chuyện đi hay ở lại một lần nữa trở thành đề tài tranh cãi gay gắt.
Bởi vì nó gắn liền với quyết định nước Anh sẽ ra đi như thế nào, bao gồm cả khả năng như người ta giải thích rằng có thể rút khỏi tư cách thành viên Liên Hiệp Châu Âu một cách chính thức, nhưng lại vẫn duy trì vị trí trong khối kinh tế chung gọi tắt là EEA, thì mọi chuyện sẽ không có thay đổi nhiều, hay thậm chí chính phủ có thể không nghe theo ý kiến của dân chúng với các biện pháp kỹ thuật.
Như vậy tình hình hiện nay, nhiều phần là một cuộc chơi chính trị hơn là ván bài về kinh tế và xã hội của Anh quốc đối với Liên Hiệp Châu Âu?
Chính xác là như vậy, tờ báo The Times gọi quyết định Brexit là động đất, cho nên những gì diễn ra sau đó giống như là sóng thần vậy, làm sụp đổ kiến trúc thượng tầng, nơi mà kết cấu lỏng lẻo và xây dựng thiếu nền móng vững vàng, như giấc mộng tan vỡ của ông Boris Johnson.
Bên phía Công đảng thì lãnh đạo Jeremy Corbym cũng phải chịu áp lực phải từ chức, khi mà các nhân vật cao cấp trong đảng quay lưng và ngay cả thủ tướng Cameron trong phiên điều trần hôm thứ Tư (29/06/2016) cũng mỉa mai kêu ông hãy đi đi để nhường ghế lãnh đạo lại cho người khác.
Cuộc vận động Brexit phần nào mở đường cho các phần tử cực đoan hoạt động và đã nổ ra một số cuộc tấn công sắc tộc nhắm vào cửa hàng của người Hồi giáo hay trung tâm văn hóa của người Ba Lan, nhưng xã hội nhanh chóng phản ứng, đưa lên mạng, và luật pháp nước Anh cũng rất nghiêm ngặt trong việc này, cho nên có thể nói mọi việc đã phần nào tạm ổn.
Tương tự vậy, quyết định Brexit đã làm đồng bảng Anh cùng nhiều cổ phiếu mất giá, nhưng chỉ số thị trường chứng khoán FTSE cho đến hôm nay gần như là đã phục hồi.
Đúng như câu ngạn ngữ nổi tiếng về tính cách Anh – Keep Calm and Carry On, người dân ở Anh vẫn bình tĩnh và đối phó với tình cảnh, và khó khăn ở chỗ này lại trở thành điều thuận lợi cho chỗ khác.
Ví dụ như là các công ty luật đang quảng cáo để kêu gọi di dân từ Liên Hiệp Châu Âu hãy làm đăng ký thẻ tạm cư, mà với con số 3 triệu người hay là gia đình thuộc dạng này, thì số tiền mà họ kiếm được sẽ rất nhiều.
Quá trình đàm phán cũng sẽ mở ra một loạt các công việc mới, từ người đi đàm phán cho đến người làm phiên dịch, hay hợp đồng nghiên cứu dành cho các trường đại học để chuẩn bị trước.
Tin mới
- Singapore truy tố các công ty Indonesia gây ô nhiễm môi trường - 03/07/2016 22:48
- Vụ kiện Biển Đông : Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa trước ngày Tòa ra phán quyết - 03/07/2016 22:39
- Biển Đông : Indonesia tăng nỗ lực bảo vệ chủ quyền - 02/07/2016 22:48
- Pháp tăng cường an ninh cho "Gay Pride Paris" - 02/07/2016 21:40
- Hồng Kông : Hàng chục ngàn người biểu tình vì dân chủ - 02/07/2016 21:19
- Nhật Bản « quan ngại sâu sắc » về tình hình Biển Đông - 02/07/2016 21:09
- Vụ kiện Biển Đông : Việt Nam kêu gọi tòa ra phán quyết « công bằng » - 02/07/2016 16:06
- Nhật mua 40 tỷ đô la chiến đấu cơ để giữ ưu thế với Trung Quốc - 02/07/2016 06:26
- Syria: Chiến sự ác liệt tại Al Mallah, bắc Aleppo - 02/07/2016 06:17
- Bà Clinton bị Trump bám sát, Obama vào cuộc - 02/07/2016 05:59
Các tin khác
- Đánh bom sân bay Istanbul: khủng bố từ Kavkaz tới - 02/07/2016 05:36
- Truy bắt xã hội đen Trung Quốc lộng hành tại Ý - 01/07/2016 22:58
- Đài Loan bắn nhầm hỏa tiễn về phía Trung Quốc - 01/07/2016 20:15
- Vụ kiện Biển Đông: Trung Quốc bác bỏ phán quyết đưa ra ngày 12/07 - 01/07/2016 17:04
- Tập Cận Bình : Trung Quốc không bao giờ « từ bỏ chủ quyền » Biển Đông - 01/07/2016 13:02
- Biển Đông : Mỹ sẽ triển khai thủy quân lục chiến từ 2019 - 30/06/2016 13:46
- Liên Hiệp Châu Âu lần đầu tiên họp không có Anh - 30/06/2016 01:26
- Báo cáo về nạn buôn người của Mỹ : Thái Lan lên, Miến Điện tụt hạng - 30/06/2016 00:27
- Chưa có nguy cơ « Brexit » đối với ASEAN - 30/06/2016 00:16
- Quốc hội Bắc Triều Tiên họp bất thường về kinh tế - 29/06/2016 23:59