Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biển Đông : Trung Quốc trấn an ASEAN

china-asean 4
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị đặc biệt của các ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Ngọc Khê, Vân Nam (Trung Quốc) ngày 14/06/2016.
China Daily/via REUTERS

Nhân một hội nghị được chính Bắc Kinh mệnh danh là « đặc biệt » ngày  hôm nay, 14/06/2016, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khuyên các nước ASEAN là nên có một « tầm nhìn dài hạn » trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Trung Quốc như muốn trấn an ASEAN đang rất quan ngại trước các hành động lấn lướt của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Ngay từ hôm qua, trong một cuộc gặp song phương với ông Vương Nghị bên lề hội nghị, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc làm phức tạp tình hình Biển Đông.

Phát biểu tại hội nghị được tổ chức tại thành phố Ngọc Khê (Yuxi), tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố rằng cả Trung Quốc lẫn ASEAN nên xem xét mối quan hệ song phương với « độ cao chiến lược » và « tầm nhìn dài hạn », xử lý đúng đắn các bất đồng để quan hệ hai bên phát triển theo hướng lành mạnh và ổn định.

Tuyên bố đầy tính hòa hoãn của Trung Quốc được đưa ra vào lúc tình hình Biển Đông càng lúc càng căng thẳng trước các hành vi dùng sức mạnh áp đặt yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông, trong đó có những hành động bị tố cáo là nhằm quân sự hóa những thực thể họ đang chiếm đóng tại cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa.

Các hành động của Trung Quốc đã gây nên mối quan ngại rất lớn, và trong một cuộc tiếp xúc song phương với ông Vương Nghị bên lề hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc, vào hôm qua, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã một lần nữa đề nghị hai bên tuân thủ các thỏa thuận về việc kiểm soát tốt bất đồng, tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết là ông Phạm Bình Minh đã đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển sao cho công việc có tiến triển, đồng thời thực hiện hiệu quả bản Tuyên Bố về Ứng Xử trên Biển Đông DOC, và sớm xây dựng bộ Quy Tắc Ứng Xử COC.

Theo ghi nhận của giới quan sát, hiện có năm nước ASEAN bị tác hại trực tiếp từ các hành vi quyết đoán áp đặt yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông : Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa (riêng Việt Nam có thêm tranh chấp Hoàng Sa với Bắc Kinh), trong lúc Indonesia thì bị Trung Quốc « lấy » mất một phần vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi quần đảo Natuna, nằm sát Biển Đông.

Switch mode views: