Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Truyền thông Bắc Triều Tiên lạnh nhạt với điện mừng của Bắc Kinh

NKOREA-POLITICS 3

Lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) tại một khu bảo tồn di tích chiến tranh 1950-1953, theo Hãng thông tấn KCNA, cung cấp ngày 09/06/2015.
Reuters

Bình Nhưỡng lại có thêm một cử chỉ khiến Bắc Kinh cảm thấy bị xúc phạm. Tờ Rodong Shinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, hôm nay, 09/09/2015, đã đăng lên trang nhất các bức điện mừng ngày thành lập Nhà nước Bắc Triều Tiên, của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Cuba Raul Castro, trong khi đó thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ xuất hiện ở bên trong, nửa phía dưới của trang thứ hai tờ báo.

Theo ông Yang Moo-jin, giáo sư một đại học chuyên về Bắc Triều Tiên, việc sắp xếp như trên là một hành động có tính toán của chế độ Bắc Triều Tiên, nhằm thể hiện rõ sự bất bình của Bình Nhưỡng đối với đàn anh Bắc Kinh.

 Với sự sắp đặt này, Bắc Triều Tiên hàm ý là về mặt đối ngoại, Trung Quốc chỉ đứng hàng thứ ba, sau Nga và Cuba, cho dù trên thực tế, Bắc Kinh vẫn là « đồng minh quan trọng nhất », bảo đảm sự sống còn của chế độ Bình Nhưỡng, hơn hẳn hai quốc gia mà Bắc Triều Tiên vừa mới coi là thân thiết nhất.

Mối quan hệ đặc biệt Bắc Triều Tiên - Trung Quốc từng được tạo nên với xương máu của rất nhiều binh sĩ Trung Quốc trong cuộc chiến 1950-1953.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối quan hệ được đánh giá là keo sơn trước đây đã bị sứt mẻ nghiêm trọng : Bắc Kinh tức giận vì những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, bất chấp các kêu gọi kiềm chế, nhất là trong chương trình vũ khí hạt nhân.

Sau gần 4 năm cầm quyền, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un chưa một lần gặp Chủ tịch Trung Quốc, trong khi lãnh đạo Trung Quốc đã 6 lần gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-Hye, kể từ khi nhậm chức năm 2003.

 Theo chuyên gia về Bắc Triều Tiên Yang Moo-jin, một nguyên do khác khiến Bình Nhưỡng có phản ứng như vậy là do lãnh đạo trẻ Kim Jong-un có mặc cảm bị Bắc Kinh xử sự « như với một đứa trẻ ».

Bất chấp việc vai trò của Trung Quốc cố tình bị hạ thấp, trên thực tế, Bắc Kinh vẫn tiếp tục là thế lực bảo trợ chính cho Bắc Triều Tiên về mặt ngoại giao, một đồng minh chiến lược và một chỗ dựa kinh tế chủ yếu.

Bình Nhưỡng đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu hạt nhân

Vẫn liên quan đến Bắc Triều Tiên, một nhóm chuyên gia Mỹ cho rằng dường như Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh các hoạt động sản xuất chất plutonium để tăng số lượng bom nguyên tử.

Dựa trên các ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu quan hệ Mỹ-Triều Tiên, đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, nhận định, các hoạt động tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên đang được đẩy mạnh ở hai nơi, trong đó có cả lò phản ứng 5 megawatt, nguồn sản xuất chính ra chất plutonium của Bắc Triều Tiên.

Khó có thể biết được chính xác nguyên nhân của các động thái này, nhưng giới quan sát nêu ra một số giả thuyết như nâng cấp, thay thế thiết bị hoặc thay thế các thanh nhiên liệu để chuẩn bị sản xuất thêm plutonium.

Đầu tuần này, lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - AIEA cũng đã lưu ý đến các động thái nói trên tại Bắc Triều Tiên.


Switch mode views: